Câu chuyện Big C thông báo tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam dù chưa được kiểm chứng cũng đang dấy lên nhiều lo ngại cho các nhà sản xuất.
Theo thông tin, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đang có kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc tại thị trường Việt Nam vì vậy đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.
Đồng thời, kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, Big C cho biết ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam.
Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.
Sau động thái nói trên của "đại gia" Thái Lan, nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với BigC đối diện với tình hình khó khăn.
Ngay trong chiều nay (3/7), nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM nhằm làm rõ vụ việc.
Theo đại diện Doanh nghiệp may Trần Trúc, cung cấp sản phẩm may mặc cho Big C hơn 10 năm nay: "Nhà cung cấp không dám kêu công nhân may nữa bởi Big C kêu ngưng nhận hàng đột xuất quá. Mặc dù chúng tôi có những đơn hàng đã gửi xuống siêu thị, cam kết số lượng rồi nhưng phía Big C kêu ngưng nhận hàng quá đột xuất, khiến nhiều công nhân may bức xúc, không hiểu vì sao siêu thị ngưng nhận như vậy".
Giám đốc doanh nghiệp này cho biết thêm, việc tạm ngưng này của Big C quá bất ngờ, khi chỉ mới thông báo ngay tối hôm qua, khiến công ty không kịp phản ứng.
Không chỉ riêng Big C, một "ông lớn" khác đến từ Thái Lan là tập đoàn TCC sau khi mua lại hệ thống đại siêu thị Metro cũng đã có những động thái "làm khó" cho hàng Việt khi tăng chiết khấu. Công ty TNHH Minh Long 1 từng tuyên bố rút toàn bộ hàng ra khỏi hệ thống Metro cũng vì bị tăng chiết khấu, mặc dù tổng doanh thu từ hệ thống này trong một năm lên đến hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực để can đảm rời bỏ siêu thị như Minh Long.
Tại một số hệ thống bán lẻ do các nhà phân phối nước ngoài nắm giữ khác, hàng Việt phải "cam chịu" để nhường chỗ cho hàng ngoại. Có thể kể đến siêu thị Mega Market (tên gọi cũ là Metro) trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), ngay tại cổng chính đã bắt gặp một khu trưng bày hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người mua sắm. Người Thái đã dành cho hàng Thái vị trí đẹp nhất ở đại siêu thị này, và dĩ nhiên hàng Việt sẽ phải ở những vị trí khiêm nhường hơn rất nhiều.
Hay trên kệ hàng của siêu thị Lotte ở đường Liễu Giai, hàng Hàn Quốc tràn ngập, từ kem đánh răng, kim chi, hoa quả cho đến các loại mỹ phẩm...Vì được bày bán bắt mắt, giá chỉ nhỉnh hơn hàng Việt 5-10% nên thu hút được nhiều người tiêu dùng lựa chọn của người tiêu dùng hơn. Họ mua nhiều hàng Hàn Quốc thì dĩ nhiên hàng Việt sẽ ít được đưa vào giỏ hơn!
Lo ngại trước nguy cơ hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống bán lẻ ngoại, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương mới đây đã lên tiếng trên nghị trường: "Sau khi thâu tóm, phương thức và quy trình mua của các nhà phân phối nước ngoài hoàn toàn thay đổi. Các chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc. Hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu hóa bằng hàng rào kỹ thuật, tăng chiết khấu, chiếm dụng vốn nhà cung cấp, o ép phí mở hàng, phí hỗ trợ chương trình khuyến mại, bảo hành,..."
Siêu thị luôn là kênh quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp trong nước. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội hiện nay cứ 10 nhà sản xuất Việt Nam thì chỉ có một nhà sản xuất có khả năng đưa được hàng vào siêu thị. Nguyên nhân do chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, ngoài ra chi phí bán hàng lên tới 30%. Điều này khiến hàng Việt lép vế, bị "đẩy" ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.
Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, điều này đồng nghĩa với việc hàng Việt có bị lấn lướt, bị loại khỏi hệ thống bán lẻ. Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khiến dấy lên lo ngại về việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường cùng việc mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà của các nhà sản xuất trong nước.
Một số chuyên gia lo ngại, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị "mất chủ quyền trong siêu thị, bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Vậy lãnh đạo Central Group lý giải ra sao? DĐDN sẽ tiếp tục thông tin?
Ngày 29/4/2016, Tập đoàn Thái Lan Central Group đã hoàn tất giao dịch mua lại hệ thống siêu thị Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỉ USD). Việc bán Big C cho Central Group nằm trong kế hoạch của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp để giảm bớt các khoản nợ ngày một tăng cao. Theo tờ Bangkok Post, ông Tos Chirathivat, Tổng giám đốc của Central Group, cho biết tập đoàn cho biết ý định tham gia vào mua Big C Việt Nam vì đây là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN và việc mua Big C giúp doanh số tập đoàn này tăng gấp đôi. "Châu Âu là thị trường đã bão hòa. Chúng tôi hiện tập trung vào Việt Nam, với rất nhiều cơ hội bán lẻ tiềm năng", CEO Central Group, ông Tos Chirathivat, cho biết. Ông cũng đánh giá việc thương vụ không chỉ mang đến cho họ chuỗi siêu thị Big C với 33 chi nhánh tại Việt Nam, mà còn có 10 cửa hàng tiện lợi và 30 trung tâm mua sắm do các công ty con của Big C Việt Nam sở hữu, VnExpress dẫn tin. Hiện tại, tập đoàn này đang nắm giữ cổ phần chi phối trong công ty điện máy Nguyễn Kim và thành lập nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác. |