Sẽ có 19 triệu khẩu trang kháng khuẩn trong tháng 3
Trong tháng 3, các doanh nghiệp dự kiến đưa ra thị trường khoảng 19 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hỗ trợ giao động từ 7.000đ đến 15.000đ/chiếc.
Đây là số liệu được Bộ Công Thương chia sẻ với DĐDN, trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và tình trạng khan hiếm khẩu trang trên thị trường khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và kết quả làm việc trực tiếp với gần 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, tính hết tháng 2, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đã cung ứng ra thị trường là trên 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn.
Trong tháng 3/2020, các đơn vị tiếp tục sản xuất và dự kiến đưa ra thị trường khoảng gần 19 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hỗ trợ giao động từ 7.000đ đến 15.000đ/chiếc.
Đủ khả năng cung ứng 50 triệu chiếc
Ngoài các doanh nghiệp, Cục Công nghiệp đã trực tiếp liên hệ, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và vừa cũng đang sản xuất và cung ứng khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường với số lượng 1000-2000 chiếc/ngày.
Nhận định năng lực sản xuất khẩu trang, bao gồm năng lực cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và một số doanh nghiệp đã đang sản xuất và cung ứng khẩu trang trên thị trường và năng lực sản xuất vải kháng khuẩn để đưa vào sản xuất tại các doanh nghiệp may, trên cơ sở các đơn vị Cục Công nghiệp đã làm việc trực tiếp, trong vòng 30 ngày, các đơn vị có thể cung ứng ra thị trường 50 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn nếu thị trường có nhu cầu (có đơn đặt hàng/có đầu ra).
Có thể bạn quan tâm
Điều hành nhà nước nhìn từ... chiếc khẩu trang
05:30, 01/03/2020
[COVID-19] Doanh nghiệp chạy hết công suất, khẩu trang vẫn... khan hiếm?
11:05, 29/02/2020
[SARS-CoV-2] Xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép
10:34, 29/02/2020
[COVID-19] Xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép
08:21, 29/02/2020
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn thực hiện nhanh chóng thủ tục công bố hợp quy sản phẩm may mặc theo quy định, ngày 7/2, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 754/BCT-KHCN gửi các tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm dệt may đề nghị thực hiện đánh giá sự phù hợp ngay khi có yêu cầu của doanh nghiệp và hoàn thành trong 1 ngày làm việc đối với các sản phẩm dệt may hỗ trợ và phục vụ hoạt động phòng, chóng dịch bệnh do vi rút corona gây ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải phòng dịch. “Hiện nay, các doanh nghiệp cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường đã thực hiện công bố hợp quy sản phẩm khẩu trang theo quy trình công bố hợp quy sản phẩm may mặc”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Trả lời câu hỏi Bộ Công Thương có biện pháp gì để bình ồn thị trường đối với một số mặt hàng như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn khan hiếm và thiếu nguồn cung như hiện nay, theo đại diện Bộ Công Thương, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Bộ Y tế quản lý. Trong thời gian vừa qua, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đối với các mặt hàng phòng dịch này tăng mạnh khiến giá tăng đột biến nên nguồn cung từ sản xuất các mặt hàng này đang trong tình trạng thiếu hụt so với nhu cầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý.
Ngay khi thị trường có biến động, Bộ Công Thương đã có Công văn số 663/BCT-TTTN ngày 4/2/2020 gửi các doanh nghiệp phân phối về bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình. Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan, như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.
Để chia sẻ sức ép nhu cầu khẩu trang, thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp dệt may tăng cường nguồn cung khẩu trang vải để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bộ Công Thương cũng tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tiếp cận nguồn hàng, kết nối các doanh nghiệp phân phối bán lẻ với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải.
Nghị quyết 20 "chặn" khan hiếm khẩu trang
Hiện nay tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, Aeon, Big C và các cửa hàng chuyên doanh của các công ty như Công ty cổ phần TM và DV Hoàng Dương (Thương hiệu Canifa), Công ty Dệt kim Đông Xuân… đều có bán các loại khẩu trang vải. Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông về nguồn cung các loại khẩu trang vải và địa điểm bán hàng để người dân biết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.
“Hiện nay, theo báo cáo của nhiều địa phương, nguồn cung mặt hàng nước sát khuẩn đã tương đối đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, riêng mặt hàng khẩu trang y tế vẫn thiếu và chủ yếu ưu tiên cho các cơ sở y tế, bệnh viện, sở y tế theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm các mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát trùng, diệt khuẩn đang diễn ra trên cả nước và nhanh chóng xử lý đưa số hàng hoá đảm bảo chất lượng, rõ ràng thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của người dân, ngày 3/2, Tổng cục QLTT đã có văn bản hướng dẫn các Cục QLTT xử lý hàng hoá vi phạm hành chính là khẩu trang y tế và dung dịch sát trùng, diệt khuẩn bị tạm giữ hoặc tịch thu. Tính từ ngày 31/1 đến ngày 1/3, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 5.467 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.661.630.000 đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu về khẩu trang y tế gia tăng đột biến. Theo thông tin của Bộ Y tế, mỗi ngày các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế có thể sản xuất được 2,5 triệu chiếc. Mặc dù các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế đã chạy hết công suất, nhưng nhu cầu về khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn rất cao.
Với diễn biến như vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP giao cho Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế. Để đảm bảo quan hệ hữu nghị với các nước, góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế ngăn chặn dịch bệnh, việc xuất khẩu sẽ chỉ được cho phép đối với các lô hàng nhằm mục đích viện trợ, hỗ trợ nhân đạo do Chính phủ Việt Nam thực hiện. Lượng xuất khẩu cũng không vượt quá 25% sản lượng để đảm bảo có ít nhất 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch trong nước.
Đánh giá về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Nghị quyết 20/NQ-CP sẽ làm giảm mức độ khan hiếm khẩu trang y tế, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế và người dân có thể mua được khẩu trang y tế theo nhu cầu, đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch hiện nay.