Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình: Xuất bản sách để... nâng cao doanh trí
Yêu sách, không ngừng truyền lửa và tri thức cho giới kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình cho rằng sứ mệnh của mình và sứ mệnh của Alpha Books chính là: Nâng cao doanh trí.
Xây dựng nên Alpha Books, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình đã đặt bản thân và cho “đứa con” của mình một chặng đường đầy chông gai: xuất bản sách để phát triển tư duy cho doanh nhân, góp phần nâng cao kiến thức, năng lực của lực lượng lao động.
“Lý tưởng không phải là điều gì quá to tát”
- Alpha Books ra đời với dòng sản phẩm chính là mảng sách quản trị kinh doanh và giáo dục, tư duy. Đây là loại sách khá kén người đọc và đương nhiên doanh thu sẽ không lớn. Tại sao ông lại chọn “con đường khó” này?
Tôi là người thích sách vở từ nhỏ. Càng trưởng thành, tôi lại càng nhìn thấy được giá trị của tri thức đối với sự phát triển của con người và sự phát triển của quốc gia.
Cuối năm 2004, đầu năm 2005 tôi đã quyết định thành lập Alpha Books.
Thời điểm dó, đa phần những nhà xuất bản chọn xuất bản sách văn học, thiếu nhi… - những dòng sách dễ đọc, dễ bán. Việc xuất bản sách kinh doanh và giáo dục tư duy là câu chuyện khó khăn.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển dịch sang nền kinh tế tư nhân. Những doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam tôi gặp khi đó rất khát khao tri thức và những phương pháp quản trị kinh doanh mới. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm, những cuốn sách hay, giúp cho họ có kiến thức trong việc phát triển, trưởng thành.
Và như bạn thấy đấy, hơn 10 năm qua, với người yêu sách, đặc biệt là giới doanh nhân, Alpha Books là nhà sách xuất bản nhiều đầu sách nhất về dòng sách kinh doanh như marketing, quản trị, bán hàng, thương hiệu…
- Và vì thế ông đúc kết: “nếu bạn có lý trí về mặt kinh doanh, bạn sẽ không lựa chọn con đường xuất bản sách”?
Một chiếc ao nhỏ chỉ có những con cá nhỏ. Nếu tư duy kinh doanh một cách thuần túy, một doanh nhân khi quyết định kinh doanh sẽ dựa trên các yếu tố lợi nhuận, doanh số, quy mô,… Nếu lựa chọn theo các yếu tố cơ bản đó, tôi tin rằng họ sẽ không lựa chọn xuất bản vì đến bây giờ, ngành xuất bản là một ngành nhỏ bé.
Theo tôi, nếu chọn con đường xuất bản sách cần đáp ứng cả 2 yếu tố: có tư duy, tư tưởng, có kiến thức về sách và thứ hai là có năng lực trong quản trị, điều hành.
- Khi đứng trước ranh giới kinh doanh vì lợi nhuận hay kinh doanh vì lý tưởng, ông đã chọn đi theo lý tưởng. Vậy ông đã MẤT GÌ và ĐƯỢC GÌ cho tới thời điểm hiện nay?
Trên con đường xây dựng Alpha Books, khi đứng trước ranh giới kinh doanh vì lợi nhuận hay kinh doanh vì lý tưởng, tôi đã chọn đi theo lý tưởng, hướng về dòng sách quản trị kinh doanh, sách chính trị, xã hội vì tin rằng trong tương lai xa, các doanh nghiệp sẽ ý thức được ý nghĩa của quản trị.
Tuy nhiên, kinh doanh theo lý tưởng nhưng lý tưởng phải dựa trên thực tiễn và thực tiễn phải được hậu thuẫn, phát triển để đảm bảo chúng ta đi đúng hướng.
Tôi nghĩ phần nào niềm đam mê và lý tưởng sẵn có đã giúp định hình “sứ mệnh” của mình là nâng cao doanh trí.
Việc theo đuổi con đường xuất bản sách tôi ĐƯỢC khá nhiều. Được làm những gì mình muốn, được gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới, được đọc những cuốn sách hay trước khi đến tay bạn đọc, được chìm đắm trong không gian của tri thức, được phát triển toàn diện về tư duy, suy nghĩ cả về mặt học thuật, quản trị kinh doanh, mở rộng quan hệ ngoại giao,…
Tôi cũng MẤT không ít. Tôi đánh mất nhiều khoảng thời gian quý báu cho gia đình khi phải dành cho sách, đánh mất cảm xúc trong quá trình đọc sách và thời gian dành cho từng cuốn sách của tôi cũng giảm đi nhiều. Khi nhìn một cuốn sách tôi không nhìn như bạn đọc thông thường mà nhìn sách như một người làm sách, nhìn xem độc giả của cuốn sách là ai? Cuốn sách có xuất bản được không? Có thể kinh doanh được không?
Khát khao tri thức tầm cao
- Dành nhiều thời gian, tâm huyết cho cộng đồng đặc biệt là thành lập tủ sách HBR (Harvard Business Review) cho giới doanh nhân, tủ sách đến nay đã phát triển như thế nào, thưa ông?
Hơn 10 năm qua, tôi đã tham gia quá trình vận động văn hóa đọc ở Việt Nam.Tôi cũng góp sức thành lập nhiều tủ sách như tủ sách doanh nhân, tủ sách y học, tủ sách tinh hoa… Tủ sách tôi ưng ý và dành nhiều tâm huyết đó là tủ sách HBR (Harvard Business Review).
Trong quá trình xuất bản sách, chúng tôi thấy rằng độc giả đặc biệt là giới doanh nhân đã trưởng thành hơn rất nhiều. Kiến thức của doanh nhân Việt Nam ngày càng hiện đại, hoàn thiện hơn.
Trước đây, cuốn sách được nhiều người tìm đọc là cuốn “Tôi có thể kiếm 1 triệu USD trên internet như thế nào” thì hiện nay với lớp doanh nhân với những doanh nghiệp rất phát triển về tài sản, quy mô, kiến thức, kỹ năng quản trị, hệ thống phần mềm,… họ lại cần cho mình tri thức ở tầm cao hơn.
Chúng tôi cho rằng Harvard là một trong những trường đại học danh giá hàng đầu thế giới. Đơn vị này có 1 tờ tạp chí mang tên Harvard Business Review có lịch sử gần 100 năm trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, có sức ảnh hưởng lớn tới các doanh nhân có trí tuệ, có chiều sâu về mặt chiến lược, tư tưởng.
Nhưng những cuốn sách đó không dễ đọc. Để có thể đọc được cuốn sách này, bạn phải đọc hàng trăm cuốn sách khác để quen với những khái niệm, những tư tưởng trong đó. Giống như thưởng thức rượu vang vậy. Uống thì ai cũng uống được nhưng để thưởng thức thì cần hiểu một chút về văn hóa.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Hồ Huy và hành trình thắp sáng màu xanh Mai Linh
06:00, 29/04/2020
[Emagazine] Doanh nhân Lê Văn Kiểm: “Sứ giả của lòng nhân ái”
06:00, 28/04/2020
Doanh nhân Phan Bích Tâm và câu chuyện về quản trị nhân hiệu
11:30, 18/04/2020
Doanh nhân đứng sau những cây "ATM gạo" miễn phí ở Hà Nội
11:00, 18/04/2020
[Emagazine] Doanh nhân khai sinh chiếc "ATM gạo": Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi
13:00, 16/04/2020
[COVID-19] Shark Đặng Hồng Anh: 2 tháng nữa có thể các ngân hàng sẽ 'thấm' đòn
01:30, 14/04/2020
- Tủ sách HBR đến nay được độc giả đón nhận như thế nào, thưa ông?
Người Việt Nam khá dễ dàng tìm kiếm thông tin thông thường nên chúng tôi mong muốn đưa tri thức ở tầm cao tới độc giả.
Chúng tôi xuất bản ấn phẩm của Harvard và chia làm 2 loại.
Thứ nhất là những cuốn sách. Những cuốn sách của Harvard xuất bản ở Việt Nam nhiều năm, trong đó cuốn sách thành công nhất là “Chiến lược đại dương xanh”. Tôi tin những doanh nhân giỏi, được đào tạo bài bản, điều hành những doanh nghiệp lớn, có quy mô, chuyên nghiệp đã từng đọc cuốn sách này.
Ngoài cuốn này, thẳng thắn nói chúng tôi không thành công lắm về mặt doanh số, số lượng bản. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi đi cùng với một thương hiệu vô cùng tuyệt vời là Harvard và vẫn nỗ lực mang đến cho độc giả những cuốn sách giá trị khác.
Và không phụ công của chúng tôi, những cuốn sách 5-10 năm trước chưa thành công hiện nay đã được đón nhận nhiều hơn.
12 năm trước chúng tôi xuất bản hai cuốn sách “Dẫn dắt sự thay đổi” và “Trái tim của sự thay đổi” của John P. Kotter có thể nói là thất bại bởi thời điểm đó độc giả đi tìm những cuốn sách làm giàu kiểu như “Cha giàu cha nghèo”. Gần đây, nhu cầu đòi hỏi thay đổi doanh nghiệp theo nghĩa đổi mới sáng tạo, tinh gọn hơn,…doanh nhân Việt Nam buộc lòng phải có những kiến thức về tư tưởng, 2 cuốn sách đó đã được đón nhận nhiều hơn.
Thứ hai là ấn phẩm Tạp chí kinh doanh của Harvard cũng của trường quản trị kinh doanh Harvard.
Những kho tri thức như vậy có thể còn rất nhiều, chúng tôi rất mong muốn mang được nhiều hơn nữa tới độc giả Việt Nam.
- Ông từng chia sẻ về mô hình Small Giants (Người khổng lồ nhỏ), ở Alpha Books, ông có áp dụng mô hình đó không?
Lần đầu tiên sang Mỹ, tôi đã được gặp ông Bo Burlingham, tác giả của cuốn sách. Mô hình Small Giants đó là anh không nhất thiết phải tăng trưởng bằng mọi giá hay trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới mà anh có thể đảm bảo được một cuộc sống giá trị cho bản thân doanh nhân, cho doanh nghiệp và cho những người lao động trong đơn vị của mình. Small Giants là mô hình phù hợp cho những doanh nhân mà tiền không phải những thứ duy nhất mà họ theo đuổi.
Ở Alpha Books, chúng tôi không hoàn toàn đi theo mô hình này. Chúng tôi học hỏi từ mô hình đó khi xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp. 15 năm qua, chúng tôi không tăng trưởng bằng mọi giá nhưng cũng không thể giữ mô hình của mình.
Tôi có khá nhiều dự định muốn làm nhưng không phải làm bằng mọi giá.
- Chiến lược trong tương lai của ông, của Alpha Books là gì?
Tương đối thành công với những cuốn sách dành cho doanh nhân, phần nào đó tôi cảm thấy tự hào khi truyền tri thức, cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân 8X, 9X. Tôi sẽ không dừng lại ở đây.
Giáo dục – Khoa học và Y tế là những gì chúng tôi sẽ theo đuổi tới đây. Chúng tôi đã thành lập từng nhóm để phát triển nội dung theo định hướng đó.
Từ 2018 chúng tôi đã thành lập nhóm ETS (Education, Technology and Science). Năm 2019 chúng tôi đã hình thành nhóm về ngoại ngữ, khoa học và y học … Tháng 6/2019, chúng tôi đã thành lập nhóm làm sách y tế.
Và vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi đã đưa ra hàng loạt những cuốn sách phòng chống những căn bệnh.
Tới đây chúng tôi sẽ xuất bản cuốn sách thảo dược chống virus. Đây không đơn thuần là việc bắt “trends” như mọi người nói mà là sự chuẩn bị của chúng tôi từ nhiều năm trước.
Chúng tôi cũng sẽ xuất bản những cuốn sách khoa học hay dành cho trẻ nhỏ. Không chỉ dạy lớp trẻ các làm giàu, lớp trẻ cũng phải có hiểu biết nhất định về y học, âm nhạc, hội họa... Con người cần được phát triển toàn diện.
- Xin cảm ơn ông!
- Ông có thể chia sẻ về cuốn sách mà mình yêu thích nhất?
Cuốn Khát vọng sống của tác giả Irving Stone viết về cuộc đời của nghệ sĩ hội họa Van Gogh. Lý do đơn giản bởi cuốn sách tôi đọc khi còn rất trẻ, nội dung sách viết về một nhân vật lớn lao và được viết bởi phong cách tuyệt vời của một nhà văn tuyệt vời.
- Ngoài sách ra ông còn thích gì?
Lúc rảnh tôi muốn làm mọi thứ trừ việc đọc sách. Bởi đơn giản tôi đã giành quá nhiều thời gian cho sách rồi. Có thể tôi sẽ đi câu cá, lên núi, đến những nơi yên tĩnh chẳng hạn.
- Ông đã từng nhận rằng mình may mắn. Vậy thành công của ông và của Alpha Books có phải do may mắn?
Có thể nói, sự thành công bao giờ cũng có sự góp sức của may mắn. Nhưng thành công chỉ có khi có sự chuẩn bị, nỗ lực, hi sinh.
- Bỏ lại sau lưng một cuộc sống ổn định, sung túc mà nhiều người mơ ước để theo đuổi con đường đầy chông gai, có khi nào ông muốn từ bỏ?
Khó khăn thì rất nhiều nhưng tôi thấy tôi thấy may mắn vì mình được làm những gì mình muốn. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ đi theo con đường xuất bản sách.
- Người ta vẫn hay quan niệm rằng càng thành công, càng lên tới một vị trí cao thì càng cô đơn. Với ông thì sao?
Tôi nhớ Albert Camus có cuốn sách nói rằng con người là một sự cô đơn, việc bạn ở trên cao hay thấp không khác nhau nhiều lắm. Là con người, nếu họ có cảm xúc, có tâm hồn, có suy nghĩ, có ước mong thì đều cô đơn.