Lấy cảm hứng từ mô hình "cây ATM" phát gạo miễn phí ở TP.HCM, ông chủ Thaihabooks liền bắt tay chế tác máy rút gạo bằng chân cho người nghèo ở Hà Nội.
"Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật. Chiếc máy ATM gạo này đã được lắp đặt tại nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19". Đó là dòng bình luận của đài CNN hôm 13/4 về những chiếc máy nghĩa tình của các nhà hảo tâm tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, chiếc ATM gạo đầu tiên đi vào hoạt động ngày 11/4 do Công ty sách Thái Hà (Thái Hà Books) và các mạnh thường quân chung tay triển khai tại nhà văn hóa Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Khi đó, người ta thấy một người đàn ông gầy gò, nước da đen sậm có mặt từ sáng sớm, tất bật hướng dẫn người nghèo đến nhận gạo. Ít ai ngờ ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty sách Thái Hà (Thái Hà Books) - Nguyễn Mạnh Hùng.
"Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử"
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó. Thời trung học cơ sở, ông nửa buổi đi học, nửa buổi đi chăn trâu cắt cỏ. Trưa bắt cua, bắt ốc, đêm thường thức để đi câu. Thời đó, ngày thường chỉ được ăn 2 bữa, nhưng ngay cả bữa tối cũng lúc có lúc không, lúc đói lúc no.
Khi học kỳ 1 lớp 8 (tương đương hệ lớp 10 ngày nay), ông chủ cây ATM gạo miễn phí ở Hà Nội bị 2 môn dưới trung bình là hóa học và tiếng Pháp. Thời năm 1979, ai là học sinh yếu sẽ bị đuổi học, hoặc bị đúp.
Thế rồi ông quyết tâm học đạt học sinh trung bình học kỳ 2 lớp 8 và không bị đúp nữa.
Nhờ cố gắng, lớp 9 ông đạt học sinh tiên tiến, lớp 10 đạt học sinh giỏi. Thời ấy khi thi đại học năm 1982, nếu 3 môn đạt trên 14 điểm thì vào đại học trong nước, trên 21 điểm thì được học bổng du học. Ông Hùng đạt 24,5 điểm và được đi học tại Moscow, Liên Xô.
Ở Liên Xô, ông Nguyễn Mạnh Hùng tập tành buôn bán, kinh doanh đủ thứ mặt hàng thị trường thời đó cần. Hàng hóa, vàng, cả ngoại tệ nữa. Số tiền tích góp lúc gần 30 tuổi cũng được tầm 1 triệu USD.
Khi tốt nghiệp về nước, đóng hàng vào container chuyển về Việt Nam, tài sản lớn nhất khi đó của ông không phải là tiền mà là hàng trăm cuốn sách và vài trăm đĩa than ca nhạc sưu tập được.
Ông Hùng học quản trị và từng có 12 năm làm việc tại Tập đoàn FPT, chu du 41 quốc gia. Thế nhưng, cuối cùng ông lại kinh doanh sách,cái nghề tưởng như không liên quan nhiều tới “gốc rễ” của ông. Đã vậy ông lại kinh doanh sách bản quyền, một khái niệm vốn còn rất xa lạ với dân Việt. Bỏ ra đống tiền để đi gom lại từng đồng tiền lẻ, thế nhưng mớ tiền lẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng cứ tăng dần vì số người đọc sách bản quyền ngày một nhiều hơn.
Ông Hùng cũng là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức. Ông nghiên cứu về Phật giáo từ khi còn là sinh viên và bắt đầu tu tập ở độ tuổi 30.
"Ngày xưa, tôi có nhiều bệnh tật lắm, thậm chí vài lần chết hụt rồi. Năm 2000 ở Sydney (Úc), bác sĩ đã khám kết luận tôi bị tiểu đường, mỡ máu, men gan và chỉ định bắt buộc phải uống thuốc. Nhưng thực tế, nhờ thiền mà bao năm nay chẳng thuốc men gì, tôi vẫn khỏe re.
Thêm nữa, thiền cho ra rất nhiều ý tưởng. Ngày xưa, cứ tọa thiền là tôi mang theo sổ và bút. Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn", ông Hùng chia sẻ về cơ duyên đến với Thiền định.
Vị đại gia từng tâm sự sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử", ông khẳng định.
Bản thân ông Hùng cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về Quản trị kinh doanh và thực hành đạo Phật trong đời thường. Có lẽ, đó cũng chính là lý do Thái Hà Books được biết đến là nhà xuất bản có mảng riêng chuyên về sách Phật giáo.
Góp tâm trong chiếc "ATM gạo"
Nói về cơ duyên đến với máy phát gạo bằng chân, ông chủ hiệu sách tâm sự sau khi đọc bài báo về “cây ATM” phát gạo ở TP.HCM, ông lập tức tự hỏi “Tại sao TP.HCM có mà Hà Nội lại không có?”.
Sau đó, ông đăng tải ý tưởng của mình lên mạng xã hội và được nhiều người ủng hộ, trong đó có anh Doãn Thanh Tùng, người vẽ bản thiết kế và lắp đặt mô hình cây ATM phát gạo. Rồi có bạn mang đến téc nước để đựng gạo, bạn mang ống nhựa để làm ống rót gạo, mỗi người một chút rồi xúm vào làm.
"Tôi chỉ có cái tâm, còn mỗi người góp một công, một tay một chân cùng làm", ông Hùng kể.
Chứng kiến “cây ATM” phát gạo vận hành suôn sẻ, ông Hùng vui sướng chia sẻ, để làm được điều này, ông nhận sự giúp đỡ của nhiều người và sự ủng hộ của các lãnh đạo chính quyền.
“Tôi định gửi 3 đơn đến thành phố, quận, phường để xin vận hành cây ATM phát gạo tại Nhà văn hóa Nghĩa Tân. Tuy nhiên, tôi chưa kịp gửi thì có lãnh đạo bên Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gọi điện bảo rằng sẽ nói chuyện với phường để việc phát gạo theo cách này được thực hiện. Sau đó, lãnh đạo phường tạo điều kiện, giúp đỡ chúng tôi”, ông Hùng chia sẻ.
Ban đầu, doanh nhân này dự tính đặt “cây ATM” phát gạo miễn phí tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhưng sợ bất tiện vì xa trung tâm.
Sau đó, ông dự tính chuyển xuống công ty sách của mình ở Cầu Giấy, nhưng lại sợ nơi này chật hẹp. Cuối cùng, ông cùng các cộng sự chốt đặt "cây ATM" tại Nhà văn hóa Nghĩa Tân.
Chủ tịch Thaihabooks tâm sự, ông từng bị chính quyền từ chối đề nghị được tổ chức phát gạo miễn phí cho người nghèo bởi cách phát gạo truyền thống không đảm bảo phòng dịch bệnh.
“Chúng tôi phát gạo bằng túi cho người dân nhưng chính quyền đến giải tán vì không chắc chắn rằng chúng tôi có đảm bảo an toàn về phòng dịch bệnh và an ninh trật tự hay không", ông Hùng kể.
Ban đầu chỉ định làm một máy ở Hà Nội, nhưng sau đó, rất nhiều đại diện chính quyền các quận như Bắc Từ Liêm (Hà Nội) hay tỉnh thành phố như Hòa Bình, Phú Yên, Hà Tĩnh, Hà Nam… đã gọi điện, nhiệt tình muốn làm máy hỗ trợ bà con. Từ chiếc máy đầu tiên vừa hoàn thành thì nhóm của ông Hùng bắt tay làm suốt cả đêm để kịp lắp chiếc máy thứ hai cho quận Bắc Từ Liêm sau đó 2 ngày. Cứ thế ATM gạo đi khắp nơi.
"Nếu không trong hoàn cảnh phải chịu đói 1 ngày thì khó mà hiểu được lắm. Giờ giúp được bao nhiêu người là giúp thôi", Chủ tịch Thái Hà Books nói.
Khát vọng về chiếc "ATM sách"
Khuyến khích mọi người theo con đường tu thiền và đọc sách, Chủ tịch Thái Hà Books cho biết, nhóm dự án đang bắt tay vào triển khai ATM sách miễn phí.
"Chúng tôi muốn làm ATM sách đầu tiên trên thế giới và dự kiến trong tháng 4 này sẽ ra mắt tại 5 điểm là tòa nhà Thái Hà Books (Hà Nội), đường sách Nguyễn Văn Bình TP.HCM, phố sách 19/12, đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và một cái ở miền Trung, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhưng cũng khiêm tốn cho rằng, có lẽ không nói trước được điều gì, vì công việc này giống như là nông dân đi làm máy bay, rất khó nhưng cứ liều, cứ cố gắng, có ai đánh thuế giấc mơ đâu, không có gì mà sợ.
“Thành công là đạt được thứ mình muốn. Thành công của tôi là mỗi gia đình Việt Nam có một tủ sách, mỗi người dân Việt Nam đều đọc sách và ai cũng coi sách là người bạn thân thiết”, doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Mỗi người có ước mơ và khát vọng khác nhau, nhưng chung quy lại đều hướng tới việc “ta để lại cái gì cho đời”. Có người muốn để lại tiền của. Người khác muốn có gia đình đông đúc. Ai đó muốn sở hữu trang trại hay một nhà máy… bản thân ông Hùng luôn bày tỏ mong muốn tri thức lan tỏa khắp nơi.
Có thể bạn quan tâm
11:08, 13/04/2020
13:00, 16/04/2020
06:00, 10/04/2020
"Tôi tự nhận mình là học trò nhỏ của vua Minh Trị, người đã làm thay đổi cả nước Nhật khi ông dịch và xuất bản tất cả các tác phẩm quý từ mọi thứ tiếng ra tiếng Nhật để người dân của “đất nước mặt trời mọc” đọc. Tôi và Thái Hà Books mang sứ mệnh đem tri thức toàn thế giới đến với 90 triệu độc giả Việt Nam", ông Hùng giãi bày.