Báo chí: Từ chức năng thông tin đến vai trò kết nối
Báo chí trong bối cảnh cạnh tranh, vận động rất sôi động hôm nay, còn được đặt trong vai trò cầu nối, kết nối giữa nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân để thúc đẩy sự phát triển.
Chia sẻ của các doanh nhân với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ cho thấy rõ hơn vai trò kết nối của báo chí.
Ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Khối đầu tư và phát triển quỹ đất của Đất Xanh Miền Trung:
Vai trò kiểm định thông tin
Thời đại ngày nay có một đặc thù của việc tương tác thông tin, chính là mạng xã hội. Đây có thể xem là một kỷ nguyên của mạng xã hội - nơi phát tán thông tin, nguồn tin thời sự cho cả doanh nghiệp và báo chí cùng khai thác, lắng nghe và xử lý.
Tuy nhiên, tin giả vẫn luôn là vấn đề lớn nhất, tràn làn trên mạng xã hội. Do đó, báo chí sẽ cho thấy vai trò kiểm định tin tức, đánh giá khách quan và đa chiều của mình trước vấn đề tin giả.
Bản thân doanh nhân, doanh nghiệp rất cần đến tiếng nói trung thực, khách quan và điềm tĩnh hơn của báo chí để có thể nắm bắt chính xác các thông tin, vấn đề đang diễn ra trên thị trường, thời sự. Nếu bắt gặp một tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội, tôi luôn có thói quen kiểm định lại tin tức đó được đăng tải trên các trang báo uy tín để đánh giá lại vấn đề.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất cần đến tiếng nói đa chiều, trung lập của báo chí trước một tin tức, sự kiện liên quan đến chính doanh nghiệp. Bản thân một vấn đề cần được chia sẻ từ nhiều bên như khách hàng, doanh nghiệp, bên thứ ba chứ không nên là câu chuyện từ một phía nêu lên, bởi như vậy sẽ dễ dàng trở nên phiến diện.
Ông Nguyễn Thế Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc First Real:
Giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng
Doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ hợp tác, đồng hành, tương hỗ với nhau để cùng phát triển và cùng hội nhập. Doanh nghiệp cần Báo chí để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ… đến khách hàng thông qua các bài viết, bản tin. Ở chiều ngược lại, Báo chí cần doanh nghiệp vì doanh nghiệp chính là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động, cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc.
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, báo đài là kênh truyền tải thông tin rộng khắp đến các bạn đọc. Báo chí đã và đang cung cấp khá nhiều thông tin quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt, cập nhật được các xu hướng của thị trường, tâm lý của khách hàng.
Song một vấn đề khó khăn mà không ít doanh nghiệp đang gặp phải chính là nhiều thông tin sai lệch, phản ánh chưa thật sự chính xác, gây nên những tiếng xấu cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp luôn kỳ vọng báo chí sẽ là người tìm hiểu, cùng kết hợp với các doanh nghiệp gỡ rối khó khăn thông tin sai sự thật. Việc báo chí cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực sẽ giúp khách hàng có cái nhìn nhận đúng hơn về sự việc diễn ra.
Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp tại Đà Nẵng:
Lương duyên báo chí và luật sư
Báo chí cung cấp thông tin, văn phòng luật sư cung cấp dịch vụ pháp lí. Hai lĩnh vực này cùng cung cấp những sản phẩm đặt thù nhưng lại có mối lương duyên trong quá trình hoạt động. Chúng tôi và các nhà báo luôn có sự tương tác qua lại, sự chia sẻ quan điểm về các vấn đề dưới góc nhìn pháp luật để từ đó góp phần tạo nên những bài báo đa chiều hơn, góp ý, phản biện chính sách thông qua các bài báo để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Mối quan hệ hỗ trợ của luật sư và báo chí được thể hiện ở chỗ với đặc thù của nghề báo chí, không thể yêu cầu một nhà báo phải hiểu toàn diện về những quy định của pháp luật. Do đó, luật sư – với hiểu biết chuyên sâu những kiến thức chuyên môn về pháp luật, phân tích các sự kiện dưới góc độ luật pháp trở thành một kênh thông tin hữu ích để các nhà báo khai thác có hiệu quả về quy định pháp luật, quan điểm cá nhân về các vụ việc diễn ra, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
Ở một góc độ khác, mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo còn thể hiện ở chỗ báo chí là cầu nối quan trọng giữa luật sư với cơ quan Nhà nước. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, ý kiến của các luật sư thông qua các bài báo đã hỗ trợ để cơ quan Nhà nước đưa ra những phán quyết hợp với lòng dân.
Ông Trương Đình Đức - Trưởng Văn phòng miền Trung Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc VietGroup: Tri âm, tri kỉ của doanh nhân
Không thể phủ nhận mối quan hệ tự nhiên và hữu cơ giữa báo chí và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần báo chí cổ vũ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở chiều ngược lại, các đề tài kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân... sẽ mang lại sự phong phú, hấp dẫn, hơi thở cuộc sống cho tờ báo. Doanh nghiệp kinh doanh phát triển, đầu tư xây dựng hình ảnh cũng là tạo kết nối đồng hành cùng báo chí phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng cũng đứng trước cơ hội phát triển và hội nhập lớn chưa từng có khi Việt Nam gia nhập tham gia EVFTA. Do đó, câu chuyện truyền thông, xây dựng và bảo vệ thương hiệu... là một trong những ưu tiên hàng đầu nên chúng tôi luôn xem báo chí vừa là người bạn đồng hành, là tri kỷ, tri âm và mong muốn xây dựng mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp bền vững.
Cùng với đó, chúng tôi rất muốn báo chí hãy thực sự là người bạn đồng hành bởi cuộc sống của doanh nghiệp vô vàn khó khăn, họ rất ngại khi báo chí nói không đúng, không hết về họ, báo chí phản ánh những tiêu cực nhiều hơn tích cực về họ do đó việc thấu hiểu nhau của báo chí và doanh nghiệp rất quan trọng.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP May Chiến Thắng:
Cần bám sát hoạt động kinh doanh
Những năm gần đây vai trò doanh nhân đã được đánh giá tốt hơn trước rất nhiều, đặc biệt Nghị quyết Trung ương số 09/2011. Với sự kiến tạo phục vụ của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, trước việc hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 phát triển mạnh, đội ngũ doanh nhân Việt còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội. Vì vậy , báo chí cần thiể hiện chức năng, vai trò của mình cùng với chính quyền các câp rà soát, sàng lọc kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp doanh nhân lợi dụng chính sách thu lợi bất chính, chánh hiện tượng “con sâu làm giàu nồi canh”. Để làm được điều này các cơ quan truyền thông nói chung, Diễn đàn Doanh nghiệp cần bám sát các hoạt động của các doanh nghiệp trên cả nước thông qua các kênh nhằm phát hiện, phản ánh kịp thời.
Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà:
“Số hóa” tạo thị trường thông tin mới
Thực tế, tại Việt Nam rất ít doanh nghiệp tin rằng sự tăng trưởng đến từ việc tận dụng công nghệ như quan điểm của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thích sử dụng các cách thức truyền thống để tăng trưởng. Họ chọn cách mở rộng kinh doanh ra thị trường mới; hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ khác thay vì sử dụng thương mại điện tử như phần đông doanh nghiệp toàn cầu. Hiện nay, thị trường và người tiêu dùng Việt Nam không nằm ngoài những xu hướng chung trên toàn thế giới.
Đầu tư cho công nghệ cần được nhìn theo hướng đổi mới, sáng tạo, nghĩ là có rủi ro kèm theo và mang tính dài hạn. Việc chuyển đổi phải mang tính hệ thống, có nền tảng cũng như có cơ chế rõ ràng để quá trình diễn ra liên tục. Ở góc độ truyền thông, “số hoá” mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho người làm báo nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Thuận lợi đầu tiên là tạo ra môi trường tiện lợi cho các kỹ năng làm báo được phát huy. Đồng thời, trên nền tảng internet, tri thức là nguồn dữ liệu khổng lồ và sự kết nối làm cho người dùng có thể dễ dàng khai thác được kho tàng trí tuệ của nhân loại. Đặc biệt là những thành tựu có thể áp dụng được vào quy trình làm báo. Ngoài ra, làm báo đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận với công chúng nhanh nhất và dễ dàng nhất.
Ông Vũ Huy Đông – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Dam San:
Công nghệ sẽ vươn tầm báo chí
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA của Quốc hội nước ta mới đây có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính thức đưa Hiệp định EVFTA có hiệu lực sau khi ta và EU tiến hành các thủ tục trao đổi cần thiết theo quy định đưa nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là rất nhiều thách thức cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, năm 2020 báo chí Việt Nam cũng như các ngành khác cần thay đổi tư duy, nếu không lĩnh hội những kiến thức quản trị… đặc biệt chuyển đổi số kịp thời thì sẽ không còn giữ được vị thế của mình trên thị trường mà ngay cả sự tồn tại của doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn.
Sự ra đời của các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khiến cho rất nhiều công việc trước đây vẫn huy động rất nhiều nhân lực, tốn kém chi phí cao và thậm chí không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng thì hiện nay với công nghệ AI đã có thể giúp tiết kiệm công sức lao động.
Đối với báo chí, công nghệ 4.0, đòi hỏi nhà báo phải tự vươn lên, thành thạo trong việc sử dụng thiết bị thông minh, đặc biệt, nhà báo phải làm chủ thông tin, không để bị bơi trong bể thông tin mà không thể định hướng, không để mạng xã hội dẫn dắt. Thách thức môi trường làm báo hiện đại khiến nhà báo dễ đi vào sức ép của thị trường, tính thời điểm. Do đó, họ có thể thiếu kiểm soát, kiểm chứng khi đưa tin.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3:
Thông tin rõ hơn về thị trường EVFTA
Thời gian qua các cơ quan thông tấn đã phản ánh kịp thời, sát với các sự kiện về kinh tế, xã hội liên tục xảy ra ở trong nước và thế giới. Các cơ quan báo chí cũng sát cánh với doanh nghiệp dệt may khi đăng tải các bài viết liên quan tới diễn biến thị trường, nhu cầu khách hàng và kinh nghiệm tiếp cận các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Nhiều cơ quan báo chí đi sát với thực tế, đưa những mô hình hay, phản ánh được nguyện vọng ý kiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình hội nhập mạnh đòi hỏi doanh nghiệp phải nhạy bén, tăng sức cạnh tranh và cập nhật thông tin thực tế là một phần trách nhiệm từ báo chí. Ví dụ với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nếu các cơ quan báo chí có điều kiện nên nghiên cứu kỹ hơn các thị trường trong FTA này để cung cấp cho doanh nghiệp nhiều hơn.
Hiện nay khó khăn của doanh nghiệp dệt may là khâu nguyên liệu, đặc biệt là nhiều địa phương đã từ chối các dự án dệt nhuộm do lo ngại về môi trường. Báo chí cần là cầu nối để phản ánh yêu cầu cần sự hỗ trợ quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Công Thương và sự mở lòng của chính quyền các địa phương trong tiếp nhận các dự án dệt nhuộm. Tất nhiên, các dự án dệt nhuộm vẫn phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Ông Trần Sỹ Sơn - CEO PYS travel:
Phản ánh đúng thực trạng kinh doanh
Chưa bao giờ mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp lại khăng khít đến vậy. Có thể thấy, mọi vấn đề, mọi khía cạnh, tin tức về đời sống doanh nghiệp đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong thời gian qua. Từ những vấn đề như kinh nghiệm thương trường, những mô hình, những thành công của các doanh nghiệp, của những doanh nhân thành công cho đến những vấn đề như những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều được phản ánh khá đậm nét. Trải qua đại dịch COVID-19 vừa qua, vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng đã được phát huy tối đa.
Trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, báo chí đã giúp phản ánh đúng thực chất tình trạng của doanh nghiệp cũng như đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến được với các Chính phủ, các cơ quan nhà nước và cả khách hàng một cách nhanh nhất và kịp thời. Doanh nghiệp chúng tôi, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng đã chủ động thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, với vai trò của mình, báo chí thực sự đã giúp cầu nối giữa công ty du lịch với các điểm tham quan khăng khít hơn. Các địa phương, điểm du lịch cũng biết điều chỉnh giá vé tham quan để kích cầu du lịch nhiều hơn như Quảng Bình, Hạ Long.
Ông Ptrần trọng tuyến -Tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ sapo:
Cần chuyên sâu và thực tiễn
Công nghệ, kinh doanh hay bán lẻ đều là những lĩnh vực có sự thay đổi nhanh chóng theo từng ngày. Là đơn vị đi đầu trong hoạt động ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, hơn ai hết Sapo hiểu được tầm quan trọng của thông tin chính xác được truyền tải đúng cách để đại đa số công chúng đều hiểu. Vì thế, dù xuất hiện nhiều kênh thông tin, tôi vẫn thường xuyên theo dõi và đặt lòng tin vào báo chí chính thống.
Bằng tiếng nói khách quan, báo chí góp phần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp tìm hiểu các đối tác, chủ đầu tư. Từ góc độ một chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy mức độ cần thiết rất lớn khi báo chí và doanh nghiệp thường xuyên liên lạc nhằm đưa tới cho công chúng những thông tin chuyên sâu và thực tiễn.
Trong hơn 12 năm hoạt động của Sapo, chúng tôi cung cấp ra thị trường nền tảng hỗ trợ quản lý bán hàng đa kênh và giải quyết được vấn đề của nhiều nhà bán lẻ. Để khách hàng biết đến chúng tôi, có một phần công sức lớn từ những nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã nhanh chóng đưa tin về sản phẩm mới hay chương trình xã hội của Sapo.
Có thể bạn quan tâm