Trong thời đại chuyển đổi số, trách nhiệm của cơ quan báo chí phải đảm bảo vai trò cầu nối thông tin và phải trở thành diễn đàn của người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ là sự phản ánh an toàn.
Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cùng với đó là vòng quay rất nhanh của cuộc sống, của nền kinh tế, các chính sách hoặc sẽ chậm được ban hành hoặc sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu nếu báo chí phản ánh không kịp thời tức sẽ làm giảm chức năng phản ánh của báo chí. Trong bối cảnh ấy, báo chí vấp phải những thách thức không nhỏ.
Ngày nay, một bài báo lên mạng, may mắn thay khi có hàng chục ngàn người đọc, nhưng cũng rủi ro thay, sẽ có hàng ngàn người “soi”. Bài báo đó có là viên gạch hồng góp phần xây dựng vì sự phát triển hay sẽ là rổ rá hứng chịu “gạch đá” của cộng đồng “không dễ tính” như trước đây. Đây là sức ép thứ nhất, đến từ bạn đọc, dữ dội, khốc liệt.
Sức ép thứ hai đến từ những thay đổi lớn về kinh tế. Kinh tế Việt Nam thời nay đang đứng trước hai sự chuyển đổi lớn. Một là chuyển sang kinh tế thị trường, hay vẫn còn vấn vương thương nhớ thời bao cấp.
Chuyển đổi lớn thứ hai là kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng. Việt Nam hiện nay giao thương với trên 200 quốc gia, là quốc gia ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) với nhiều tiêu chuẩn cao... Mở rộng hẹp, nhanh chậm, song hay đa phương , bình thường hay chiến lược, thu hút FDI nào, ai được lợi, ai bị hại?
Rồi các cuộc “chiến tranh thương mại” muôn màu muôn vẻ… Đây là thách thức lớn cho bất kỳ nhà báo nào viết về đề tài hội nhập.
Sức ép thứ ba đến từ các nhóm lợi ích. Quá trình hội nhập và chuyển đổi nêu trên không hề là dễ dàng vì khó, mới và cũng vì sự chi phối của các nhóm lợi ích, tuy xưa nay vẫn có nhưng bây giờ mức độ hoạt động cao hơn, tinh vi hơn.
Các nhóm này vô cùng đa dạng và phong phú, ổn định và bất ổn, công khai và bí mật, thúc đẩy và cản trở, tiến bộ và phản tiến bộ. Họ gây tác động tới chính quyền, tác động vào chính sách, tốt thì thúc đẩy cạnh tranh, phát triển lành mạnh thị trường…
Nhận chân ra các “nhóm lợi ích” này không hề dễ dàng, đưa được cái phản tiến bộ lên mặt báo, càng không hề đơn giản, chưa kể các nhóm này đều sử dụng báo chí, mạng xã hội để lobby chính sách và cũng chưa kể một số tờ báo cũng sẵn sàng làm phát ngôn cho nhóm lợi ích.
Sức ép thứ tư là thiếu sự hợp tác từ phía các cơ quan, tổ chức liên quan. Sức sống của báo là tin tức, trong đó tin tức, số liệu nói chung, số liệu kinh tế nói riêng đến từ các cơ quan, tổ chức công quyền là rất quan trọng, cần thiết để so sánh, đối chiếu, kiểm chứng. Đây là một thách thức lớn đối với các bài báo viết về kinh tế do rủi ro thiếu thông tin, thiếu sự hợp tác và nghĩa vụ cung cấp thông tin...
Hiện nay, có rất nhiều luồng thông tin tác động đến hoạt động doanh nghiệp trong đó có cả thông tin trung thực lẫn thông tin giả mạo, thông tin có mục đích xấu với hoạt động của doanh nghiệp. Mạng xã hội ngày càng phát triển mà hạn chế của nó là khó kiểm chứng thông tin.
Đôi khi, những thông tin hoặc do vội vã, hoặc do dụng ý xấu trên mạng xã hội đã gây ra những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và xa hơn là làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, khi ấy báo chí phải đóng vai trò quan trọng để bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp.
Không những thế, với tư cách tiên phong trong việc đưa thông tin, báo chí cần phát hiện kịp thời, trung thực thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hạn chế “đất trống” cho các loại thông tin như cỏ xấu, gây độc hại cho môi trường kinh doanh.
Giữa những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, báo chí là kênh cung cấp thêm thông tin giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức thực tiễn, từ đó đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn. Báo chí cũng là nguồn giúp doanh nghiệp nắm bắt thời sự một cách toàn diện hơn, có thêm lập luận để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật “chuẩn” hơn.
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, có đôi điều nhắn nhủ tới các cơ quan báo chí.
Một là, báo chí phải sáng hơn. Sáng hơn ở chỗ phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề hơn.
Hai là, báo chí phải sạch hơn. Bởi xã hội phân hóa rất nhiều, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng phân hóa nhiều nên tính chất sẽ phức tạp hơn.
Sau nhiều năm làm xây dựng chính sách, tôi chưa khi nào thấy Thủ tướng liên tục giao các cơ quan quản lý nghiên cứu, phân tích những nội dung của các cơ quan truyền thông, trong đó có Diễn đàn Doanh nghiệp nêu. Đây là câu chuyện không đơn giản và cũng là sức mạnh riêng có của báo chí.
Ba là, báo chí phải sắc hơn. Báo chí phải có nét sắc sảo riêng để hàng triệu doanh nghiệp khi xảy ra vấn đề gì thì sẽ hướng tìm đến tờ báo để nhận được thông tin một cách chính xác nhất, kịp thời nhất. Điều này cho thấy sự minh bạch của thông tin luôn có sức mạnh sắc bén như lời cụ Nguyễn Đình Chiểu: “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Bốn là, báo chí phải đáng tin câỵ hơn. Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, bão thông tin... thì sẽ có sàng lọc trong báo chí. Đây chính là cuộc đua cạnh tranh để dành độc giả ngay với mạng xã hội. Nếu báo chí không đáng tin cậy sẽ không dành được tình cảm của độc giả.
Đó chính là sứ mệnh mạnh nhất, sáng tạo nhất của truyền thông.
Có thể bạn quan tâm
10:03, 19/06/2020
06:15, 19/06/2020
20:39, 18/06/2020
20:19, 18/06/2020
20:11, 18/06/2020
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:
Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng mội trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Báo chí quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Đa số thấy rằng không có một doanh nghiệp nào thành công mà ngoài yếu tố nội lực lại không quan tâm đúng mức tới quan hệ báo chí.
Mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hợp tác lành mạnh, khách quan và ngày càng chia sẻ. Việc chia sẻ cơ hội này là cơ hội của doanh nghiệp cũng chính là của báo chí và báo chí phát triển cũng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Chúng ta không chỉ khai thác đề tài thuận lợi và cơ hội của doanh nghiệp, mà ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cạnh tranh gay gắt, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.
Trong số 25.000 hội viên của Hội Nhà báo thì số lượng nhà báo trong lĩnh vực kinh tế là rất lớn. Đây là lực lượng khích lệ tinh thần cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp của giới doanh nghiệp Việt Nam để cùng chia sẻ hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thành công.
Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp, báo chí còn luôn hiến kế cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế.