Shark Tank, chuyện chốt deal “Xanh – Sạch - Xinh” và văn hóa doanh nhân

SONG MỸ (thực hiện) 14/05/2021 05:00

“Shark Phú thả thính”, “Shark Phú bị chỉ trích”, “Shark Hưng và “CEO Wiibike” … là những “từ khóa” đang tràn ngập qua các bài viết trên mạng xã hội và cả các phương tiện truyền thông.

Những "từ khóa" này nổi lên sau chương trình Shark Tank đình đám mùa 4, với màn gọi vốn của CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng, được phát sóng vừa qua.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đã dành thời gian chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, nhìn từ góc độ thương hiệu và văn hóa doanh nhân.

- Hẳn là ông có theo dõi Shark Tank mùa 4 cũng như các chiều tranh luận dữ dội sau màn chốt deal cùng CEO WiiBike. Ông có bình luận gì về màn chốt deal và văn hóa, kỹ thuật chốt deal của các Shark trong chương trình?

Thứ nhất, tôi cho rằng Shark Tank là một chương trình mua bản quyền và xây dựng, phát sóng tại Việt Nam thành công. Chúng ta chưa nói gì đến vấn đề đặc trưng của các chương trình mua bản quyền.

Ở góc độ trực tiếp nói về màn chốt deal tại Shark Tank mùa 4, sau khi CEO WiiBike trình bày gọi vốn, theo tôi, các Shark muốn sử dụng một cách nói khôi hài, có tính hài hước vui vẻ và áp dụng một phương thức thương lượng, chốt giá hời khá phổ biến trong văn hóa kinh doanh chung: Đó là khen đối phương. Song khen như thế nào để có “giá hời”, giúp người đàm phán đạt mục đích, nó không chỉ là kĩ năng thương lượng, còn là văn hóa.

Thứ hai, đây là chương trình phát sóng đại chúng, trước “bàn dân thiên hạ”. Do đó, dù là kĩ thuật gì thì người chốt deal, nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng trong chương trình cũng phải thận trọng lời ăn tiếng nói.

Khen, đàm phán, bình luận, đều phải thể sự văn hóa, thể hiện đẳng cấp, bản lĩnh văn hóa của doanh nhân. Mang hết mọi yếu tố phổ thông, thậm chí có phần dung tục, suồng sã của đời sống vào chương trình phát sóng đại chúng, trên đài truyền hình quốc gia, không làm cho chương trình gần gũi hơn với người dân mà có thể làm cho hình ảnh của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân bị bớt lung linh đi trong mắt công chúng.

- Nói như vậy, sự chỉ trích của công chúng với các Shark trong chương trình là có lý? Chỉ trích này có “quá nặng” không khi chính CEO WiiBike đã thông tin là chương trình bị cắt, và mọi người chỉ thấy một phần của câu chuyện?

Lại nói rộng ra, tôi theo dõi Shark Tank khá kĩ vì đây là chương trình có ý nghĩa thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia một cách thiết thực, nơi mà không chỉ các doanh nhân thành đạt thể hiện bản lĩnh, cái tôi, khả năng đàm phán, chốt deal, đãi cát tìm vàng để đầu tư… Đây cũng là nơi nhiều hạt ngọc, nhiều ý tưởng kinh doanh có thể còn thô ráp hoặc đã bắt đầu có doanh thu, có điều kiện để tỏa sáng.

Với quan điểm đó, Shark Tank là chương trình đáng để xem, có tác động tới nhiều người dù là công chúng quan tâm ở góc độ giải trí hay quan tâm học hỏi, tìm các khía cạnh chuyên môn phù hợp. Và đã là chương trình đại chúng thì dù biên tập, cắt dán ra sao, đơn vị mua bản quyền và nhà đài – các bên sản xuất phải đảm bảo chất lượng của một chương trình đưa ra công chúng có tác động tích cực nhất.  Không vì các mục tiêu câu view hay mục tiêu gì khác mà được thay đổi tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu này.

Do đó, không thể nói rằng do cắt dán, biên tập và chúng ta tiếp cận một phần câu chuyện để biện minh cho các vấn đề đối thoại mang tính văn hóa mà các Shark đã đưa ra.

Thực ra, không chỉ chương trình này, nhiều ngôn từ ở chương trình khác, mùa khác cũng còn “sạn”. Ví dụ có Shark dùng từ “ngáo giá” – một loại từ phát sinh từ “ngáo đá” mà ra. Lại có Shark đùa “dìm” Shark đối phương là đầu tư kiểu “tôm tép”… Nó cho thấy có xu hướng như tôi nói ở trên, nhiều doanh nhân không ý thức được hình ảnh, văn hóa doanh nhân trước công chúng mà mang thói quen, ngôn từ bình dân, ở ngoài thị trường, thương trường, thậm chí là chợ búa với những ngôn từ lóng, chỉ nói trong bàn trà tiệc rượu chỗ “chén chú chén anh” với nhau, lên sóng truyền hình.

Điều này có lẽ nó phản ánh tầm văn hóa của các doanh nhân, câu chuyện ý thức về xây dựng hình ảnh doanh nhân, giá trị thương hiệu doanh nhân; lẫn phản ánh rằng chúng ta vẫn bỏ qua một thang chuẩn mực văn hóa của hoạt động phát ngôn trước công chúng – Điều cần có cho bất kỳ ai là người nổi tiếng bao gồm doanh nhân, chính khách, nghệ sĩ...

Shark Phú và CEO Thu Hằng.

Shark Phú và CEO Thu Hằng trong chương trình Shark Tank mới đây.

- Vẫn nói về câu chuyện của các chương trình truyền hình mua bản quyền format, ông có nghĩ rằng “sạn” của chương trình đến từ có khía cạnh của việc yêu cầu cần giữ nguyên đặc trưng theo format gốc, và nhiều chương trình quốc tế thì thường sẽ không gần với văn hóa Việt nam, nếu không điều chỉnh?

Tôi nghĩ không phải. Thông thường các chương trình mua bản quyền format nước ngoài, họ cho phép điều chỉnh phù hợp văn hóa bản địa. Các yêu cầu giữ nguyên không liên quan đến yêu cầu giữ đúng tinh thần qua lời ăn tiếng nói.

Chúng ta đã có những chương trình theo format gốc thành công như Ai là Triệu phú – và việc giữ nguyên thể hiện ở ngay tên chương trình dịch ra.

Riêng với chương trình Shark Tank, tôi cho rằng việc giữ tên nguyên không dịch là phù hợp vì nếu dịch ra tiếng Việt, nó lại khía cạnh không phù hợp văn hóa kinh doanh và sự tiếp nhận của người Việt.

Nhưng ngoài điều đó ra thì so với những chương trình giải trí chọc cười, rõ ràng Shark Tank có giá trị, có ích cho cộng đồng. Các doanh nhân khi xuất hiện, không hẳn là “Cá Mập” “nuốt” start up gọi vốn bằng mọi cách, mà trên hết cần xác định rằng doanh nhân càng thành đạt càng phải thể hiện văn hóa cao, doanh nghiệp càng giá trị, càng phải có chuẩn mực văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Shark Tank: Sự thật đằng sau startup bị coi là

    Shark Tank: Sự thật đằng sau startup bị coi là "màu mè" nhất trong tập 1

    05:10, 08/05/2021

  • Shark Liên 'mở hàng' 3,5 tỷ trong tập đầu tiên Shark Tank mùa 4

    Shark Liên 'mở hàng' 3,5 tỷ trong tập đầu tiên Shark Tank mùa 4

    03:51, 04/05/2021

  • Shark Tank mùa 4: Các Shark “tranh nhau” đầu tư, start up mang vấn đề xã hội đi vào vòng gọi vốn

    Shark Tank mùa 4: Các Shark “tranh nhau” đầu tư, start up mang vấn đề xã hội đi vào vòng gọi vốn

    11:39, 03/05/2021

  • Cen Land chia sẻ tinh thần khởi nghiệp với startup Việt qua Shark Tank 4

    Cen Land chia sẻ tinh thần khởi nghiệp với startup Việt qua Shark Tank 4

    04:04, 01/05/2021

SONG MỸ (thực hiện)