Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc làm tốt vai trò liên kết và tạo động lực
Với vai trò là cầu nối và tiếng nói cho các doanh nghiệp (DN) của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt vai trò liên kết và tạo động lực cho các DN của tỉnh phát triển.
>>Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Chính quyền trao tin tưởng, doanh nghiệp đặt lòng tin
Để hiểu rõ hơn những đóng góp của các DN vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Vĩnh Phúc; các giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 để phát triển, phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
- Thưa bà, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển như thế nào trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh?
=Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng, chất lượng của DN nói chung và các DN thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nói riêng tăng dần theo từng năm.
Tính đến tháng 12/2021, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có 200 hội viên trực tiếp và gần 1000 hội viên sinh hoạt tại 08 hội doanh nghiệp huyện, thành phố và 05 hội viên tập thể (Hội doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội vận tải ô tô). Bình quân, mỗi năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát triển được 10 - 15 hội viên trực tiếp. Trong hai năm, 2018-2019, phát triển được 02 tổ chức Hội doanh nghiệp huyện là Sông Lô và Tam Đảo.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thành lập ba câu lạc bộ: Câu lạc bộ Nhân sự, Câu lạc bộ Kế toán kiểm toán, Câu lạc bộ Xuất Nhập khẩu; mỗi Câu lạc bộ có từ 80 - 110 hội viên. Đây thực sự là cánh tay nối dài của Hiệp hội với doanh nghiệp hội viên và doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là việc phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các DN thành viên với các DN trong, ngoài tỉnh nâng cao trình độ quản lý, điều hành DN, phát triển hoạt động kinh doanh. Đến nay, các DN là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh từng bước phát triển nhanh và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đã tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế - xã hội của tỉnh như: Thương mại - dịch vụ, xây dựng, công nghệ thông tin... phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
-Với vai trò là cầu nối giữa tỉnh với các doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu của các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay là gì? Hiệp hội đã làm những gì để phát huy vai trò của mình nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó cho DN?
Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài, do đó tất cả các DN trên cả nước nói chung đều gặp phải khó khăn. Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã rất linh hoạt trọng mọi tình huống, từng bước tháo gỡ những khó khăn đó cho DN để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số DN vẫn còn vướng phải những khó khăn nhất định.
Đầu tiên phải kể đến khó khăn về tiếp cận đất đai. Đây cũng chính là chỉ số có thứ hạng thấp trong kết quả điều tra, khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mấy năm gần đây. Hàng năm, một số lượng lớn DN mới ra đời làm gia tăng nhu cầu đối với đất cho mục đích công nghiệp và thương mại để xây dựng nhà xưởng, văn phòng; một số doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong việc giao đất. Việc tiếp cận thông tin về đất đai không thuận lợi, rủi ro bị thu hồi; các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều khó khăn…
Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế tuy ít nhưng lại mang tính điển hình. Thời gian qua, một số DN có vướng mắc trong việc hoàn thuế kéo dài nhiều năm, đã phản ánh nhiều lần, các cơ quan nhà nước vào cuộc nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm gây thiệt hại về kinh tế và khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vướng mắc về hoàn thuế trong một số trường hợp chưa được giải quyết thấu đáo, phần do chính sách pháp luật thuế còn thiếu đồng bộ, phần do năng lực tham mưu của cán bộ ngành thuế.
Khó khăn về lao động cũng đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian vừa qua. Một số DN phản ánh, tình trạng cạnh tranh lao động hiện nay khá gay gắt, khiến nhiều DN gặp khó trong tuyển dụng, đặc biệt là các DN về may mặc. Bởi, lao động có xu hướng tìm việc làm tại các công ty về lĩnh vực điện tử, ở đó thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt hơn các DN khác. Trong khi đó, các công ty may mặc có nhiều đơn hàng lớn, cần tăng sản lượng sản xuất nhưng lại không tuyển được lao động.
Phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với các doanh nhân, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên nắm tình hình của DN thành viên để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội là thành viên trong Ban chỉ đạo của UBND tỉnh về phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiệp hội thường xuyên rà soát văn bản, chính sách, pháp luật và thực tiễn để tham mưu kịp thời UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, ngày 25 hàng tháng, Hiệp hội đều tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các DN để báo cáo UBND tỉnh. Bởi vậy, nhiều bất cập nảy sinh về sản xuất, lưu thông hàng hóa, chỗ lưu trú cho chuyên gia, người lao động ngoại tỉnh, xét nghiệm, cách ly... đã được kịp thời giải quyết, thiết thực hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, mặc dù dịch diễn biến phức tạp nhưng không có DN nào phải dừng sản xuất, bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
>>Khởi công "siêu cảng" logistics gần 4.000 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc
>>Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc: Không để doanh nghiệp phải tự xoay sở
- Những năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc luôn ở mức cao. Hiệp hội đã tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như thế nào?
Với vai trò của mình, Hiệp hội tiếp tục sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, những thuận lợi, khó khăn, phản ánh kịp thời với các ban, ngành, có những đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển.
Phối hợp tổ chức các chương trình đối thoại, tạo điều kiện cho doanh nhân gặp gỡ, trao đổi với cơ quan QLNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong từng lĩnh vực. Đồng thời, coi trọng công tác nghiên cứu, phản biện chính sách, tham gia ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật ngay từ khi đang soạn thảo. Hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm, tìm hiểu thị trường, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh liên kết, liên doanh; xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh khai thác tiềm năng sẵn có, hỗ trợ các DN đầu tư, mở rộng SX-KD.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, Hiệp hội cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các buổi đối thoại theo chuyên đề giữa cơ quan QLNN với DN để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư.
- Năm 2021 là năm đầy khó khăn của các DN nói chung, Hiệp hội có những định hướng gì nhằm hỗ trợ DN, tạo động lực, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025?
Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trước mắt Hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa DN với chính quyền địa phương và các DN ngoài Hiệp hội; mở rộng giao thương, hợp tác với các DN thuộc hệ thống Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Hiệp hội đã tổ chức thành công Chương trình “Gặp gỡ - Kết nối doanh nghiệp 2021”. Tại Hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các DN hội viên đã có ký kết thỏa thuận hợp tác, liên kết trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây là tiền đề, tạo sự lan tỏa đến các DN trong và ngoài Hiệp hội, trong và ngoài tỉnh; kết nối, giao thương với các DN nước ngoài.
Hiệp hội đẩy mạnh chương trình DN hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nền kinh tế số, tăng năng suất lao động, hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, tạo ra lợi nhuận cho các DN thành viên. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đó là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của DN, là "linh hồn" của thương hiệu và là tài sản vô giá của DN, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh nói lên tiếng nói về các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật; hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để DN tiếp cận nhanh về công nghệ thông tin, trình độ quản lý, điều hành DN, kỹ năng tiếp cận mở rộng thị trường, tìm kiếm, nắm bắt cơ hội liên doanh, liên kết tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Cùng với đó, Hiệp hội tiếp tục tuyên truyền vận động các DN tham gia vào Hiệp hội. Các thành viên trong Hiệp hội thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tháo gỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng nhau trong sản xuất kinh doanh; tìm kiếm các mô hình kinh doanh có lợi thế để đầu tư sản xuất; quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính; phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi gây khó khăn cho DN vào đầu tư; tiếp tục đồng hành để DN được thực hiện quyền kinh doanh của mình trong môi trường thuận lợi.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội dự lễ khánh thành Tổ hợp khách sạn và Trung tâm hội nghị Quốc tế FLC Vĩnh Phúc
21:42, 23/12/2021
Chủ tịch Quốc hội: Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh chính quyền số, kinh tế số
19:27, 23/12/2021
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ chính trị của Vĩnh Phúc
05:00, 09/12/2021
Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc: Không để doanh nghiệp phải tự xoay sở
05:05, 06/12/2021