Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc luôn rốt ráo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động SX- KD của doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuấ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và ở Vĩnh Phúc nói riêng.
>>Vì sao Vĩnh Phúc là điểm sáng thực hiện "mục tiêu kép"?
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc gặp phải đó là nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng do các nhà cung ứng ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang… buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc ngừng cung cấp nguyên vật liệu do tuân thủ chính sách phòng chống dịch Covid-19 của chính quyền địa phương.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp phải giãn tiến độ triển khai dự án, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng hoạt động.
Kể từ tháng 2/2021 đến nay một số nguyên vật liệu, vật tư xây dựng có biến động bất thường đặc biệt là giá thép, giá vật liệu nội thất có mức tăng từ 30-50% so với cuối năm 2020, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Hơn nữa, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau và liên tục thay đổi dẫn đến các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời cập nhật, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đã nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo xúc tiến đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhằm tạo ra những hấp lực mới.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm.
Đặc biệt, tỉnh cam kết cung cấp điện, các dịch vụ thiết yếu đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp, dự án để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án kinh doanh.
Tỉnh cũng đã có những chỉ đạo hỗ trợ cụ thể, như: tìm kiếm lao động, nguồn nguyên vật liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ tài chính, tín dụng; giãn nộp thuế, phí, lệ phí…
Được biết, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ: đồng loạt thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 42, 68 của Chính phủ.
Cùng với đó, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp; cơ chế về lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được triển khai có hiệu quả…
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để doanh nghiệp, công nhân lao động ổn định tâm lý làm việc. Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã triển khai kết nối, tìm kiếm đối tác và nhà cung ứng cho các doanh nghiệp thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp…
>>“Trải thảm” hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc
Tăng cường đối thoại
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời khẳng định tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như phòng, chống dịch.
Do đó, Vĩnh Phúc thường xuyên duy trì Chương trình gặp gỡ với doanh nhân hàng tuần để gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Hệ thống đường dây nóng cũng được sử dụng để tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Song hành với Chương trình gặp gỡ với doanh nhân hàng tuần, các hội nghị Đối thoại giữa chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 cũng được tổ chức. Các hội nghị đối thoại tập trung vào giải quyết những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, thuế, tín dụng, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội, thanh tra, kiểm tra, các thủ tục hành chính, dịch vụ công, hạ tầng giao thông…
Đáng ghi nhận, UBND tỉnh yêu cầu các kiến nghị của doanh nghiệp phải được trả lời trực tiếp tại hội nghị hoặc bằng văn bản sau đối thoại không quá 7 ngày làm việc sau khi kết thúc hội nghị.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đối thoại với doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh để kịp thời nắm bắt, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường… tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Để tiếp sức cho các doanh nghiệp chuyển mình vươn lên thích ứng với tình hình mới, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách, tạo đột phá về thể chế. Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động.
Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cùng với đó duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh, kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa, nguồn cung lao động.
Có thể bạn quan tâm
18:45, 22/10/2021
01:20, 22/10/2021
05:00, 16/11/2021