Giáo dục khai phóng: Góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân mới
Theo TS. Giản Tư Trung, thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo mà còn có chiều sâu văn hóa, có tính nhân bản và một tinh thần ái quốc.
>>>"Cuộc chơi" giáo dục của Shark Nguyễn Ngọc Thủy
Chia sẻ về giáo dục khai phóng mới đây, TS. Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, Chủ nhiệm IPL Scholarship cho rằng, ở IPL, khai phóng có nghĩa là Khai minh và Giải phóng. Khai là mở, Minh là sáng. Khai minh nghĩa là mở ra con người tăm tối của mình để đưa ánh sáng vào và làm cho mình sáng ra. Và Khai phóng là hệ quả tất yếu của Khai minh. Khi được khai minh, con người sẽ tự giải phóng mình ra khỏi sự vô minh, tăm tối, giáo điều, ra khỏi sự chủ quan duy ý chí... Hoặc hiểu một cách khác, khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng.
Một mục tiêu quan trọng của khai phóng thời biến động đó chính chính là mang con người mình tới những giá trị nhân văn bất biến để không chỉ vững vàng hơn trước mọi thách thức và nghịch cảnh của cuộc sống, mà còn luôn biết cách mở ra các vận hội mới, tốt hơn cho mình và cho mọi người.
“Khai phóng giúp ích gì cho công việc cũng như cuộc sống của con người trong thời biến động, liệu con người ta có thể vững vàng được không khi không có chỗ nào để dựa vào và liệu con người ta có đủ khả năng, đủ sức mạnh, đủ nghị lực và đủ tầm nhìn để vượt qua nghịch cảnh hay không, nếu như không có một cái gì đó để làm nền tảng. Do đó, giáo dục khai phóng cũng sẽ đưa con người ta đến với những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn mà nếu biết cách dựa trên những giá trị đó, con người ta sẽ vững vàng hơn trước mọi thách thức, trước mọi biến cố của thời cuộc cũng như trước những nghịch cảnh của cuộc sống”, TS Giản Tư Trung chia sẻ.
Ngoài tinh thần khai phóng, TS. Giản Tư Trung cho biết, IPL cũng đã góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân mới, mà theo ông, thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo mà còn có chiều sâu văn hóa, có tính nhân bản và một tinh thần ái quốc. Một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất chính mình, cho dù làm ăn nhỏ hay làm ăn lớn thì điều này vẫn không thay đổi.
Để tạo ra một thế hệ doanh nhân mới này, theo TS. Giản Tư Trung, ILP phải tạo ra một mô hình giáo dục khai phóng cho riêng mình gồm 4 cấu phần năng lực mà tất cả các IPLer đều phải hướng tới, đó là năng lực văn hóa, năng lực công dân, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Nếu hội tụ đủ 4 năng lực này, chúng ta sẽ trở thành một con người tự do, một công dân trách nhiệm và một chuyên gia ưu tú. Và một IPLer được coi là thành công nhất thì đó phải là một con người tự do, một công dân có trách nhiệm và luôn theo đuổi sự xuất sắc trong bất cứ việc gì mà mình muốn làm.
“Do đó, giáo dục khai phóng không quá xa lạ, cũng không quá cao siêu mà rất đời thường, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường. Giáo dục khai phóng không phải là đặc quyền của những con người xuất sắc, mà dành cho tất cả những con người bình thường và phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ”, TS. Giản Tư Trung chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
"Cuộc chơi" giáo dục của Shark Nguyễn Ngọc Thủy
01:57, 09/03/2022
UEH áp dụng công nghệ thực tế ảo và xác thực hồ sơ điện tử trong giáo dục
17:00, 06/03/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng
21:00, 05/03/2022
Đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục
05:00, 07/02/2022
Giáo dục nghề nghiệp lấy doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số
04:58, 01/02/2022