“Thuế tỷ phú” không dễ thu

QUÂN BẢO 26/05/2022 04:00

Tổ chức Oxfam vừa kêu gọi đánh thuế các tỷ phú để hỗ trợ người nghèo. Ý tưởng này không phải là mới, các chính phủ đã cố gắng thực hiện từ hàng trăm năm nay, thế nhưng vẫn chưa có cách nào hiệu quả.

>>Uber dùng tới 50 công ty để "lách" thuế

Tổ chức Oxfam vừa kêu gọi đánh thuế các tỷ phú để hỗ trợ người nghèo

Tổ chức Oxfam vừa kêu gọi đánh thuế các tỷ phú để hỗ trợ người nghèo

Ngày 23/5, tổ chức phi chính phủ Oxfam kêu gọi đánh thuế những người giàu để hỗ trợ những người kém may mắn trong đại dịch COVID-19 tại hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sỹ.

Oxfam dẫn ra một báo cáo trong đó cho biết có thêm 573 tỷ phú trong thời kỳ đại dịch, tức là trung bình 30 giờ có một tỷ phú mới. Trong khi đó tổ chức này dự đoán sẽ có 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, tương đương 33 giờ có thêm một triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Con số này còn có thể tăng vì lạm phát đang tăng mạnh ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Trong hoàn cảnh này, Oxfam đề xuất một số biện pháp thuế đặc biệt, trong đó áp thuế một lần đối với số của cải mà các tỷ phú có được trong đại dịch. Khoản thuế này sẽ dùng để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của việc giá cả tăng cao. Như vậy mới có thể đảm bảo sự phục hồi “công bằng và bền vững” sau đại dịch.

Không chỉ vậy, Oxfam còn đề xuất áp mức thuế 90% đối với lợi nhuận phát sinh mà các tập đoàn lớn thu được trong thời kỳ đại dịch, cũng như áp thuế hàng năm 2% đối với triệu phú và 5% đối với tỷ phú.

Ý tưởng thu thuế của triệu phú và tỷ phú không hề mới mẻ, bởi các chính phủ luôn tìm cách thu thuế hàng trăm năm nay, nhưng vẫn chưa tìm ra cách. Trong khi đó các ông lớn luôn tìm được nhiều đường để lách thuế.

các ông lớn luôn tìm được nhiều đường để lách thuế

Các ông lớn luôn tìm được nhiều đường để lách thuế

>>Chiêu trò trốn thuế hàng chục tỉ đồng của “ông chủ” kinh doanh phế liệu

Chẳng hạn hồi năm 2020, tờ The Guardian dẫn nghiên cứu của tổ chức ActionAid International cho thấy các công ty công nghệ lớn của Mỹ là Facebook, Google và Microsoft bị cáo buộc lợi dụng những lỗ hổng trong quy định thuế để lách hơn 2,8 tỷ USD tiền thuế hàng năm tại các nước đang phát triển, chủ yếu là ở Ấn Độ, Indonesia, Brazil Nigeria và Bangladesh.

Nghiên cứu này không kết luận các hãng công nghệ vi phạm pháp luật hoặc chủ động né thuế. Họ chỉ nêu lên những lỗ hổng về thuế, dẫn đến những khoản thuế không thể thu được vì giới lãnh đạo các nước không áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu về thuế nhằm buộc các công ty đa quốc gia chi trả thêm thuế tại những nước mà công ty đó có thu nhập.

Hoặc trong năm 2021, Uber bị cáo buộc dùng tới 50 công ty để lách thuế. Theo đó trong năm 2019, Uber tuyên bố lỗ 4,5 tỷ USD toàn cầu nhưng trên thực tế công ty thu về 5,8 tỷ USD doanh thu hoạt động.

Cáo buộc cho thấy Uber chuyển nhượng tài sản trí tuệ của mình thông qua “khoản vay” trị giá 16 tỷ USD từ một công ty con của họ ở Singapore. Đơn vị này đã và đang giúp Uber giảm 1 tỷ USD tiền thuế mỗi năm trong vòng 20 năm.

Uber dùng tới 50 công ty để lách thuế

Uber dùng tới 50 công ty để lách thuế

Đồng thời một số công ty con của Uber ở Hà Lan cũng bị phát hiện là không nộp báo cáo tài chính bắt buộc. Ở Ấn Độ Uber cũng trả ít hơn một phần ba mức thuế 6% mà nước này áp dụng đối với các công ty đa quốc gia.

Nước Mỹ, quốc gia với số lượng tỷ phú cực lớn, cũng đang đề xuất một số dự luật về thuế tỷ phú, nhằm bắt các tỷ phú đang ngày càng giàu phải đóng thêm thuế. Cụ thể, đề xuất do Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden dẫn đầu sẽ nhắm đến một nhóm cá nhân có tài sản 1 tỷ USD hoặc có thu nhập ít nhất 100 triệu USD trong ba năm liên tiếp.

Nguồn gốc của loại thuế là đến từ việc hiện tại, các khoản đầu tư như cổ phiếu hoặc bất động sản của giới siêu giàu chỉ bị đánh thuế khi chúng được bán để thu lợi nhuận. Còn với thuế tỷ phú thì họ sẽ bị đánh thuế đối với lợi nhuận đầu tư của mình ngay cả khi chưa bán.

Tuy nhiên dự luật thuế này nhận về nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chẳng hạn theo dự luật này thì cổ phiếu tăng sẽ đóng thuế, vậy nếu cổ phiếu giảm thì có được hoàn thuế hay không? Hoặc một số người lo lắng dự luật này khiến nhiều nhà đầu tư e ngại trong việc đem tiền đi đầu tư. Và hơn hết, việc này có thể sẽ vi phạm hiến pháp của Mỹ.

Những thông tin và ví dụ trên cho thấy mặc dù ý tưởng thu thuế giới siêu giàu để hỗ trợ người nghèo nghe có vẻ rất hay, các chính phủ cũng muốn làm từ lâu. Thế nhưng nghĩ luôn dễ hơn làm, và thực tế thì đến nay chưa ai tìm ra cách hiệu quả để thu thuế các tỷ phú.

Có thể bạn quan tâm

  • Choáng… những vụ trốn thuế “khủng” tại An Giang

    Choáng… những vụ trốn thuế “khủng” tại An Giang

    00:01, 30/04/2022

  • Chuyển giá, trốn thuế: Coca-Cola Việt Nam lòng vòng báo lỗ ra sao?

    Chuyển giá, trốn thuế: Coca-Cola Việt Nam lòng vòng báo lỗ ra sao?

    04:00, 19/03/2022

  • Chuyển giá, trốn thuế: Kịch bản “lỗ triền miên” của doanh nghiệp FDI

    Chuyển giá, trốn thuế: Kịch bản “lỗ triền miên” của doanh nghiệp FDI

    04:10, 18/03/2022

QUÂN BẢO