Triết lý “3 win” của Phú Thái Holdings Group

Phan Nam thực hiện 14/10/2022 02:00

Người giàu có phải là người cho đi và giúp cho cộng đồng xã hội nhiều nhất, không chỉ bằng tiền, bằng vật chất mà còn bằng công sức, trí tuệ và sáng tạo tinh thần đóng góp cho xã hội.

>>Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường

Trao đổi với DĐDN, TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Phú Thái Holdings Group cho biết: Với hệ thống gần 50 công ty thành viên, doanh số đạt trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, Phú Thái Holdings Group lựa chọn con đường phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hoá kinh doanh.

Theo TS Phạm Đình Đoàn: Với triết lý kinh doanh “3 win” trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phú Thái Holdings Group luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng, đối tác và quốc gia dựa trên nền tảng đạo đức và văn hoá kinh doanh.

- Hơn 10 năm trước, nói đến Phú Thái là hình dung ngay tới một trong những doanh nghiệp phân phối hàng đầu Việt Nam, bây giờ “bức tranh” về Phú Thái được “phác hoạ” như thế nào, thưa ông?

Gần 30 năm trước, Phú Thái Holdings Group khởi nghiệp từ lĩnh vực phân phối hàng hóa. Đến nay, Phú Thái Holdings Group đang trên đường trở thành một tập đoàn đầu tư kinh doanh đa ngành hàng đầu Việt Nam với khát vọng phát triển toàn cầu, đề cao liêm chính, minh bạch, thực hành triết lý kinh doanh bền vững và hài hòa nhằm mang đến lợi ích tối đa cho khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, nhân viên và xã hội.

Hiện nay, Phú Thái Holdings Group có hệ thống gần 50 công ty thành viên, doanh số đạt trên 10.000 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và gần 5.000 cán bộ nhân viên. Hệ sinh thái kinh doanh của tập đoàn trải rộng toàn quốc trên các lĩnh vực khác nhau từ phân phối hàng tiêu dùng nhanh, máy và động cơ công nghiệp, xe ôtô, thời trang, sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, phát triển các dự án bất động sản, công ty công nghệ và start-up, phong cách sống, giáo dục…

Với sứ mệnh đầu tư mang đến những sản phẩm, dịch vụ nâng chất lượng cuộc sống của người Việt, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững, Phú Thái Holdings Group đã và đang hợp tác với các đối tác quốc tế danh tiếng như: Tập đoàn đa quốc gia P&G, Caterpillar (Mỹ), Jaguar - Land Rover (Anh), PON (Hà Lan), Elphinstone (Úc), BJC (Thái Lan), Itochu, Watakyu, Colowide (Nhật Bản), Medion (Indonesia)... Phú Thái Holdings Group đã trở thành cầu nối tin cậy giữa Việt Nam và thế giới.

p/Hệ thống thời trang Kowil của Phú Thái Holdings Group

Hệ thống thời trang Kowil của Phú Thái Holdings Group

>>Đạo đức kinh doanh phải là “ngọn đuốc” dẫn đường

- Là một trong những doanh nhân đoạt Top10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, ông quan niệm như thế nào về sự giàu có?
Đối với doanh nhân, không chỉ là tài sản, sự giàu có thể hiện qua khả năng kinh doanh có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững.

Người giàu có là người thiết lập ra hệ thống để tạo cơ hội làm giàu cho những người khác. Người giàu có phải là người cho đi và giúp cho cộng đồng xã hội nhiều nhất, không chỉ bằng tiền, bằng vật chất mà còn bằng công sức, trí tuệ, cơ hội và sáng tạo tinh thần đóng góp cho văn hóa, giáo dục, phát minh, hoạt động xã hội.

- Vậy còn về đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh, được coi là nền tảng trong triết lý kinh doanh “3 win” của Phú Thái Holdings Group, thưa ông?

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay là năm đầu tiên VCCI đưa các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Doanh nhân là yếu tố cốt lõi, có vai trò quyết định trong xây dựng và định hình văn hoá kinh doanh của một doanh nghiệp, nên việc xây dựng đạo đức doanh nhân sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp và xa hơn nữa là văn hoá kinh doanh quốc gia.

Đạo đức doanh nhân được thể hiện ở sự trung thực và có trách nhiệm đối với công việc và xã hội; tôn trọng con người, tuân thủ pháp luật; làm giàu chính đáng; năng động sáng tạo và dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, với đối tác, với tự nhiên ở một cộng đồng hay một khu vực. Bao gồm, triết lí kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và ứng xử kinh doanh.

Tôi cho rằng, văn hoá kinh doanh chính là phương thức phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, là nguồn lực phát triển kinh doanh. Văn hóa kinh doanh ảnh hưởng bao trùm đến không chỉ là cộng đồng doanh nghiệp, từng doanh nghiệp, từng doanh nhân mà đến cả đời sống, kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò của đất nước trong công cuộc hội nhập quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • "Những ngày không thể quên lại tô thắm văn hoá đạo đức kinh doanh của doanh nhân"

    12:25, 12/10/2022

  • Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường

    Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường

    10:56, 11/10/2022

  • Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức

    Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức

    01:03, 13/09/2022

  • Đạo đức kinh doanh làm nên cốt cách doanh nghiệp

    Đạo đức kinh doanh làm nên cốt cách doanh nghiệp

    02:08, 29/08/2022

Phan Nam thực hiện