Trách nhiệm của doanh nhân
“Tầng lớp trung lưu” là khái niệm xã hội học, đề cập đến nhóm người được xếp giữa tầng lớp giàu có và tầng lớp bình dân trong xã hội.
>>Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”.
Kết thúc năm 2022, đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát và xã hội đã trở lại với nhịp sống bình thường. Tổng kết năm cũ, bên cạnh những tin vui về kinh tế - xã hội, chúng ta cũng chứng kiến những tin xấu về các doanh nhân vướng vào các đại án như Việt Á, hay FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC.
Hình ảnh doanh nhân sau các đại án
Ấn tượng chung về các doanh nhân liên quan đến đại án là hình ảnh tiều tụy, không còn hào nhoáng như mới ngày nào họ vẫn xuất hiện trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Những cáo buộc vi phạm cho thấy họ đã thực hiện những hành vi vụ lợi không chỉ coi thường pháp luật, mà còn giẫm đạp lên các giá trị đạo đức như trung thực, liêm chính, vốn được cả xã hội đề cao.
Tìm kiếm và gia tăng lợi ích là nhu cầu chính đáng của các doanh nhân. Tuy nhiên, nếu bất chấp các quy định pháp lý và các giá trị đạo đức đặt nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì những lợi ích mà họ giành được sẽ bị coi là sự trục lợi bất chính. Nói cách khác thì đó là những lợi ích phi đạo đức bởi cái được của họ lại có thể là cái mà người khác bị tước đoạt. Những hành vi vụ lợi ích kỷ, bất chấp luân thường, đạo lý có thể đem lại sự giàu có cho người này nhưng lại cũng có thể đẩy người khác vào tình thế tán gia, bại sản, lợi ích của cộng đồng có thể bị xâm phạm.
Hậu quả dễ thấy nhất của những hành vi sản xuất, kinh doanh bất chính là khuyến khích tư duy chộp giật, đánh quả, chỉ nhìn thấy cái lợi thiển cận trước mắt mà coi nhẹ việc vun đắp và bảo vệ những lợi ích bền vững. Về lâu dài, tình trạng như vậy sẽ đẩy nền kinh tế đến với sự bất ổn, nguy cơ khủng hoảng luôn rình rập.
Hậu quả sâu xa hơn từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh coi thường đạo đức là sự suy giảm lòng tin của các thành viên trong xã hội đối với các nhà sản xuất, kinh doanh. Tâm lý ác cảm với sự giàu có lại có thể trỗi dậy, qua đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hình ảnh, uy tín, ảnh hưởng xã hội của các doanh nhân nói riêng.
>>Xác định lại vị trí, vai trò doanh nhân
Tầng lớp trung lưu
“Tầng lớp trung lưu” là khái niệm xã hội học, đề cập đến nhóm người được xếp giữa tầng lớp giàu có và tầng lớp bình dân trong xã hội. Ở mỗi nước, mỗi trình độ phát triển khác nhau thì các tiêu chí để xác định tầng lớp trung lưu cũng sẽ khác nhau. Theo một số tổ chức quốc tế, như Ngân hàng thế giới, thì tầng lớp trung lưu là tập hợp những người có thể chi tiêu trên 15 USD/ngày. Còn tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại xác định những người có mức chi tiêu hàng ngày dao động từ 10-100 USD sẽ được xếp vào nhóm trung lưu trong xã hội.
Khái quát thì tầng lớp trung lưu là những người có nền tảng kinh tế - tài chính vững vàng; có nghề nghiệp hợp pháp và ổn định; có trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, và hiểu biết xã hội từ mức trung bình khá trở lên; có văn hóa, lối sống, và thói quen hành vi tích cực; có uy tín và ảnh hưởng xã hội; có ý thức trách nhiệm, quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng và tích cực tham gia xây dựng cộng đồng xã hội.
Trong lịch sử xã hội loài người thì tầng lớp giàu có luôn chiếm thiểu số, tầng lớp bình dân luôn chiếm đa số. Khi nhân loại bước vào thời kỳ hiện đại, từ khoảng năm 1800 đến nay, với sự vận hành của nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, tầng lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện và ngày càng gia tăng. Đến nay, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, cả về quy mô và chất lượng có thể coi là một chỉ báo cho thấy sự phát triển về xã hội ở một quốc gia nào đó.
Do trình độ phát triển, tầng lớp trung lưu còn là một khái niệm khá mới mẻ với số đông người dân ở nước ta. Sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, ước tính, nước ta hiện có gần 7 triệu doanh nhân. Lực lượng này hẳn nhiên là những ứng viên hàng đầu để gia nhập tầng lớp trung lưu bởi họ có sự nhạy bén hơn người, hiểu biết và học thức, nghề nghiệp, tài sản, và thu nhập ổn định, uy tín và ảnh hưởng xã hội ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, sự thành công nhanh chóng rồi vướng đại án của một số doanh nhân lớn gần đây lại khắc sâu thêm những ấn tượng tiêu cực về hình ảnh doanh nhân, cũng như những tranh cãi về tầng lớp trung lưu cùng vị thế và vai trò xã hội của họ ở nước ta hiện nay.
Trung lưu trách nhiệm
Mỗi cá nhân có thể dễ dàng đạt được các tiêu chí về nghề nghiệp, thu nhập, tài sản, học vấn…để gia nhập tầng lớp trung lưu. Những tiêu chí gắn với lợi ích cá nhân như vậy thường cũng là khát vọng chính đáng của mỗi người nên dễ hiểu vì sao mỗi chúng ta có thể quyết tâm theo đuổi và đạt được.
Tuy nhiên, vị thế xã hội “trung lưu” cũng gắn liền với những mong đợi vai trò mà mỗi thành viên cần phải đáp ứng. Những mong đợi xã hội hẳn nhiên đều muốn thành viên tầng lớp trung lưu phải trở thành những hình ảnh khuôn mẫu, có đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội. Họ không chỉ nghĩ cho mình mà còn phải nghĩ cho người khác, đặt lợi ích của mình trong quan hệ với lợi ích của người khác.
Là những ứng viên tiềm năng nhất để gia nhập tầng lớp trung lưu ở nước ta hiện nay, các nhà sản xuất, kinh doanh được mong đợi sẽ thực hiện hoạt động tìm kiếm lợi ích một cách có trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm không đơn giản chỉ là tích cực trong hoạt động từ thiện hay hỗ trợ người lao động mỗi khi khó khăn. Ý thức trách nhiệm cũng không chỉ thể hiện thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ pháp luật. Hơn thế, ý thức và trách nhiệm cao nhất là phải coi trọng những giới hạn đạo đức trong công việc tìm kiếm lợi ích hàng ngày.
Có thể bạn quan tâm
Tạo khung khổ pháp lý bền vững cho đạo đức doanh nhân
05:01, 08/11/2022
Đạo đức doanh nhân thấm trong văn hóa Việt
20:31, 25/10/2022
Đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh
23:41, 12/10/2022
Đạo đức doanh nhân chính là tinh thần tự hào dân tộc của Doanh nhân
16:08, 12/10/2022
Đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh là điểm tựa quan trọng.
00:00, 12/10/2022