Đạo đức trong kinh doanh
Trong năm Quý Mão, với một chữ Quý đứng đầu, chúng ta nói ngắn gọn doanh nhân phải thực sự là những “Quý Nhân” làm lợi cho Tổ quốc.
>>Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển
Năm con Hổ vừa qua chứng kiến nhiều vụ việc xảy ra trên thị trường tài chính, với một số “tượng đài” giả trong giới kinh doanh đã sụp đổ.
Những vụ việc đó thúc đẩy chúng ta phải nhận lại về chân giá trị thật sự của những biểu tượng kinh doanh tử tế, chân chính, đi cùng là nền tảng - hệ giá trị đạo đức kinh doanh trong nền kinh tế rộng mở và hội nhập quốc tế.
Tự tôn dân tộc
Nếu như giá trị đạo đức, nhìn từ góc độ cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hoá hành vi con người; thì hệ giá trị đạo đức trong kinh doanh trước hết là xác định khuôn mẫu lý tưởng của nhà kinh doanh với quyết tâm làm ra của cải vật chất cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội một cách minh bạch và băng khả năng cho phép của chính mình.
Một trong những “ông tổ” của doanh nhân Việt Nam, Bạch Thái Bưởi đã từng nói rằng mục tiêu hàng đầu của nhà kinh doanh là lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp kinh doanh mà không làm ra lợi nhuận, thì rất khó để nói đến những lợi ích khác cho người lao động tham gia công cuộc kinh doanh, chưa nói đến lợi ích cho đối tác và đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Nhưng lợi nhuận không phải là trên hết và tất cả. Thế nên Việt Nam, cũng như thế giới mới sinh ra doanh nghiệp phi lợi nhuận - là các doanh nghiệp làm ra của cải vật chất để tái đầu tư giá trị của cải vật chất đó cho lợi ích xung quanh, những nhà làm kinh doanh trực tiếp chỉ hưởng một phần tối thiểu đủ để duy trì hoạt động tiếp tục phụng sự xã hội. Họ có thể đăng ký là doanh nghiệp phi lợi nhuận hoặc không.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đề cao lợi nhuận nhưng ông càng đề cao tinh thần tự tôn dân tộc. Bài học văn hóa kinh doanh hàng đầu của ông là tự tôn dân tộc - tinh thần đóng dấu ấn lên mọi hoạt động, mọi sản xuất, mọi hành vi kinh doanh. Nó chính là khuôn mẫu lý tưởng, “mẫu số chung” bao trùm hệ giá trị trong đạo đức kinh doanh.
Ích quốc lợi dân
Gắn sự phát triển của nền kinh tế quốc dân với sự giàu có, thịnh vượng của các nhà công thương, “Thư gửi giới Công thương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắn nhủ rằng: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
>>Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”
Nói cách khác, nếu như tự tôn dân là lý tưởng bao trùm, thì làm ích quốc lợi dân là thước đo của lý tưởng, là đích đến của hệ giá trị đạo đức kinh doanh. Nó cần được xác định từ điểm khởi phát lẫn quá trình điều chỉnh hành vi, động cơ của nhà kinh doanh.
Rõ hơn, trong thị trường tài chính, nếu các doanh nhân đã bộc lộ ra lớp sơn tróc vảy giả “tượng đài” như các vụ việc vi phạm nghiêm trọng để thao túng thị trường, lừa đảo người dân và nhà đầu tư bị phát hiện trong năm qua, chúng ta có thể soi chiếu để thấy rằng điểm khởi phát cũng như đích đến của nhà kinh doanh ấy cơ bản tập trung nhắm đến lợi ích cá nhân, vị kỷ, hoàn toàn không nghĩ đến 2 chữ “ích quốc lợi dân”. Họ sẵn sàng vì tư lợi mà bước lên tất cả.
Dĩ nhiên, sẽ có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp - nhà công thương, cho rằng chúng tôi kinh doanh mà không vi phạm pháp luật, có đóng thuế nhà nước, tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp sản phẩm cho thị trường, đó đã là ích quốc lợi dân, không cần gì to tát hơn. Quan điểm này khá phù hợp với các chuẩn mực, tạo nên quy tắc ứng xử trong kinh doanh thông thường trong xã hội. Doanh nghiệp làm được như vậy thực sự đã rất quý.
Việc xây dựng và thực thi đạo đức kinh doanh không là nhân tố đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp nâng được mức thu nhập lên cao hơn nhiều lần so với những công ty không coi trọng thực hành các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, theo một công trình nghiên cứu của hai giáo sư thuộc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) là John Kotter và James Heskeu (tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích).
Đồng thời, văn hóa, đạo đức kinh doanh khi đã được thực hành trí chí, bền bỉ, còn là tấm khiên chắn, thành trì bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chữ tâm, tầm, tín, sức mạnh đưa doanh nghiệp vượt qua những cám dỗ lợi nhuận có thể có được từ việc làm, hoạt động phi pháp, đi ngược lợi ích xã hội, cộng đồng.
Quý hơn, vẫn là việc doanh nghiệp phải phát huy vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển xã hội Việt Nam. Trong năm Quý Mão, với một chữ Quý đứng đầu, chúng ta nói ngắn gọn doanh nhân phải thực sự là những “Quý Nhân” làm lợi cho Tổ quốc. Chúng ta mong nền kinh tế ngày càng nhiều “quý ông”, “quý bà” thành đạt - Giàu và Sang từ vật chất đến tinh thần. Càng mong họ dám “hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tầm nhìn để đưa đất nước cùng Giàu Sang - Hùng Mạnh.
Có thể bạn quan tâm
"Những ngày không thể quên lại tô thắm văn hoá đạo đức kinh doanh của doanh nhân"
12:25, 12/10/2022
Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường
10:56, 11/10/2022
Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức
01:03, 13/09/2022
Đạo đức kinh doanh làm nên cốt cách doanh nghiệp
02:08, 29/08/2022