Nguồn lực cốt lõi để thành công

Phan Nam thực hiện 27/01/2023 04:00

Chỉ có theo đuổi định hướng kinh doanh có văn hoá mới có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và phát triển bền vững cho chủ thể kinh doanh.

>>Tầm nhìn khởi nguồn của văn hoá kinh doanh

TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho rằng: Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh sẽ là nguồn lực nuôi dưỡng và tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo TS Phạm Đình Đoàn: Văn hoá doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, có ảnh hưởng sâu rộng đến mối quan hệ giữa tổ chức với nhân viên và khách hàng.

- Vậy theo ông, đâu là sự khác biệt trong văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp gia đình?

Văn hoá doanh nghiệp được hiểu là các giá trị văn hoá được xây dựng trong quá trình phát triển doanh nghiệp, dần trở thành giá trị truyền thống ăn sâu vào mọi hoạt động của công ty và nhân sự trong việc theo đuổi mục đích chung. Văn hoá doanh nghiệp là những nguyên tắc tổ chức ẩn sau mọi giá trị, hình ảnh, hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong văn hoá doanh nghiệp gia đình, người lãnh đạo đóng vai trò như trụ cột gia đình, có trách nghiệm chăm lo, giúp đỡ những thành viên khác. Thường ở các doanh nghiệp gia đình, nhân viên lớn tuổi, có thời gian gắn bó lâu dài với doanh nghiệp sẽ được tin tưởng và giữ vị trí quản lý quan trọng. Văn hoá doanh nghiệp gia đình có tính khép kín tương đối cao, gắn kết bởi sự trung thành của cá nhân. Trong văn hoá doanh nghiêp gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trực tiếp, gần gũi, nhưng có thứ bậc trên dưới, như trong gia đình.

Nếu ví văn hoá doanh nghiệp là cái cây thì văn hoá doanh nghiệp gia đình như một cành xanh trên đó.

- Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển giao kế nghiệp, văn hoá doanh nghiệp gia đình có tác động như thế nào đến việc chuyển giao kế nghiệp thành công, thưa ông?

Theo Viện doanh nghiệp Gia đình (Family Business Institute), vì những xung đột lợi ích nên chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến thế hệ thứ 2 và 12% kéo dài đến thế hệ thứ 3, chưa đầy 3% truyền được đến thế hệ thứ 4.

Thử thách lớn đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam chính là yếu tố con người, bởi mỗi doanh nghiệp là một tập thể của những con người chia sẻ cùng một tầm nhìn và hệ giá trị. Doanh nghiệp gia đình được xây dựng dựa trên tầm nhìn dài hạn, cùng với những chuẩn giá trị, góp phần hình thành văn hoá dòng tộc, nhằm giữ gìn và phát triển tài sản. Ý thức về sự quản lý và kiểm soát cũng xuất phát từ tư duy sở hữu của gia đình. Đây cũng chính là mặt mạnh để họ làm việc hết mình cho sự tồn vong và phát triển của doanh nghiệp gia đình.

Mặt khác, nền tảng giá trị và truyền thống gia đình sẽ chi phối hầu như mọi quyết định kinh doanh. Giá trị và đạo đức được đề cao sẽ tạo ra sự cộng hưởng, dẫn dắt kinh doanh thành công. Ngược lại, bất cứ sự vi phạm nào về giá trị và đạo đức cũng dẫn đến những hậu quả khó lường.

Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp gia đình phải thiết lập được các quy tắc chi phối kinh doanh và cần phải cân đo phù hợp, ưu tiên chuyển đổi về quản trị cho thế hệ tiếp theo để hấp thu những văn hoá mới, tạo dựng giá trị, xây dựng sự đồng lòng của nhân viên và thích nghi với thời cuộc, điển hình là nâng cao khả năng chuyển đổi số. Có như vậy, doanh nghiệp gia đình Việt Nam mới có thể phát triển bền vững trong giai đoạn kế thừa tiếp theo.

>>Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh đến ý nghĩa với quốc gia và doanh nghiệp

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

- Đạo đức doanh nhân được coi là cốt lõi của văn hoá kinh doanh, là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Doanh nhân là yếu tố cốt lõi, có vai trò quyết định trong xây dựng và định hình văn hoá kinh doanh của một doanh nghiệp, nên việc xây dựng đạo đức doanh nhân sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp và rộng hơn nữa là văn hoá kinh doanh quốc gia.

Đạo đức doanh nhân được thể hiện ở sự trung thực và có trách nhiệm đối với công việc và xã hội; tôn trọng con người, tuân thủ pháp luật; làm giàu chính đáng; năng động sáng tạo và dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Văn hoá kinh doanh là hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, với đối tác, với tự nhiên ở một cộng đồng hay một khu vực. Bao gồm, triết lí kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và ứng xử kinh doanh.

Văn hoá kinh doanh chính là phương thức phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, là nguồn lực phát triển doanh nghiệp. Văn hoá kinh doanh không chỉ ảnh hưởng bao trùm đến cộng đồng doanh nghiệp, từng doanh nghiệp, doanh nhân mà đến cả đời sống, kinh tế, xã hội, vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Chỉ có theo đuổi định hướng kinh doanh có văn hoá mới có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và phát triển bền vững cho chủ thể kinh doanh. Chính đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh sẽ là nguồn lực nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.

Tại Phú Thái Holdings Group với triết lý kinh doanh “3 win” trong suốt quá trình hình thành và phát triển chúng tôi luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng, đối tác và quốc gia dựa trên nền tảng đạo đức và văn hoá kinh doanh. Với chủ trương phát triển bền vững và hội nhập nên mọi kế hoạch đều xoay quanh việc hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch, tuân thủ pháp luật, sẵn sàng liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để hội nhập thành công. Từ tầm nhìn và sứ mệnh với giá trị cốt lõi Phú Thái đã cụ thể hóa thành các qui tắc, nề nếp trong công việc và các mối quan hệ, từ đó phổ biến tuyên truyền từ dưới lên trên để mọi người thấu hiểu và áp dụng trong công việc hàng ngày của từng người theo những chuẩn mực chung, nhưng vẫn tôn trọng sắc thái riêng của từng công ty thành viên với lĩnh vực kinh doanh khác nhau, tạo hệ sinh thái bền vững, dựa trên nền tảng đạo đức, tinh thần dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tầm nhìn khởi nguồn của văn hoá kinh doanh

    Tầm nhìn khởi nguồn của văn hoá kinh doanh

    12:00, 13/10/2022

  • Đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh là điểm tựa quan trọng.

    Đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh là điểm tựa quan trọng.

    00:00, 12/10/2022

  • Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh đến ý nghĩa với quốc gia và doanh nghiệp

    Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh đến ý nghĩa với quốc gia và doanh nghiệp

    18:28, 11/10/2022

  • Phát huy, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh Việt Nam

    Phát huy, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh Việt Nam

    16:57, 11/10/2022

  • Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

    Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

    12:58, 11/10/2022

  • Đạo đức và văn hoá kinh doanh là tài sản của doanh nhân

    Đạo đức và văn hoá kinh doanh là tài sản của doanh nhân

    12:27, 11/10/2022

Phan Nam thực hiện