Hiện thực hóa mục tiêu vì an sinh xã hội
Người dân sẽ là đối tượng được thụ hưởng những giá trị an sinh xã hội nhiều nhất khi bệnh viện được xây dựng và phát triển một cách bền vững.
Đó là chia sẻ của ThS. Lê Thị Hồng Phương – Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Hà Thành với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa bà, quan điểm của bà phân loại các cơ sở y tế tư nhân theo mục đích đầu tư ra sao?
Nói đến vai trò của y tế tư nhân, người ta đều thấy rõ nét nhất là việc chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các gánh nặng y tế cho công lập. Ngoài ra y tế tư nhân còn tạo ra đối trọng với y tế công lập để xây dựng cơ chế minh bạch trong đầu tư - tài chính và năng động trong quản lý. Tuy nhiên, sự phát triển này còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển y tế của đất nước.
Về mô hình cơ sở dịch vụ tư nhân hiện nay hoạt động vì lợi nhuận, có hai loại: Các cơ sở dịch vụ dưới dạng doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở dịch vụ dưới dạng nghiệp lớn hoặc tập đoàn. Mỗi mô hình có những đặc thù riêng và nhà nước có những chính sách phù hợp riêng.
Những cơ sở dịch vụ dưới dạng doanh nghiệp nhỏ mang các đặc thù sau trong hoạt động: Nguồn vốn tự chủ; Phải chịu thuế như doanh nghiệp có đặc thù; Không được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của chính phủ; Có hoặc không chia sẻ lợi nhuận. Với các cơ sở dịch vụ dưới dạng doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn, ngoài các đặc thù như doanh nghiệp nhỏ, thì việc tiếp cận nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu.Như vậy, điều quan trọng nhất trong quản lý y tế tư nhân là phải phân loại các cơ sở y tế tư nhân theo mục đích đầu tư mà có chính sách phù hợp.
- Trên thực tế, vẫn còn những tranh luận “ai tốt hơn ai” giữa Y tế công và Y tế tư, thưa bà?
Trên thực tế việc đánh giá này cần có cái nhìn toàn diện và căn cứ vào khung đánh giá của hệ thống y tế của tổ chức y tế thế giới như khả năng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng; chất lượng chăm sóc; chất lượng cung ứng dịch vụ;… Ý kiến nhiều người bệnh cho rằng, với y tế tư nhân họ hài lòng hơn về tiêu chí tiếp cận và minh bạch tài chính, nhưng với y tế công thì về tiêu chí tuân thủ pháp luật, thực hành chuyên môn và hiệu quả điều trị lại tốt hơn.
- Để người dân được đảm bảo về an sinh xã hội theo đúng mục tiêu cốt lõi như bà nói, yếu tố cần và đủ là gì, thưa bà?
Thứ nhất, cần cải cách mô hình hoạt động làm thay đổi tư duy của người dân trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ. Cung cấp dịch vụ đến gần hơn với nhân dân. An sinh xã hội thể hiện ở việc chăm sóc y tế được tiếp cận gần nhất với người dân; bao phủ BHYT, BHXH; bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tài chính khi bệnh tật, nghỉ hưu; khám sức khỏe định kỳ và an toàn tại nơi làm việc; các khía cạnh của công tác xã hội…
Thứ hai, đội ngũ y bác sĩ có tâm, có tầm, có tay nghề cao được xem là yếu tố sống còn của bệnh viện. Hiện nay, cơ chế đảm bảo đời sống cho cán bộ y tế còn chưa tương xứng. Thay đổi cơ chế tiền lương đó cũng là cách để chúng ta duy trì và phát triển đội ngũ nhân lực ngành y chất lượng cao.
Thứ ba, sự phát triển của bệnh viện luôn đi cùng với sự phát triển của công nghệ y khoa và đội ngũ y bác sĩ. Khi có sự phát triển song hành này chính là những điều kiện để bệnh viện phát triển bền vững. Đảm bảo tốt an sinh xã hội chính là đảm bảo tốt chất lượng cuộc sống, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Điều này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội của cả nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Tiếp sức doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội
11:37, 15/12/2022
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài
03:50, 11/12/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội
20:00, 25/11/2022
Thực hiện BHXH, BHYT ở Đồng Tháp: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội
15:28, 23/08/2022