Kinh doanh bằng tâm, nông nghiệp trả công
Mở cửa hàng kinh doanh nhưng khi người nông dân cần là lao vào giúp đỡ không cần biết ở đâu, anh Võ Văn Luân (Gia Lai) đã giúp đỡ nhiều gia đình vượt qua những khó khăn của nông nghiệp.
>>Phát triển thương hiệu cà phê sạch
Tận tâm với nông dân
“Câu chuyện với anh Võ Văn Luân ở xã Ia H’Lốp huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai đến với tôi thật bất ngờ. Nghe người nông dân nói về Luân tôi cứ ngỡ đó là một người có học vị cao sang lắm. Nhưng gặp rồi mới dễ gần, dễ thương”, đây là những cảm nhận của ông Lê Nam Thanh xã Ia Vê huyện Chư Prông về anh Võ Văn Luân - Chủ hệ thống cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Ngọc Linh (Gia Lai).
Như lời ông Thanh, ngoài kinh doanh, anh Võ Văn Luân cũng đã hướng dẫn, giúp đỡ người nông dân phòng, chống dịch bệnh cho các loại cây trồng. Từ đó, người dân giảm thiểu được thiệt hại, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và tiếp tục mở rộng quy mô.
Theo lời kể, gia đình ông Thanh vốn là nông dân ở tỉnh Lâm Đồng chuyên trồng sầu riêng và cây nông nghiệp khác. Nhưng vì con trai bị bệnh nên gia đình phải lần lượt bán các tài sản đi chữa bệnh cho con.
Sau khi con trai mất, còn một ít vốn gia đình ông Thanh quyết định vào xã Ia Vê huyện Chư Prông mua một mảnh vườn khoảng 1ha đất trồng sầu riêng và nhãn Hương Chi. Những ngày đầu tiên, nhờ sự giới thiệu của bà con trong vùng ông mới biết đến hệ thống thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, chanh leo Ngọc Linh ở xã Ia H’Lốp huyện Chư Sê của anh Võ Văn Luân.
Trò chuyện một lúc, vợ ông Thanh cũng xen vào vài câu: “Nếu năm ngoái không có chú Luân, gia đình tôi mất trắng 800 triệu đồng tiền sầu riêng. May có chú ấy tư vấn và bán thuốc hợp lý mà cuối mùa gia đình mới đạt được kết quả như mong muốn.”
Nói về sự giúp đỡ từ anh Võ Văn Luân, ông Thanh cho hay hiện gia đình có 1ha đất canh tác nông nghiệp với sầu riêng và nhãn Hương Chi. Năm 2022, mỗi cây để lại từ 180 đến 220 trái nhỏ và loại dần đến khi trưởng thành còn khoảng 130 trái/cây. Bình quân mỗi cây cho thu 2 tạ sầu riêng với giá bán tại vườn là 10 triệu đồng trong một mùa.
Ông Thanh cho biết, trước thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm, các cây sầu riêng đã có hiện tượng rụng trái, rời trái nên gia đình ông Thanh lại một năm nữa tìm đến anh Võ Văn Luân để được tư vấn và hướng dẫn cách pha chế thuốc phun cho sầu riêng. Trước sự sốt ruột của người nông dân, anh Luân cũng chẳng ngại bỏ bữa cơm trưa mà lái xe hơn 25km vào tận nhà tư vấn cho người nông dân.
Không chỉ trường hợp của ông Thanh, anh Võ Văn Luân còn hỗ trợ cho nhiều trường hợp khác trên địa bàn. Trước sự giúp đỡ nhiệt tình từ người thanh niên này, người nông dân từng bước thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, hiểu rõ hơn về giá trị của nông sản và phòng ngừa được các thiệt hại về kinh tế từ dịch bệnh.
Gieo giống ngọt, gặt thành công
Ở tuổi 22, anh Võ Văn Luân cầm trong tay bằng cử nhân kỹ sư điện những lại rẽ lối sang ngành bảo vệ thực vật. Với suy nghĩ, nông nghiệp gần gũi với mình hơn, phát huy được tốt hơn.
Sau gần 2 năm miệt mài học tập, Luân về làm thuê cho một đơn vị kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, công việc làm thuê không phát huy được cái sở trường của mình, Luân quyết định nghỉ việc về quê mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, giống cây chanh leo năm 2015.
Từ đầu, hệ thống Ngọc Linh bán chuyên sâu kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật về cây sâu riêng, chanh leo, cà phê, hồ tiêu, nhãn, vải và cây lagim... Nhờ giúp đỡ nông dân tận tình, chất phát, nên hệ thống cửa hàng Ngọc Linh của Luân cũng được nông dân giúp lại bằng cách giới thiệu cho nhau biết nhiều hơn.
Ba năm trước, gia đình ông Lê Thanh Quang ở thôn 3 xã Ia H’Lốp huyện Chư Sê vẫn đang phải “méo mặt” vì cà phê và hồ tiêu. Trước sự tấn công của cây chanh leo trong nông nghiệp, gia đình ông cũng mạnh dạn đầu tư giống, giàn trồng, hệ thống tưới để trồng cây chanh leo.
Để có người đỡ đầu về vốn, ông Quang đã nhờ Võ Văn Luân bán giống chanh leo trả dần và được sự đồng ý. Nhờ thế, mà hai năm nay gia đình ông Quang đã giàu lên một cách nhanh chóng nhờ canh chanh Leo. Trong vụ này, mỗi cây chanh Leo cho thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng một cây sau 3 lứa trái. Hiện đã chuẩn bị vào lứa trái thứ 4 nên dự tính thu nhập sẽ cao hơn đến cuối vụ.
Nhờ sự kéo lại của chanh leo mà kinh tế gia đình không bị khó khăn, ông Lê Thanh Quang vui vẻ cho hay: “Rất may gặp được người bán cây giống tốt, cây không bị bệnh mà quá trình sản xuất cũng được hỏi han, tư vấn rất nhiều. Đây là điều mà ít người làm được, họ không chỉ bán sản phẩm và còn kinh doanh bằng cả cái tâm nữa”.
Nhờ vào kinh doanh có trách nhiệm mà từ cửa hàng đầu tiên năm 2015, đến nay anh Võ Văn Luân đã phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, giống cây chanh leo Ngọc Linh lên đến 15 cửa hàng. Hiện diện ở các địa phương như huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai và huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk. Cở sở kinh doanh của anh Luân có 30 nhân viên toàn thời gian với mức thu nhập bình quân lên đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Nói về tiêu chí kinh doanh của mình, anh Luân chia sẻ: “Sản phẩm của mình gắn bó với người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Cái gì mình biết được từ học tập, từ trao đổi kinh nghiệm thì mình chia sẻ cho người nông dân để họ hưởng lợi. Nếu không lấy nông dân làm gốc thì sản phẩm mình bán cho ai”.
Ngoài các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, thì cửa hàng cũng bán và phân phối các sản phẩm hữu cơ để bắt kịp nông nghiệp 4.0 như thuốc trừ sâu, trừ bệnh sinh học, phân hữu cơ như phân nở, đạm cá, phân bón humic, Amino….Cửa hàng ở đâu, nhân viên ở đó có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn đi thăm vườn từng hộ nông dân để có liệu trình tốt nhất cho vườn cây. Chính vì thế mà hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, giống cây chanh leo Ngọc Linh đang giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm