Văn hóa kinh doanh và tấm gương người đứng đầu

Hải Phong (thực hiện) 03/05/2023 04:00

Văn hóa kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Để xây dựng được văn hóa kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp phải là tấm gương.

>>Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Cần "thuốc bổ" cho nền kinh tế phục hồi

DOANH NHÂN đã có buổi trò chuyện cùng ông Phạm Đình Đoàn - Ủy viên Ban chấp hành VCCI khóa VII nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái xung quanh vấn đề này.

Là một trong những doanh nhân trong Ban chấp hành VCCI, ông Đoàn đồng ý với quan điểm của VCCI: Việc xác định, xây dựng và thực hành văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ cấp bách, là chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

- Văn hóa kinh doanh được cho là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu, xin hỏi quan điểm của ông về vấn đề này?

Sau hơn 30 năm đổi mới, các doanh nhân Việt Nam đã ý thức được rằng việc xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Điều này không chỉ tạo ra môi trường làm việc tốt cho nhân sự, làm cho nhân viên gắn bó với doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, văn hóa doanh nghiệp còn giúp cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế tốt hơn, có thể liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài một cách tốt hơn. Đối với hợp tác trong nước, văn hóa kinh doanh tạo sự đồng điệu về văn hóa, chuẩn chỉ theo pháp lý, pháp luật. Doanh nhân bây giờ phải liêm chính, không chỉ vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng mà còn phải vì sự phát triển của đất nước nói chung.

- Như vậy, có thể hiểu để hình thành văn hóa kinh doanh, phải bắt đầu tư xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến, thưa ông?

Đương nhiên rồi! Chúng ta nói nhiều đến doanh nhân trí thức - những người doanh nhân được đào tạo bài bản. Trong tất cả các trường lớp đào tạo cũng đều đề cập đến việc làm sao để xây dựng, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, mà bền vững thì đương nhiên phải làm đúng theo pháp luật, làm bài bản, chuyên nghiệp, quốc tế hóa. Để có thể cạnh tranh một cách lành mạnh, cũng cần cả kỹ năng quản trị tốt và tất nhiên việc xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp trên một nền tảng phát triển bền vững theo pháp luật là rất cần thiết theo giai đoạn mới hiện nay.

- Mặc dù đã có những sắc thái rõ nét về văn hoá kinh doanh, nhưng thực tế, việc thực hiện văn hoá kinh doanh vẫn chưa thực sự được triển khai rộng rãi tại các doanh nghiệp doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo ông, đâu là lý do cản trở việc doanh nghiệp thực hiện văn hoá kinh doanh?

Nếu như ở giai đoạn trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam làm việc dựa trên kinh nghiệm, quan hệ và sự nhờ vả lẫn nhau. Thì ở hiện tại, các doanh nghiệp đã chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp làm việc một cách minh bạch phải cần thời gian. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp cũng phải có sự đồng thuận, không những chủ doanh nghiệp mà kể cả nhân viê n, cơ quan chính quyền.

- Tập đoàn Phú Thái là đơn vị thực hiện văn hoá doanh nghiệp rất tốt. Ông có thể cho biết những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này trong bối cảnh mới?

Phú Thái là một tập đoàn đầu tư đa ngành. Chúng tôi hoàn toàn không dựa vào những người nhà hay người quen mà đa số các nhân sự quản lý cao cấp đều là người ngoài. Chúng tôi tạo ra một môi trường làm việc rất công bằng, rõ ràng, minh bạch và cũng khuyến khích nhân viên tích cực đóng góp những đổi mới, sáng tạo để cùng xây dựng tập đoàn phát triển mạnh. Rất nhiều cán bộ chủ chốt đã gắn bó với Phú Thái vài chục năm, thậm chí là từ những ngày đầu thành lập cho tới bây giờ.

- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình để các doanh nghiệp khác thấy rằng, việc xây dựng và thực hiện văn hoá kinh doanh thực sự rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh mới, chứ không phải chỉ mang tính cổ động?

Hiện nay Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do. Việc hội nhập quốc tế, việc doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đó để xuất khẩu khẩu các sản phẩm hay dịch vụ ra nước ngoài là rất cần thiết. Để xuất khẩu ra ngước ngoài, một trong các điều kiện cần phải lưu ý là cam kết về mặt con người, cho lo đến người lao động và tính minh bạch của doanh nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều kiện rất cần thiết để có thể vươn ra thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Cần

    Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Cần "thuốc bổ" cho nền kinh tế phục hồi

    05:30, 24/11/2021

  • Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ

    Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ

    11:00, 21/09/2021

  • Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ!

    Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ!

    20:28, 08/09/2021

Hải Phong (thực hiện)