Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 2) Từ quan trở thành kỹ nghệ số 1 Việt Nam
Tên tuổi và bánh xà bông Cô Ba cùng công ty Trương Văn Bền và các con một thời nổi tiếng và là niềm tự hào của nhiều người dân Việt Nam.
>>Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 1) Vươn lên từ vùng đất sình
Ông là cha đẻ của trào lưu “Người Việt dùng hàng Việt”. Ông không chỉ là tấm gương phát triển kinh tế tư nhân cho người đời sau học hỏi. Ông cũng là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, thương mại. Đến những năm 1950, ông đã đưa cả gia đình qua Pháp sinh sống và đã viết một cuốn hồi ký kể về con đường làm giàu của ông khiến cho người Pháp lẫn người Việt phải nể phục. Cuốn hồi ký ấy hiện nay vẫn được người con gái duy nhất của ông còn sống ở Việt Nam gìn giữ như một báu vật để lưu truyền cho các hậu bối về sau.
Khởi nghiệp từ tiệm tạp...hoá
Theo tiểu thư duy nhất của gia đình họ Trương còn sống tại Việt Nam, cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ thứ 18 phong trào “phản đối triều đại mãn Thanh” luôn tăng cao ở trong nước. Theo đó, người Hoa luôn tìm đường đổ xô sang Việt Nam sinh sống. Tại Sài Gòn-Gia Định nhóm người Hoa chiếm số đông trong cộng đồng di dân tập trung sinh sống ở vùng Chợ Lớn. Ngoài ra, họ còn tập trung sinh sống ở Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hà Tiên. Người hoa thường chuyên cần làm ăn trên vùng đất mới.
Không như một số thông tin đăng tải trước đây, năm 1904 ông Trương Văn Bền chính thức đệ đơn từ chức Thư ký Thượng Thơ trở lại với nghề buôn bán của ông nội và cha. Theo cuốn hồi ký, vào thời điểm ấy ông Trương Quang Thanh (46 tuổi) đã chuyển toàn bộ sản nghiệp cũng như truyền nghề buôn lại cho con trai. Được làm đúng nghề mình ưa thích, người thanh niên Trương Văn Bền lúc ấy như cá gặp nước để thể hiện tài kinh doanh của mình, tôi vui sướng lắm. Để bước vào nghề, lúc đầu ông phải thuê người có tên là Mã Kỵ và trả lương hậu hỉnh để học hỏi kinh nghiệm.
Nhớ ký ức về người cha tỷ phú lừng danh một thời, bà Trương Ngọc Lang cho biết, lúc đầu ông bán đậu phộng, đậu xanh, đường cát... trong một cửa tiệm nhỏ tọa lạc ở số 40 đường Cao Miên (nay là đường Kim Biên). Theo hồi ký, tiệm buôn của ông nằm trong vị trí rất thuận tiện cho việc kinh doanh. Bên hông cửa tiệm có con kênh trên bến dưới thuyền, buôn bán rất tấp nập. Con kênh trước cửa tiệm cũng là nơi đậu của ghe thuyền phục vụ khách thương hồ từ Cao Miên, Nam Vang…mang sản vật cá khô, bắp, sa nhân…đưa hàng về khu vực chợ Lớn tiêu thụ. Bán xong hàng, khách thương hồ lại mua vải vóc, đồ khô chở về theo hướng ngược lại. Bởi vậy, con đường Cao Miên được người dân địa phương gọi tên là đường Cao Miên. Đến năm 1928, do nhu cầu mở rộng địa giới khu vực chợ Lớn nên con kênh đã được lấp lại.
Để có hàng phục vụ khách thương hồ, ngôi nhà số 40 đường Cao Miên, Trương Văn Bền sử dụng làm kho để buôn hàng hoá. Do hàng bán chạy, tiền lãi phải chất thành đống nên Trương Văn Bền rất ham. Không những thế, buổi sáng ông lại tìm đến các cửa hàng bán sĩ của người Tiều, người Phúc Kiến…đem về bán lại cho mấy tiệm tạp hoá ở Chợ Lớn. Chiều đến thì lo đi thu tiền. Tối đến ngồi tính sổ thấy tiền lời mỗi ngày được 10-15 đồng, bằng 5-6 tháng lương so với khi đi làm công chức. Do tiệm làm ăn kinh doanh phát đạt, ông phải thuê một người kế toán, hơn 10 người phu để đi khuân hàng, giao cho khách.
Không dừng lại đó, Trương Văn Bền còn mở rộng mặt hàng, mua đậu phộng, dầu về bán cho người dân trong vùng. Thấy tiền lời nhiều, ông tiếp tục mở rộng thị trường mua sỉ hàng hoá từ các thương gia người Hoa rồi bán lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn. Ở mỗi tiệm tạp hoá, cửa hàng, nhà máy, công ty thi thoảng ông lại đến tìm hiểu thị trường xem món hàng nào đang thu hút khách rồi đến các công ty đặt hàng, đem bán cho người có nhu cầu. Theo đó, công việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt.
Lập xưởng ép dầu
Từ thực tế kinh doanh, Trương Văn Bền nhận thấy nhu cầu ép tinh dầu từ đậu phộng (lạc) của thị trường là rất lớn. Mặt khác, vào thời điểm ấy các cơ sở ép dầu ở Sài Gòn-Gia Định còn quá thô sơ, lạc hậu, chỉ ép dầu bằng cây rất tốn nhân công nên không đủ sản phẩm để cung cấp ra thị trường. Nhận thấy đây là cơ hội làm giàu cho mình, Trương Văn Bền quyết định mở xưởng sản xuất tinh luyện dầu ở Thủ Đức cho riêng mình. Để mở nhà máy, trong đầu ông nãy nở ra ý định, ép đậu phộng bằng máy vừa mau lẹ mà lại đỡ tốn nhân công hơn. Sản phẩm tinh dầu lại tăng gấp chục lần so với các cơ sở đang ép theo phương pháp thủ công.
Nghĩ là làm, năm 1918, ông đã lập xưởng ép dầu dừa. Trương Văn Bền đến gặp ông Lagrange ở Sở Nhà đèn và ông này chỉ cách mua máy ép dầu bằng hơi nước được sản xuất từ Pháp về dùng. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu từ dầu salat (salad oil) đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, máy ép bằng hơi nước cũng chỉ được thiết kế theo kiểu cổ xưa, ép dầu cũng không đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Trong một lần đến thăm xưởng, ông Allatini khuyên ông nên mua máy Mỹ về thay thế cho máy ép bằng hơi nước. Mừng như bắt được vàng, Trương Văn Bền nhờ bạn qua Mỹ mua 6 cái máy. Do máy của Hoa Kỳ sản xuất theo kiểu tối tân, máy ép được liên tục nên sản phẩm không ngừng tăng lên, vừa đỡ tốn nhân công mà lợi nhuận mang lại tăng theo cấp số nhân.
Từ khi có máy ép mới, xưởng ép dầu của ông ngày một ăn nên làm ra. Sản phẩm dầu ép bằng máy của Hoa Kỳ của ông thuộc loại độc quyền ở vùng Sài Gòn-Gia Định. Hàng sản xuất đến đâu thì bán hết đến đó. Theo cuốn hồi ký của ông để lại: “Cứ một nghề ép dầu bằng máy không tôi cũng đủ làm giàu”.
Từ sản xuất dầu dẫn ông đến một mối lương duyên như ông đã từng thừa nhận, “vì công việc ép dầu đã mở ra cho tôi cuộc đời tươi sáng vì quen biết được ông hộ Quản. Khi biết Trương Văn Bền có tài, lại chăm lo làm ăn nên có lòng cảm mến, ngỏ ý muốn gả đứa cháu gái cưng cho ông. Ngày 18-1-1912, một đám cưới hoành tráng và xa hoa vào bậc nhất Sài Gòn-Gia Định lúc bấy giờ đã được diễn ra tại hai nơi Thủ Đức và khu vực Chợ Lớn. Trương Văn Bền chính thức sánh duyên với bà Ba Huỳnh Thị Sửu (tự là Nhiểu), sinh hạ được 4 trai, 1 gái và về sinh sống tại tư dinh số 222, đường Pasteur, quận 3.
Nhưng với bản tính năng động, luôn muốn đi khai phá những điều mới lạ. Một năm sau, do thấy vùng đất Nam Bộ phì nhiêu trù phú thóc gạo, Trương Văn Bền tiếp tục đầu tư nhà máy xay gạo lớn nhất thời bấy giờ ở khu vực Chợ Lớn. Do nhà máy xay gạo mang lại lợi nhuận nhiều, ông tiếp tục đầu tư thêm nhà máy thứ 2 ở Rạch Các. Với bản tính ham công tiếc việc, làm việc quá sức Trương Văn Bền đã lâm bệnh nặng nên phải đi Nhà thương Chợ quán (Bệnh viện Nhiệt Đới ngày nay) mấy tháng nên công việc sản xuất, buôn bán bị đình trệ.
Sau khi khỏi bệnh, ông tiếp tục mở tiệm mỹ phẩm ở đường Ba Lê. Thấy số hên, làm đâu thắng đó ông tiếp tục mở một loạt khách sạn và một tiệm hớt tóc ở Chợ Lớn. Ngay khi một vụ hoả hoạn ở đường Gia Long xảy ra khiến cây cầu sắt bắc qua kênh bị sập, ông cũng chớp lấy cơ hội để làm giàu bằng cách là xin phép nhà chức trách đưa đò giúp giao thông không bị gián đoạn. Tuy nhiên ông lại nghĩ ra cách, đưa đò thì mất công nên lấy hai cây tam bản đấu lại với nhau, ai đi qua phải trả 1 xu. Do không có đường đi nên mỗi ngày mọi người đi qua ông cũng thu được mấy chục ngàn bạc chỉ nhờ có cây cầu tạm.
Khi có tiền, năm 1918, ông tiếp tục mở thêm một cơ sở sản xuất dầu dừa ở Chợ Lớn. Trên báo Écho Annamite ngày 23-2-1922 cũng đăng bài về các sản phẩm dầu của ông. Theo bà Trương Ngọc Lang, vào những năm ấy cha tôi không ngừng mở rộng kinh doanh và lĩnh vực nào cũng hái ra tiền. Từ lập cửa hàng kinh doanh đến lập xưởng ép dầu, nhà máy xay gạo…việc gì cũng thắng.
Trong ký sự Một tháng ở Nam kỳ (1918), nhà báo Phạm Quỳnh viết: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.
Kỳ 3: Làm ruộng nghìn héc ta
Có thể bạn quan tâm