Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 3) Làm ruộng nghìn héc ta
Người miền Bắc từng thán phục ông Bạch Thái Bưởi thì người miền Nam khâm phục ông Trương Văn Bền.
>>Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 2) Từ quan trở thành kỹ nghệ số 1 Việt Nam
Trên con đường kinh doanh, điều đặc biệt là cả hai ông đều không thông qua một trường lớp nào nhưng cả hai ông đều thành công trên thương trường. Điều này chứng tỏ ở Việt Nam “kinh tế tư nhân” một thời kỳ đã phát triển rực rỡ và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Làm ruộng ở Tháp Mười
Trong thập niên 1920, Trương Văn Bền chính thức bước vào lĩnh vực canh nông. Theo cuốn hồi ký ông để lại, ngày ấy ruộng đất ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long rất phì nhiêu nhưng nhiều nơi vẫn chưa được con người khai phá. Nếu đem phương thức sản xuất tiên tiến áp dụng vào nông nghiệp thì cũng sẽ thu về lợi nhuận rất lớn. Nghĩ là làm, năm 1922 Trương Văn Bền quyết định đầu tư 60 nghìn, mua 30 mẫu ruộng (30 héc ta) ở Mỹ Tho với mục đích làm nông nghiệp theo hướng thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay vụ lúa đầu cho thu hoạch đã trừ đi chi phí thuê người cày cấy, cuối vụ cũng cho gia đình ông thu về món lợi nhuận gấp ba lần so với nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Nhận thấy, trồng lúa mang lại lợi nhuận cao, Trương Văn Bền tiếp tục hợp tác với ông Girand (chủ đồn điền cao su có tiếng ở Đồng Nai) bỏ ra 300 nghìn đồng tiếp tục mua thêm 18.000 mẫu ruộng ở Tháp Mười để sản xuất lúa. Hai ông cho rằng, nếu trồng lúa ở Đồng Tháp Mười thì mang lại mối lợi không phải nhỏ.
Có được đất, ông cho người đào kênh, đắp bờ, làm nhà cho công nhân ở. Để thu hút lao động về làm việc cho mình, ông quyết định trả công cao hơn các bưng điền khác. Nhiều người thấy Trương Văn Bền trả công cao, nhiều tá điền địa phương còn bỏ ruộng của mình để về đầu quân cho ông. Theo cuốn ký ức ông để lại, lúa ăn thì tôi cho mượn, lúa giống thì tôi cho vay, tiền sắm quấn áo tôi cũng cho họ tạm ứng trước. Không dừng lại đó, Trương Văn Bền còn nhờ ông Biện Vang (một điền chủ địa phương) chiêu dụ thêm được khá nhiều lao động địa phương. Với người công nhân được ông đầu tư vốn, lúa thì chủ ruộng cho mượn, đồ ăn thì chủ ruộng lo, vừa có ruộng làm, có lúa ăn, có quần áo mặc…thì họ vui sướng lắm.
Để phục vụ người lao động làm việc cho mình, Trương Văn Bền phải làm 3.000 ngôi nhà, lập 3 cái chợ, mướn 200 đôi trâu để phục vụ việc khai khẩn hơn 18.300 héc ta ruộng. Để lúa đạt năng suất cao, ông cho người đắp bờ xung quanh, đặt máy bơm nước. Khi lúa đến kỳ trổ bông chín, ông cho nước cạn ròng, để đất khô. Với khoa học công nghệ tiên tiến được áp dụng vào nông nghiệp, Trương Văn Bền vừa giảm được nhân công, năng suất mang lại khá cao. Mỗi mẫu sau khi thu hoạch đều đạt trên 200 giạ (khoảng 4.000 kg)/héc ta.
Năm 1927, ông cùng một số người khác thành lập Công ty canh nông Tháp Mười (Société Rizicolte du Tháp Mười). Công ty có hơn 10.000 mẫu ruộng và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn gia đình ở miền Tây Nam bộ. Nhận thấy tiềm năng sản xuất lúa gạo ở các tỉnh nhiều, nhưng vẫn chưa có cơ sở nào sản xuất bao tải, Trương Văn Bền liền mở xưởng sản xuất bao bố cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo.
Với việc đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, vai trò của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội. Theo cuốn hồi ký ông kể lại, “hồi đó tôi sướng lắm, mỗi tháng Hội Tháp Mười mỗi tháng trả tôi 2.000 đồng, xe hơi và xăng đi lại do hội lo. Không dừng lại đó, Trương Văn Bền tiếp tục lập hãng rượu cung cấp cho toàn miền Nam mỗi tháng thu về 2.000-3.000 nghìn đồng. Trong khi đó, hãng ép dầu cũng mang về cho gia đình 1.500 đến 2.000 đồng/tháng.
Với mức thu nhập như thế Trương Văn Bền đã có mức thu nhập vào hạng “khủng” ở thời điểm ấy. Mỗi lần từ Tháp Mười về Chợ Lớn lúc nào ông cũng vui vẻ, sảng khoái. Năm 1927, Hội Tháp Mười chính thức được thành lập, bầu ông làm Trưởng hội. Do làm ăn phát đạt, nhiều tiền ông mới lập ra hội cho vay Creditfonojier. Để được cho vay, nông dân phải thế ruộng đất, nhà phố và tiền lãi được tính 2%/tháng. Với hạn mức vay thấp, lại dễ vay nên ai cũng đi vay để đầu tư thêm ruộng. Năm 1929 ông được bầu làm hội viên của Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l’Indochine).
Tư sản dân tộc
Qua những biên bản báo cáo chi tiết các cuộc họp đại hội đồng được công bố mỗi năm của chính phủ Toàn quyền Đông Dương, ta có thể thấy một vài sự kiện thể hiện tinh thần bảo vệ phúc lợi người dân của Trương Văn Bền. Trong quyển báo cáo phát hành năm 1939 về các đề tài tranh luận bỏ phiếu ở Đại hội đồng năm 1938, có viết như sau: Trong cuộc tranh luận giữa các thành viên về thuốc cổ truyền đông y, ông Trương Văn Bền đã phản đối đạo luật của chính phủ ban hành ngày 24-10-1939 hạn chế và quản lý chặt chẽ sự sử dụng thuốc bắc cổ truyền trong quần chúng. Ông nói lên sự bất bình của đa số quần chúng về đạo luật trên. Ông cho rằng, đa số người dân Việt Nam không có khả năng mua thuốc tây và do đó họ đều dùng thuốc ta cổ truyền, mặc dầu có sự lạm dụng của một số đông y sĩ. Một số thành viên trong Đại hội đồng như ông Thương Công Thuận, Trần Văn Kha, Tôn Thất Viên đều ủng hộ ý kiến của ông Trương Văn Bền.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trương Văn Bền còn làm chủ tịch Tổng giám đốc Công ty Canh nông Tháp Mười. Ngoài các công việc chuyên môn như đã kể ở trên, Trương Văn Bền còn là: Phó Chủ tịch Phòng thương mại Nam Kỳ; Hội viên Hội đồng Quản trị lúa gạo Đông Dương; Hội viên Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương; Chủ tịch kiêm thủ quỹ nghiệp đoàn Canh nông Chợ Lớn; Hội viên Hội đồng sản xuất kỹ nghệ. Tuy nhiên, năm 1929-1933 khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.
Theo cuốn hồi ký ông kể lại: “năm 1930 kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng lan qua xứ mình khiến nhiều gia đình tư bản bản dân tộc cũng bị ảnh hưởng dẫn đến việc buôn bán bị đình trệ, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa. Trong khi đó, người nông dân cũng có nhiều thiệt hại và giá lúa bị sụt giảm. Trước đó, 1 cắc tiền đổi được 1 giạ cho 20 kg lúa. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế, lúa không xuất khẩu được nên sụt giảm xuống 1 cắc cho 3 giạ (60 kg). Trong khi đó, nhiều ngân hàng bị phá sản. Những ngân hàng còn lại thì đóng tài khoản, không cho vay. Nhiều chủ đồn điền giàu có vào thời điểm ấy thì mất ruộng, mất nhà cửa, gia sản lâm vào khánh kiệt.
Với vai trò là Hội viên Hội đồng Quản trị lúa gạo Đông Dương, Phó chủ tịch Phòng thương mại Nam Kỳ, Trương Văn Bền cũng nhìn ra nguy cơ của cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Ông đã phối hợp với Hội Canh nông tìm ra phương án cứu vãn các chủ đồn điền, nông gia đang có nguy cơ bị phá sản. Ông cùng mọi người thảo đơn yêu cầu Chính phủ cấp tốc lập ngay một hội cho vay dài hạn Credit along taime để cứu chủ ruộng ở Lục tỉnh Nam kỳ đang có nguy cơ bị siết ruộng.
Để bảo lãnh cho những chủ ruộng không bị siết nợ, ông đã đứng ra ký giấy bảo lãnh cho các chủ ruộng vay 400.000 đồng từ nguồn quỹ Chetty. Do họ không còn khả năng thanh toán, ông phải bán hết đồn điền cao su, đất ruộng để trả thay cho họ. Trong giữa lúc khủng hoảng ấy, Trương Văn Bền phải rút lui về Chợ Lớn để chăm lo lại cho mấy cơ sở ép dầu. Theo cuốn hồi ký ông kể lại: “cuộc khủng hoảng kinh tế thật là rầu, làm cho tôi điên hết cả đầu óc. Cũng nhờ khủng hoảng kinh tế cũng dạy cho tôi một bài học mà cho đến chết tôi cũng không ký giấy bảo lãnh cho ai vay hết nữa. Từ một chủ đồn điền, chủ rượu, chủ xưởng xay gạo, ép dầu…một bước lên xe hơi, ai nấy đều kính nể, Trương Văn Bền gần như bị phá sản.
Giữa lúc khó khăn thì ông nghĩ đến cục xà bông đang được bán rất chạy trên thị trường. Trong khi đó, các hãng xà bông được sản xuất trong nước còn quá ít, không đủ cung cấp cho thị trường. Trong cuốn ký ức Trương Văn Bền cho biết, tôi suy tính cách làm ăn thì làm cái gì cũng phải bỏ ra đồng vốn nhiều, duy chỉ có làm xà bông là một thứ phụ thuộc ở dầu dừa thì các cơ sở của mình có sẵn nhà máy. Làm xà bông vừa đỡ chi phí, giúp ông sau này trở thành đại tỷ phú giữa lúc đất nước đang rơi vào tình trạng đói kém nhất.
Kỳ 4: Cha đẻ của ngành xà bông Việt Nam
Có thể bạn quan tâm