Thượng đỉnh Kim - Trump trước giờ G
Một trong những sân khấu chính trị lớn nhất năm 2018 sắp sửa mở màn, hai diễn viên chính bằng cách nào đó đã truyền tải thông điệp ngoại giao, chính trị tới những nước có liên quan.
Donald Trump mang đến Singgapore tâm lý bực dọc sau hội nghị thượng đỉnh G7 được cho là thất bại lớn nhất trong nhiều năm bằng việc từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị.
Tổng thống Mỹ và các cố vấn sau đó đã chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “phản bội” và “đâm sau lưng”. Ông còn đăng một loạt tweet nhắm vào Canada, Đức và Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc họ thực hành thương mại không công bằng và không chi đủ cho an ninh.
Đó chỉ là chuyện ngoài lề nhưng làm dấy lên đồn đoán ông Trump đang “lên dây cót” để rắn mặt với ông Kim Jong - un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều chỉ còn tính bằng giờ.
Giới quan sát quốc tế đặc biệt lưu tâm đến hành trình của ông Kim, trong đó chiếc Boeing 747 của Air China đã làm nhiệm vụ đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Singgapore.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, truyền thông Trung Quốc đề cập nhiều đến khả năng Trump sẽ ký thỏa thuận kết thúc tình trạng “nguội lạnh” giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đó sẽ vô nghĩa nếu không được tán thành bởi Trung Quốc?
Có thể bạn quan tâm
|
Những lo lắng của ông Tập chỉ là sợ mất ảnh hưởng của mình trên bán đảo Triều Tiên nếu ông Kim ngả theo phía Mỹ.
Trung Quốc chấp nhận làm hoa tiêu cho chuyến hành trình dài 5.000km của lãnh đạo Triều Tiên cho thấy nước này không muốn bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề Triều Tiên. Mặc dù nhiều tháng nay giới chức Trung Quốc ít đưa ra bình luận nào “đáng giá” khi Mỹ - Triều căng thẳng.
Trung Quốc sốt sắng trong vấn đề Triều Tiên cũng chỉ vì sợ mất "quân bài trong tay áo", rất bất lợi cho đất nước đông dân nhất thế giới nếu Hoa Kỳ thu nạp thêm một đồng minh nằm ngay cạnh biên giới.
Chịu “mở cửa” đến Singapore gặp Trump và được dự báo sẽ xuất hiện tại Liên Hợp Quốc trong năm nay, thậm chí sẽ được mời đến Nhà Trắng nếu thượng đỉnh diễn ra suôn sẻ, cho thấy Triều Tiên không còn muốn cố thủ trong bức tường hạt nhân.
Khó khăn kinh tế buộc ông Kim phải mềm mỏng hơn với đối thủ, dĩ nhiên mấu chốt cuộc gặp lịch sử vẫn là vấn đề hạt nhân, nếu gật đầu trước đề nghị của Trump, đất nước Triều Tiên có thể sẽ chuyển hướng nhanh chóng.
Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn cuộc gặp này sẽ có kết quả đột phá, bởi ông Kim thuộc tuýp lãnh đạo thận trọng, còn Trump cá tính, không ưa ngoại giao dài dòng. Vì vậy, cuộc hội đàm được dự báo sẽ căng thẳng chứ không chỉ mang tính “dạo chơi” như hồi lãnh đạo hai miền gặp nhau.
Nơi duy nhất được lợi là nước chủ nhà, họ chi 20 triệu SGD, tương đương 340 tỷ VND cho sự kiện quan trọng này, một con số không hề nhỏ nhưng xứng đáng, nhất là với một quốc gia sống nhờ dịch vụ du lịch và tài chính.
Có lý do chờ đợi vì đây là sự kiện chính trị ngoại giao thú vị, giữa một bên là cường quốc số một thế giới và một bên là đất nước được cho khó khăn chồng chất; một bên có đầy đủ sức mạnh và một bên dường như chỉ còn duy nhất một chiếc “phao cứu sinh”.