Thuế quan của Mỹ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu
Thuế quan của Mỹ đã khơi mào các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu, Canada và thậm chí cả Ấn Độ, đẩy phần lớn thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến thương mại.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ áp đặt mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu vào tháng tới, phản ứng của Bắc Kinh đã nhanh chóng được lên kế hoạch tỉ mỉ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố cam kết áp mức thuế tương tự và công bố một danh sách các mặt hàng bị áp thuế chỉ 5 giờ sau đó.
Doanh nghiệp thiệt hại
Danh sách này bao gồm 659 mặt hàng, nhiều hơn danh sách mà Bắc Kinh đưa ra vào hồi tháng 4. Máy bay đã không nằm trong danh sách mới, thay vào đó là một loạt các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Mặc dù Trung Quốc được cho là sẽ áp thuế đối với nhiều mặt hàng nông sản hơn, các mức thuế đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên là một điều bất ngờ, vì chúng có nguy cơ gia tăng lạm phát ở một nước nhập khẩu ròng cả hai loại nhiên liệu.
Thuế quan trả đũa của Trung Quốc trong các lĩnh vực này được tính toán để gây thiệt hại chính trị cho đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump khi họ tìm kiếm sự ủng hộ từ các cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu này.
Có thể bạn quan tâm
|
Với việc cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn nhượng bộ, các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là những công ty và nông dân trồng đậu nành, một mặt hàng xuất khẩu lớn được Bắc Kinh nhắm vào và hiện nằm danh sách thuế - đang trở nên lo lắng.
"Việc sử dụng thực phẩm làm vũ khí trong các tranh chấp thương mại là mối lo ngại nghiêm trọng", Bill Shipley - Chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Iowa cho biết. "Điều này đe dọa sự an toàn và ổn định của người dân và nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, bao gồm hàng triệu gia đình nông dân Mỹ".
Thuế quan mới của Washington đến sau mức thuế 25% do chính quyền Trump áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu, vốn đã làm tăng giá thép tại Mỹ lên 40% kể từ tháng 1, khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn.
Tổng thống Trump cảnh báo rằng Mỹ "sẽ theo đuổi các mức thuế bổ sung nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp trả đũa. Chính quyền của ông ta đang cân nhắc đánh thuế bổ sung với 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc".
Công ty nghiên cứu Mỹ Oxford Economics ước tính rằng thuế nhập khẩu với 150 tỷ USD hàng hóa của cả hai bên sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của cả hai nước khoảng 0.3% đến 0,4%.
Tranh chấp vượt ra ngoài phạm vi Mỹ - Trung
Tranh chấp thương mại ngày càng vượt ra ngoài phạm vi Mỹ và Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Canada đã công bố kế hoạch áp thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ để trả đũa cho thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 1.4% nếu Mỹ, EU và Trung Quốc thực hiện các hành động gia tăng chi phí giao dịch với tất cả các đối tác lên 10%. Các tài liệu nội bộ từ Phòng Thương mại Mỹ ước tính rằng một cuộc chiến thương mại giữa 3 cường quốc kinh tế sẽ khiến 600.000 việc làm bị mất.
Các thị trường mới nổi cũng đang tham gia vào cuộc xung đột. Ấn Độ đã thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới hôm thứ 5 rằng họ dự định tăng thuế đối với 30 mặt hàng của Mỹ, bao gồm thuế bổ sung 50% đối với xe máy có động cơ trên 800cc. Các mức thuế mới sẽ có hiệu lực sớm nhất là ngày 21/6, theo truyền thông địa phương.
Chính quyền Trump cũng đang cân nhắc áp đặt thuế quan đối với các loại xe nhập khẩu theo cùng một điều khoản an ninh quốc gia được sử dụng cho thuế nhập khẩu thép và nhôm. Một số quan chức dự đoán một quyết định sẽ được đưa ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Thuế quan ô tô tiềm năng đại diện cho một mức độ khác so với thuế quan về thép, vốn chỉ chiếm hơn 1% nhập khẩu của Mỹ. Mỹ nhập khẩu lượng ô tô trị giá 360 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15% tổng số hàng nhập khẩu.
Mức thuế như vậy đe dọa gây thiệt hại kinh tế khổng lồ cho Mỹ cùng với các nhà xuất khẩu ô tô. Các nhà phân tích khu vực tư nhân ước tính rằng mức tăng giá xe hơi Nhật Bản 20% sẽ cắt giảm một nửa xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ và cắt giảm GDP của Nhật Bản uống 0.6%. Dự báo cũng cho thấy giá xe cao hơn sẽ làm giảm 0.5% GDP của Mỹ.