Việc bốc được “lá bài” Triều Tiên trên bàn đàm phán sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra suôn sẻ khiến Trump có thêm tự tin để tuyên chiến với Trung Quốc.
Suy cho cùng chiến tranh thương mại chỉ là thuật ngữ thổi phồng sự vận hành của các quy luật kinh tế. Một khi “cung - cầu” có vấn đề “cạnh tranh” lập tức có mặt để phân xử.
Cạnh tranh thương mại diễn ra mỗi phút mỗi giây trên thị trường, dĩ nhiên những pha đối đầu đủ sức ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu mới thật sự gọi “chiến tranh thương mại”. Mỹ và Trung Quốc là một ví dụ.
Lo ngại xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới dấy lên hồi tháng 3, đó là thời điểm mà Trump còn bận rộn với vấn đề Triều Tiên nên họng súng tạm thời không chĩa về phía Trung Quốc.
Sau hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên đúng 2 ngày, Mỹ lập tức khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp 25% thuế với các mặt hàng Trung Quốc bị cho là “chứa đựng những công nghệ quan trọng trong ngành”.
Thực lực nền kinh tế Trung Quốc với GDP trên 13 ngàn tỷ đô chắc chắn không chịu lép vế, nên chiến tranh thương mại chắc chắn xảy ra trong nay mai. Mỹ có nguy cơ rơi vào “thập diện mai phục” khi vừa gây sự với Mexico, Canada và đầu tàu EU - nước Đức?
Trump có đủ động lực để không hòa nhã thêm được với Trung Quốc là vì thâm hụt thương mại với đối thủ Châu Á ngày càng tăng. Trong vòng 8 năm (2010 – 2017) thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 102 tỷ đôla, trung bình hơn 11 tỷ USD mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm
|
Thâm hụt thương mại có thật sự đáng sợ như ngữ nghĩa của nó? Ví dụ, vào siêu thị mua vài món hàng hết 500 nghìn đồng, như vậy có thể xem là đã “thâm hụt thương mại” ông chủ siêu thị chừng đó tiền?
Ở đây chẳng có sự thâm hụt nào cả, mất 500 nghìn đồng nhưng đổi lại được hàng hóa được mua bán trên nguyên tắc ngang giá. Vậy 102 tỷ đô la của nước Mỹ chẳng phải mất đi đâu cả.
Mặt khác thâm hụt thương mại cho thấy sức mua của nền kinh tế, điều đó có mang lại kích thích lớn cho các nhà sản xuất nội địa tìm cách đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nếu vì thâm hụt thương mại mà Mỹ áp 25% thuế vào hàng Trung Quốc là không danh chính ngôn thuận, đó chẳng khác nào “mượn gió bẻ măng”. Bởi cuộc chiến tranh thương mại nhằm mục đích bảo vệ cán cân xuất nhập khẩu xem ra vô tác dụng.
Những năm 90 khi thâm hụt thương mại lớn nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng 4%, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng 2006 – 2008 lại ít thâm hụt thương mại. Thậm chí Nhật Bản có thặng dư thương mại nhưng kinh tế vẫn đìu hiu.
Vậy chỉ một mục đích duy nhất để Trump áp thuế với các mặt hàng đặc biệt của Trung Quốc là để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Đây mới thực sự là cuộc chiến đội lốt thương mại.
Mới đây Tòa án Liên bang Hoa Kỳ đã tuyên án một công ty Trung Quốc sao chép phần mềm điều khiển hệ thống điện gió khiến nước này thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Trung Quốc nổi tiếng là kẻ “nhanh tay nhanh chân” với các mẫu mã sản phẩm nổi tiếng trên khắp toàn cầu. Đến nỗi thế giới hôm nay có gì mới, qua ngày mai Trung Quốc có y chang, mặc dù chất lượng và thương hiệu chỉ na ná.
Nêu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra toàn diện lúc đó các nước nghèo phải chịu hậu quả kéo theo, nhất là những nền kinh tế thiên về gia công như Việt Nam.
Năm 2018 dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khoảng 100 tỷ đô; với Hoa Kỳ khoảng 50 tỷ đô. Như vậy nếu hàng Trung Quốc xuất đi Mỹ gặp khó thì nguyên phụ liệu từ Việt Nam và các nước khác đến Trung Quốc cũng khó theo.
Tuy nhiên như đã phân tích, Trump chỉ áp thuế với các mặt hàng liên quan đến công nghệ có khả năng bị xâm phạm bản quyền cao. Còn Việt Nam, ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc mạnh nhất là nông sản và khoáng sản thô thì linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng khá, nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu phía Trung Quốc đáp trả lại Mỹ một cách toàn diện hơn thì lúc đó hàng Việt Nam vào Mỹ có bị hệ lụy nhất định. Đến giờ chưa biết Trung Quốc sẽ trả đũa thế nào?
Việc bốc được “lá bài” Triều Tiên trên bàn đàm phán sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra suôn sẻ khiến Trump có thêm tự tin để tuyên chiến với Trung Quốc. Nghịch lý là hai đối thủ lớn nhất lại là hai nền kinh tế phụ thuộc vào nhau nhiều nhất.Chiến tranh thương mại có thể xảy ra nhưng cả hai bên không tự bắn vào chân mình.