Sự nhượng bộ của Mỹ và diệu kế “ngư ông đắc lợi” của Trung Quốc
Donald Trump đã sử dụng đầu óc của một nhà kinh tế hơn là chính trị, quân sự trong vấn đề Triều Tiên, như ông đã khẳng định “chiến tranh là trò chơi tốn kém”
Mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên còn để lại ảnh hưởng dai dẳng, mặc dù hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc nhưng kể từ đây những toán tính của nhóm nước “thứ ba” bắt đầu phát lộ.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất, ai được lợi sau thượng đỉnh Mỹ - Triều? Điều này khiến chúng ta xâu chuỗi lại một loạt sự kiện trước thềm hội nghị này. Hồi tháng 3, Kim Jong - un ít nhất hai lần thân chinh đến Trung Quốc hội kiến Tập Cận Bình.
Tâp Cận Bình tiếp đón nồng hậu Kim jong - un, trái ngược với tình hình căng thẳng trước đó. Giới quan sát đánh giá chuyến thăm này trực tiếp đưa Trung Quốc gia nhập cuộc chơi ngoại giao Triều - Mỹ.
Theo những nội dung được công bố, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc rằng: “Lập trường nhất quán của chúng tôi là cam kết phi hạt nhân hóa, phù hợp với nguyện vọng của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il”.
Thông điệp mà Trung Quốc muốn chuyển đến ông Kim là không muốn nước này tùy tiện thỏa thuận với Mỹ bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Không ai khác chính Bắc Kinh mới là tâm điểm của cuộc chơi.
Ngay lập tức nhà lãnh đạo Triều Tiên tiến tới cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc. Ngay trong hành trình đến Singapore phái đoàn ông Kim được hộ tống bởi chuyên cơ hàng không Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
|
Như vậy bao trùm trong mối quan hệ giữa Mỹ, các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc với Triều Tiên chính là Trung Quốc.
Những cam kết của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên hôm 12/6 được đánh giá là “nhượng bộ”. Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự chung để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện các bước đi vững chắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Một khi Mỹ và các đồng minh không còn các hoạt động quân sự tại Châu Á, không ai khác chính Trung Quốc cảm thấy thảnh thơi nhất. Nhất là những hoạt động trên Biển Đông không bị nhòm ngó.
Thêm nữa, Mỹ giảm số binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc có thể là bước tiếp theo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có được thành công lớn tại cuộc gặp Thượng đỉnh ở Singapore hôm 12/6.
Theo các nguồn tin, một vấn đề quan trọng khác cũng đang được thảo luận giữa Washington và Seoul sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều là việc rút Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ triển khai Hàn Quốc.
Trung Quốc đạt được thành công mỹ mãn sau nhiều nhượng bộ của Mỹ, trong khi đó Trump có thể làm bất mãn các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, làm phá sản chiến lược “gây sức ép tối đa” lên Triều Tiên.
Trung Quốc dĩ nhiên hoan hỉ với kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ngay sau hội nghị này Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu câu nới lỏng các lệnh cấm vận nhắm vàoTriều Tiên như là động thái “tích hợp” sự hòa nhã của Trump.
Donald Trump đã sử dụng đầu óc của một nhà kinh tế hơn là chính trị, quân sự trong vấn đề Triều Tiên, như ông đã khẳng định “chiến tranh là trò chơi tốn kém”. Việc cân bằng lợi ích tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khó có thể giải quyết nếu thiếu đi hơi thở súng đạn.
Xưa nay Trung Quốc luôn chính xác và lạnh lùng trong các diễn biến có ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Đúng như báo giới nước này khẳng định tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên không thể thiếu sự “tán thành” của họ.
Nếu Mỹ giảm ảnh hưởng quân sự tại các đồng minh Châu Á, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ bất ổn mới. Vì ít ra mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đã làm Mỹ suy yếu ở khu vực này.
Xung quanh các nhận định Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” thành công thì ngược lại cái mà nước Mỹ nhận được là gì chưa thật sự rõ ràng. Có chăng chỉ là mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên? Hay còn lá bài ẩm nào đó chưa lật?