Cuộc gặp Trung- Triều hàm ý thông điệp gì cho Mỹ?
Giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm kéo dài 2 ngày vừa qua của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc đã hàm ý một số thông điệp đối với Mỹ.
Trong khi có nhiều ý kiến nghi ngờ về thiện chí phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc có thể là thông điệp hàm ý rằng Bắc Kinh vẫn đang đóng vai trò chủ chốt, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rất cần.
Tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc về cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore tuần trước.
"Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc đã trao đổi quan điểm nghiêm túc về tình hình hiện tại và trong tương lai giữa 2 nước, đồng thời đạt được một sự đồng thuận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", Cơ quan Thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết.
Có thể bạn quan tâm
|
Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông Triều Tiên thường xuyên nhấn mạnh những tiến bộ của quốc gia này trong ngành nông nghiệp và công nghiệp.
Với tình trạng căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề thương mại, một số nhà phân tích cho rằng quan hệ thân thiết giữa ông Kim và ông Tập thông qua chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua như một lời cảnh báo từ ông Tập rằng động thái của ông Trump về thuế quan với Trung Quốc có thể làm suy yếu mục tiêu của Mỹ về việc đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới Trump rằng: Bạn muốn áp thuế quan với chúng tôi hay muốn hợp tác với Triều Tiên? Bạn không thể có cả hai", ông Bill Richardson, Cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, nói với CNN.
Theo Mintaro Oba, cựu quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, vẫn chưa rõ liệu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng đến đàm phán với Triều Tiên hay không, nhưng ông cảnh báo rằng ông Tập có thể rút lại sự hợp tác nếu căng thẳng thương mại Mỹ- Trung tiếp tục gia tăng.
"Trung Quốc vẫn đang cố gắng tạo không gian để rút lui nếu cần", ông Oba nói và nhận định, nếu chính quyền Trump tiếp tục leo thang cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc sẽ khiến quan hệ giữa hai nước thêm sứt mẻ và Trung Quốc có thể sẽ không tiếp tục hợp tác với Mỹ trong việc tạo áp lực lên chế độ Triều Tiên.
Khi ông Trump tiếp tục ca ngợi vai trò của mình trong việc thực hiện "các bước ban đầu hướng tới một thỏa thuận" với Triều Tiên bằng cách thiết lập một mối quan hệ cá nhân với ông Kim, thì ông Trump càng cần thêm các đòn bẩy có thể giúp ông củng cố vị thế đàm phán của mình. "Mối quan hệ của ông Trump với Trung Quốc là một trong số đó", ông Bill Richardson nhận định.
"Tôi tin rằng ông Kim Jong-un đang cố trì hoãn việc phi hạt nhân hóa và làm điều đó theo ý muốn của mình", ông Bill Richardson nói và lưu ý rằng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Trung Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt - một bước đi mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên xem như là một phần thưởng cho việc nối lại quan hệ với Trump.
Mặc dù Trump công khai tuyên bố đã "giải quyết" vấn đề Triều Tiên trong cuộc họp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng thực tế tình hình vẫn còn rất phức tạp khi ông Kim tiếp tục tìm kiếm các đòn bẩy đàm phán từ Trung Quốc.
"Logic của ông Kim khá đơn giản: nhiều lựa chọn hơn, vị thế đàm phán cao hơn", ông Mintaro Oba nói và cho biết, nếu không đàm phán với Mỹ, thì Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc. Và nếu không có Trung Quốc ủng hộ rõ ràng Triều Tiên, thì Mỹ có thể cảm thấy thoải mái từ bỏ ngoại giao và gia tăng áp lực với quốc gia này. Bây giờ, ông Kim có vị thế của một người độc lập, mạnh mẽ và đàm phán với cả Mỹ và Trung Quốc để có được tình hình tốt nhất có thể cho Triều Tiên.