Thổ Nhĩ Kỳ "chìm sâu" vào cuộc khủng khoảng tài chính
Lạm phát tăng cao, đồng nội tệ liên tục giảm giá... là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10/8 kêu gọi người dân nước này bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ đang lao dốc "không phanh". Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giá "kinh hoàng" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế quan áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ nước này. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Ankara khi quốc gia này bắt giữ mục sư người Mỹ.
Ngày thứ Sáu đen tối
Nhiều người cho rằng việc chỉ trong một ngày 10/8, đồng Lira đã “bốc hơi” tới 13% giá trị là một "giọt nước làm tràn ly", đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ. Đây được xem là sự sụt giảm thê thảm nhất của đồng tiền này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2001 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng tin Reteurs, mối quan hệ mỗi lúc một đi xuống giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ là một trong những lý do khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán tháo đồng Lira.
Chỉ tính đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 40%. Đồng tiền này rớt xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 10/8 vừa qua, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ mục sư người Mỹ.
Là một thị trường mới nổi, Thổ Nhĩ Kỳ nằm cạnh Iran, Iraq và Syria, đồng thời là một quốc gia chủ yếu thân phương Tây trong nhiều thập kỷ qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn gia tăng tại một khu vực vốn dĩ đã có quá nhiều biến động.
Có thể bạn quan tâm
Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ có “vực dậy” giá vàng tuần tới?
05:30, 12/08/2018
Sợi của Việt Nam bị áp thuế chống lẩn tránh thuế tại Thổ Nhĩ Kỳ
14:23, 03/07/2018
Khủng hoảng nợ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có phải là một dấu hiệu cảnh báo toàn cầu?
15:08, 16/06/2018
Tổng thống Putin: Vụ ám sát đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ là hành động khiêu khích
10:49, 20/12/2016
Đánh bom kép ở Thổ Nhĩ Kỳ, 15 người thiệt mạng
08:49, 11/12/2016
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng đảo chính để thanh trừng và thay đổi hiến pháp?
11:35, 21/07/2016
Trong một bài phát biểu trước công chúng vào ngày 10/8, ông Erdogan không chỉ đích danh nhưng nói rằng những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ kỳ hai năm trước đã tấn công nước này theo những cách mới kể từ khi ông tái đắc cử Tổng thống cách đây 2 tháng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng kế hoạch đảo chính vào mùa hè năm 2016 được giật dây bởi một giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong ở Mỹ.
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”
Giữa Washington và Ankara hiện đang có nhiều mâu thuẫn, nhưng bất đồng lớn nhất và "nóng" nhất ở thời điểm này nằm ở số phận của mục sư Thiên chúa giáo người Mỹ có tên Andrew Brunson. Bị quản thúc tại gia sau một năm rưỡi bị bắt giữ để chờ kết quả điều tra, mục sư Brunson bị cáo buộc hậu thuẫn một nhóm đứng sau vụ đảo chính bất thành cách đây 2 năm. Tuy nhiên, ông Brunson bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ông. Nếu bị xét xử có tội, ông Brunson phải đối mặt với 35 năm tù.
Trước đó vào ngày 3/8, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vì họ liên quan tới việc điều tra và xét xử mục sư Brunson.
Ngay lập tức, Ankara đã có những động thái đáp trả lại các biện pháp trừng phạt này của Washington. Ngày 4/8, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh đóng băng tài sản của Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt tương tự của Washington liên quan tới việc Ankara giam giữ mục sư Brunson.
"Chúng tôi đã ra chỉ thị đóng băng tài sản của các Bộ trưởng tư pháp và nội vụ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ ", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Ankara và nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn trò chơi mà tất cả các bên đều là người thua cuộc. Việc chuyển một tranh chấp chính trị và tư pháp sang kinh tế là bất lợi cho cả hai nước".
Tổng thống Erdogan khẳng định không muốn can thiệp vào vụ xét xử mục sư người Mỹ. "Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà nước pháp quyền. Nếu ai cản trở Thổ Nhĩ Kỳ bằng ngôn ngữ đe dọa và trừng phạt vô lý là những người không biết gì về đất nước này”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Thuế quan dường như là “con bài” yêu thích của Tổng thống Donald Trump khi ngày 10/8, ông quyết định nâng gấp đôi mức thuế áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lên mức tương ứng 20% và 50% - một động thái mà Ankara cho là đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh rằng đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang lao dốc mạnh so với đồng USD. Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang không tốt".
Không có được trong tay những lợi thế về kinh tế, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có trong tay địa chính trị vô cùng vững chắc. Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ không quân Incirlik được sử dụng bởi lực lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Nước này là một thành viên NATO từ thập niên 1950. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đặt một radar X-band, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của NATO trước Iran.
Tổng thống Erdogan đã rất khẳng khái trong thứ Sáu đen tối vừa qua rằng: "Đừng quên điều này, nếu họ có USD, thì chúng ta có công lý và có Thượng đế. Chúng ta sẽ vượt qua được cuộc chiến tranh kinh tế một cách thành công".
Dù ông Erdogan đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại để giải quyết vấn đề với Washington. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ kỳ Ruhsar Pekcan nói "chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán".
Trong một diễn biến mới đây nhất, Sputnik dẫn nguồn truyền thông trong nước Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, những đám đông đã tụ tập, cùng nhau hôn lên đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đốt cháy đồng đô la Mỹ.
Các đoạn phim xuất hiện trên mạng internet cho thấy người dân Thổ Nhĩ Kỳ công khai đốt hoặc xé rách các đồng bạc xanh của Mỹ. Trong đoạn phim này, một người đàn ông còn dùng bật lửa để đốt đồng 100 USD.