Châu Á và tương lai của thị trường tiền ảo
Nhiều quốc gia châu Á đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt để trở thành thung lũng tiền ảo của khu vực này.
Cuộc đua thành lập các trung tâm tiền ảo tại châu Á đang nóng dần lên trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng quy định, công bố các dự án nhằm thu hút công ty công nghệ tài chính (fintech).
Châu Á – đích đến mới của tiền ảo
Đặc khu kinh tế Cagayan và khu Freeport tại miền Bắc Philippines đang cho xây dựng thung lũng tiền ảo của châu Á, một trung tâm blockchain trị giá khoảng 100 triệu USD, dựa theo mô hình thung lũng tiền ảo Zug tại Thụy Sỹ với những máy ATM cho phép đổi từ tiền mặt lấy các dòng code tương ứng với số tiền Bitcoin.
Ban quản lý Đặc khu kinh tế Cagayan đã nhận được lời cam kết trợ giúp thiết lập dự án từ ít nhất 25 doanh nghiệp công nghệ, bao gồm việc xây dựng trung tâm dữ liệu Internet, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tự cũng như cơ sở đào tạo về blockchain. Theo Giám đốc điều hành CEZA Raul Lambino, dự án này sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm cho lao động địa phương.
Asian Nikkei Review dẫn lời ông Lambino rằng: "sự quan tâm mạnh mẽ từ những doanh nghiệp nước ngoài đối với giải pháp công nghệ tài chính và giao dịch tiền ảo tại đặc khu kinh tế Cagayan đang vượt qua mọi kỳ vọng của chúng tôi”.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng blockchain vào hồ sơ thông minh nhân sự
09:00, 20/08/2018
Nền tảng Blockchain mở của JD.com có gì đặc biệt?
00:11, 20/08/2018
9x từng làm việc ở Google khởi nghiệp với blockchain
04:18, 04/08/2018
Startup làm game 'ngựa ảo' trên nền tảng Blockchain
07:29, 03/08/2018
Startup Binkabi thiết kế lại chuỗi giá trị nông nghiệp với sàn giao dịch blockchain
06:28, 19/07/2018
Lĩnh vực công nghệ blockchain đang khan hiếm nhân sự có kinh nghiệm người Việt
17:28, 10/07/2018
Công nghệ Blockchain nâng tầm nông sản Việt.
22:45, 05/07/2018
Theo Chủ tịch tập đoàn FintechAlliance - ông Lito Villanueva, việc đẩy mạnh hoạt động của những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số đã dẫn tới cuộc đua của các quốc gia châu Á nhằm tạo ra những trung tâm công nghệ tài chính và blockchain.
"Việc các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự đầu tư rất lớn vào lĩnh vực kỹ thuật số chắc chắn sẽ thúc đẩy các quốc gia hành động. Đưa các công ty blockchain và fintech vào môi trường pháp lý rõ ràng, cùng những ưu đãi đầu tư tiềm năng sẽ khiến khu vực này trở nên hấp dẫn hơn", ông Lito Villanueva cho biết.
Asian Nikkei Review dẫn lời Thống đốc đảo Jeju Won Hee-Ryong, rằng blockchain giúp Hàn Quốc dẫn đầu sự phát triển nền tảng Internet toàn cầu. Ông cũng đã bày tỏ mong muốn biến hòn đảo này trở thành một trung tâm trong ngành công nghiệp blockchain và đã đề xuất lên Chính phủ Hàn Quốc về việc thiết lập một khu vực đặc biệt dành cho blockchain và tiền ảo.
Trong năm tới, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ Won, tương đương 4,4 tỷ USD vào 8 dự án thí điểm và phát triển nền kinh tế xây dựng trên dữ liệu lớn.
Trong khi đó, Nhật Bản hiện đang là người dẫn đầu cuộc chơi so với những đối thủ Đông Nam Á khi tiến hành phát triển kinh doanh tiền kỹ thuật số. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã tận dụng công nghệ mới để tiến hành gây quỹ. Tuy vậy, sau vụ tấn công lấy đi hơn 500 triệu USD từ sàn giao dịch Coincheck, nhu cầu bảo vệ nhà đầu tư ngày càng lớn, và chính phủ nước này đang xem xét thắt chặt các quy định quản lý tiền ảo.
Cơ hội cho Việt Nam
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2017, tại Việt Nam tiền ảo là một chủ đề được bàn tán sôi nổi ở mọi diễn đàn, ngay cả những người ngoại đạo với ngành tài chính cũng biết đến Bitcoin, bàn tán về Bitcoin nhiều như vậy.
Nhận định về bitcoin và tiền ảo, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – Thành viên Tổ tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, blockchain là một nền tảng công nghệ có rất nhiều ưu việt. “Việt Nam không nên đi quá trễ trong phát triển công nghệ blockchain. Là một nước đi sau, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và đi tắt đón đầu”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng để blockchain có thể “thành hình”, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá blockchain là một xu thế, là nền tảng công nghệ có tính ưu việt để sớm tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Mặc dù vậy, không nên tách rời blockchain khỏi chiến lược tổng thể về cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, cần sớm tạo ra khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân tăng cường ứng dụng. Tuy nhiên, cần lựa chọn một số lĩnh vực để nghiên cứu và ứng dụng trước như tài chính ngân hàng (thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch chứng khoán…), y tế, giáo dục (đẩy lên một số chương trình đào tạo chuẩn, cấp chứng chỉ, bằng cấp), nông nghiệp (truy xuất hàng hóa, hỗ trợ thông tin dữ liệu làm chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng) và logistics.
Để có thể đón đầu được công nghệ blockchain, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm từ những nước đang triển khai. Việc hợp tác sẽ giúp xử lý các vấn đề xuyên biên giới như an ninh mạng, giao dịch xuyên biên giới, hoạt động về thương mại, đầu tư quốc tế gắn với blockchain. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể cùng các nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ở tầm khu vực nhằm tránh sự mâu thuẫn với các hiệp định đã ký kết.