USMCA đã “trói tay” Thủ tướng Canada như thế nào?
Thủ tướng Canada từ lâu đã muốn có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh. Thế nhưng Hiệp định thương Mại Mỹ-Mexico- Canada (USMCA) dường như đang cản trở tham vọng đó của ông Trudeau.
Một trong những điều khoản của USMCA quy định nếu một quốc gia thành viên nào có ý định đàm phán thương mại với một nền kinh tế phi thị trường, thì phải được sự nhất trí của các thành viên còn lại. Nếu cuộc đàm phán đó dẫn đến một thỏa thuận thương mại mà không được sự nhất trí của tất cả các thành viên khác, thì quốc gia này sẽ tự động bị loại khỏi USMCA. Về cơ bản, mục đích của điều khoản ràng buộc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Nhưng đối với Thủ tướng Trudeau, điều này có nghĩa là Ottawa buộc phải ngậm ngùi không thể thực hiện một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA
11:38, 01/10/2018
Tia hy vọng mới cho NAFTA
04:30, 29/08/2018
Đàm phán NAFTA sẽ bị trì hoãn đến khi nào?
04:50, 02/07/2018
Những bất đồng xoay quanh NAFTA
08:54, 26/10/2017
Canada bị ràng buộc như thế nào?
Điều khoản 32.10 của Hiệp định USMCA cấm các nước thành viên ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước “phi thị trường”. Cụ thể, điều khoản này quy định rằng nếu một trong những đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” như Trung Quốc, thì phải thông báo cho những quốc gia khác 3 tháng trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán đó. Đồng thời, hai quốc gia còn lại có thể rút khỏi hiệp định và hình thành hiệp ước thương mại song phương của riêng họ, tức loại bỏ nước kia ra khỏi hiệp định.
Điều khoản này được cho là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa hậu” để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Ông Matthew Kronby, một luật sư thương mại tại hãng luật Borden Ladner Gervais LLP cho rằng, điều khoản này là một hành vi xâm phạm quyền tự do thương mại của Canada, đây không phải là Hiệp định thương mại tự do.
Thế nhưng, cả Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada - ông Chrystia Freeland, dường như không mấy để tâm tới những ràng buộc của điều khoản này. Thậm chí, Thủ tướng Canada còn phát đi những tín hiệu xoa dịu Bắc Kinh. Thủ tướng Trudeau nói trong một buổi họp báo mới đây tại Ottawa rằng: "Trung Quốc là một quốc gia đi đầu trong nền thương mại toàn cầu và chúng tôi luôn tìm mọi cách để thu hút, tăng cường và cải thiện mối quan hệ kinh doanh của chúng tôi với Bắc Kinh".
Washington đang thành lập liên minh thương mại, sẵn sàn đối đầu với Trung Quốc, và xem các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia khác như một cách để thiết lập liên minh này.
Tuần trước, ông Trump đã ký một thỏa thuận thương mại sửa đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng nhất trí bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau nhiều tháng Tokyo khước từ.
"Cuối cùng, Mỹ và các nước đồng minh đã cùng nhau hành động và quyết định rằng họ không thể chiến thắng tất cả các cuộc chiến, vì thế họ đã điều đình với nhau để đối phó với Trung Quốc", ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đánh giá.
Mong muốn của Mỹ
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến có bài phát biểu nhấn mạnh điều mà Mỹ tuyên bố là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào chính trị và bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới của Mỹ, trong khi các cuộc đàm phán an ninh giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc đã bị hủy bỏ.
Ông Michael Pillsbury – chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Hudson, người thường xuyên tư vấn cho Nhà Trắng, so sánh chiến lược của Trump với việc chơi cờ vây: "Khi bạn bị bao vây, bạn sẽ thấy đến lúc phải nhượng bộ".
Hiện chưa có lịch đàm phán chính thức giữa Mỹ với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng. Tại cuộc họp báo ngày 1/10 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết chưa đến thời gian chín muồi để đàm phán và sẽ tiếp tục đe dọa áp thêm thuế với hàng Trung Quốc. Thế nhưng, hiện các bên trung gian vẫn tiếp tục thúc đẩy đàm phán giữa hai quốc gia. Ông Pillsbury đã gặp gỡ Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá – ông Vương Huy Diệu, vốn được xem là người có mối gần gũi với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại một cuộc họp gần đây ở Viện Hudson, ông Vương Diệu Huy đã đưa ra một loạt gợi ý để chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, bao gồm việc Trung Quốc cam kết mua thêm 70 tỷ USD hàng hóa Mỹ, khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều hàng hóa Mỹ trực tuyến hơn và cho phép các công ty nước ngoài có nhiều vai trò hơn trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc, được gọi là "Made in China 2025".
Ông Pillsbury cho rằng, đề xuất trên của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa là "mang tính xây dựng, nhưng chúng không đủ để khiến Mỹ thỏa mãn".