Mỹ tạo liên minh mới chống Trung Quốc

HÀN GIA BẢO 11/10/2018 11:04

Việc Mỹ ký kết Hiệp định thương mại USMCA với Mexico và Canada có gài thêm điều khoản đặc biệt là tiền lệ để tiến tới đàm phàn với các đối tác nhằm tạo liên minh thương mại cô lập Trung Quốc.

Điều khoản đặc biệt nói trên sẽ cho Mỹ quyền phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Canada hoặc Mexico trong việc thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với một nền kinh tế phi thị trường.

p/Mỹ đã cùng Mexico, Canada ký kết Hiệp định thương mại USMCA, thay thế cho NAFTA trước đây. (Tổng thống Donald Trump nói về USMCA trong Vườn Hoa hồng vào ngày 1/10/2018. Ảnh: Getty Images)

Mỹ đã cùng Mexico, Canada ký kết Hiệp định thương mại USMCA, thay thế cho NAFTA trước đây. (Tổng thống Donald Trump nói về USMCA trong Vườn Hoa hồng vào ngày 1/10/2018. Ảnh: Getty Images)

Tạo thêm nhiều việc làm

Theo USMCA, nông dân Mỹ sẽ được tiếp cận 3,5% thị trường sữa Canada trị giá 16 tỷ USD mỗi năm, trong khi một điều khoản khác quy định rằng khoảng 40% linh kiện cho xe hơi được sản xuất trong khu vực Bắc Mỹ, nơi các công nhân trong ngành công nghiệp này phải được trả lương ít nhất 16 USD/giờ, để một nhà sản xuất ôtô được miễn thuế theo quy định của hiệp định này.

Có thể bạn quan tâm

  • USMCA đã “trói tay” Thủ tướng Canada như thế nào?

    USMCA đã “trói tay” Thủ tướng Canada như thế nào?

    04:30, 06/10/2018

  • Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA

    Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA

    11:38, 01/10/2018

  • Tia hy vọng mới cho NAFTA

    Tia hy vọng mới cho NAFTA

    04:30, 29/08/2018

  • Đàm phán NAFTA sẽ bị trì hoãn đến khi nào?

    Đàm phán NAFTA sẽ bị trì hoãn đến khi nào?

    04:50, 02/07/2018

  • Những bất đồng xoay quanh NAFTA

    Những bất đồng xoay quanh NAFTA

    08:54, 26/10/2017

Bà Meredith Crowley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Đại học Cambridge, cho rằng, thỏa thuận về sữa cho thấy Canada đã làm tốt trong việc đàm phán thỏa thuận. Việc đặt mức lương tối thiểu cho các công nhân chế tạo xe hơi có thể dẫn đến các điều khoản tương tự trong các thỏa thuận thương mại khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể sẽ tiếp tục đàm phán FTA với EU, Nhật Bản... theo hướng gài điều khoản đặc biệt như quy định trong USMCA để tạo liên minh thương mại chống Trung Quốc.

Ông Trump cho biết, thỏa thuận này là một chiến thắng cho nông dân, công nhân xe hơi và ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ. “Hiệp định này đem lại nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ", ông Trump nhấn mạnh.

Về phần mình, Canada cũng được phía Mỹ nhượng bộ khi đồng ý duy trì một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Canada đang cố gắng bảo vệ các nhà sản xuất gỗ xẻ khỏi thuế chống bán phá giá áp đặt bởi Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, Canada đã thực hiện một số thỏa hiệp khó khăn. Ngành công nghiệp bơ sữa của Canada đã chỉ trích ông về việc cho hàng nhập khẩu Mỹ tiếp cận thị trường nội địa nhiều hơn.

Liên minh chống Trung Quốc

Nếu một trong những thành viên của USMCA tham gia một FTA với một nước "phi thị trường" như Trung Quốc, những nước khác có thể rút khỏi hiệp định trong vòng 6 tháng và hình thành hiệp định thương mại song phương của riêng mình. Điều này đã gây tranh cãi ở Canada, nhưng lại phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các Cty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm "cửa hậu" để giao hàng miễn thuế cho Mỹ.

Ông Derek Scissors, một học giả về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho rằng điều khoản này cho phép chính quyền Trump thực hiện quyền phủ quyết đối với bất kỳ FTA nào của Canada hay Mexico với Trung Quốc. “Không có FTA nào của Canada và Mexico với Trung Quốc đủ xứng đáng để đánh mất một USMCA đầy tiềm năng”, ông Scissors nhấn mạnh.

Cho đến nay, Trung Quốc đã ký 16 FTA song phương, nhưng chưa có thỏa thuận thương mại nào với Canada, Mexico, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ. Bởi vậy, nếu điều khoản đặc biệt nói trên được lặp lại trong các FTA khác của Hoa Kỳ với các nước nói trên, thì Mỹ có thể cô lập Bắc Kinh trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông Song Eui-young, Giáo sư kinh tế tại Đại học Sogang ở Seoul, nhận định điều khoản mới này là dấu hiệu cho thấy Washington mong muốn tạo ra một "liên minh kinh tế" chống lại Trung Quốc.

Việt Nam cần sàng lọc kỹ vốn FDI

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, kể cả các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều đó có nguy cơ dẫn tới việc những dự án đầu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, quy mô nhỏ… sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Chúng ta cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cảnh báo thêm một rủi ro nữa là môi trường tài chính tiền tệ của Việt Nam sẽ có những diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư sẽ đảo chiều, thay đổi, tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam.

HÀN GIA BẢO