“Đòn gió” của Trung Quốc với CPTPP?
Việc Trung Quốc ngỏ ý tham gia CPTPP có thể chỉ là “đòn gió” để các nước thành viên CPTPP không dễ đạt được thỏa thuận cho Mỹ tham gia Hiệp định này hay không.
Mới đây, một quan chức Trung Quốc dấu tên cho biết nước này đang xem xét khả năng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Lý do chưa tham gia TPP
Nhìn vào cả lợi ích chiến lược lẫn kinh tế đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy quan điểm, thái độ không quan tâm của Trung Quốc đối với TPP không có gì là phi lôgic. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, lại đang bị Mỹ vừa o ép trên nhiều phương diện, vừa cạnh tranh chiến lược lâu dài rất quyết liệt nên không thể có chuyện cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều ở trong một khu vực mậu dịch tự do đa phương. Bởi vì, một khu rừng không thể có đồng thời hai chúa sơn lâm.
Mỹ chủ xướng TPP, trong khi Trung Quốc chủ xướng những dự án lớn khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sáng kiến “Vành đai và Con đường” với cách tiếp cận và mục tiêu chiến lược cũng như nội dung cụ thể rất khác nhau. Mỹ không tham gia vào những kế hoạch hợp tác và liên kết khu vực, châu lục của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có quan điểm như vậy đối với những kế hoạch do Mỹ dẫn dắt. Mỹ gây dựng cuộc chơi riêng của mình trên thế giới thì Trung Quốc cũng vậy.
Nếu bây giờ Trung Quốc mới đề nghị tham gia CPTPP, quốc gia này có thể sẽ không còn cơ hội dẫn dắt cuộc chơi này và phải chấp nhận luật chơi đã được 11 nước thành viên thoả thuận với nhau.
Nếu Trung Quốc tham gia Hiệp định TPP ngay từ đầu, thì mới có thể cùng định ra luật chơi và có được cơ hội gây dựng nên vai trò dẫn dắt trong cuộc chơi đó. Tuy nhiên, nếu bây giờ mới tham gia CPTPP, Trung Quốc có thể sẽ không còn cơ hội ấy nữa và phải chấp nhận luật chơi đã được 11 nước thành viên của Hiệp định thoả thuận với nhau.
Tham vọng của Trung Quốc?
Việc tỏ ý tham gia CPTPP một cách không chính thức của Trung Quốc thực sự không phải là phép thử hay thăm dò dư luận, mà có thể chỉ là một cú đòn gió.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam tham gia CPTPP: Cơ hội mở rộng thị trường!
05:00, 19/10/2018
Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP
18:58, 18/10/2018
CPTPP: “Sân khấu” trình diễn chất lượng cao
11:07, 17/10/2018
CPTPP về tổng thể có lợi cho Việt Nam
05:00, 17/10/2018
Trung Quốc hiện đang bị Mỹ gây sức ép và phải tìm cách vừa đáp trả vừa đối phó Mỹ. Trung Quốc có không ít con chủ bài để làm việc này nhưng số lượng không phải không hạn chế và Trung Quốc không thể không phải tính đến việc đối đầu dài hạn với Mỹ. Tuy là đòn gió, nhưng cú đòn gió ấy vẫn có tác dụng không hề nhỏ đối với Trung Quốc, vừa giúp nước này chia rẽ các đối tác với Mỹ, vừa khiến 11 thành viên hiện tại của CPTPP dè dặt hơn với khả năng Mỹ trở lại.
Giống như Trung Quốc, Mỹ sẽ không tham gia vào CPTPP với nội dung thoả thuận như hiện tại. Sẽ không có chuyện cả hai cùng “nhập gia CPTPP”, mà chấp nhận "tuỳ tục Hiệp định này". Nếu có ý định tham gia thực sự thì cả hai chắc chắn sẽ ép buộc 11 nước kia đàm phán lại với họ.
Ở đây có hai điều đáng chú ý. Thứ nhất, tham gia CPTPP hiện không phải là mục đích của Trung Quốc nhưng sự ngỏ ý lấp lửng của quốc gia này báo hiệu khả năng Trung Quốc có thể đã hoặc đang tính đến khả năng đứng ra vận động các đối tác cùng nhau hình thành khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương mới, đương nhiên với vai trò như Mỹ đã từng đảm trách và có được với TPP. Chỉ cần Trung Quốc chủ động đề xướng, có thể sẽ có không ít đối tác tham gia, bởi như thế đâu có khác gì được ăn cỗ ở nhiều mâm, và có điều kiện thực hiện lợi ích riêng một cách tốt nhất.
Thứ hai, sự tham gia của Trung Quốc vào CPTPP - khi ấy chắc chắn CPTPP không còn như hiện tại nữa - sẽ làm gia tăng đáng kể hiệu lực và giá trị thực tiễn của Hiệp định. Nếu quá trình đàm phán kết thúc thành công, thì thoả thuận mới giữa 11 thành viên hiện tại của CPTPP và Trung Quốc chắc chắn sẽ tốt hơn và có lợi hơn cho tất cả so với CPTPP hiện tại. Nhưng đó mới chỉ là khả năng trên lý thuyết, còn trên thực tế có thể sẽ có những thách thức khi một số quốc gia đang thận trọng trong hợp tác với Trung Quốc.