Bầu cử giữa kỳ và những ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
Mọi biến cố chính trị vào thời điểm nhạy cảm này đều có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến kinh tế Mỹ, qua đó tác động đến kinh tế toàn cầu.
Chính trường Mỹ đang nóng lên từng ngày trước bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới. Cuộc bầu cử này vẫn là cuộc song tấu giữa hai đảng chính trị Dân chủ và Cộng hòa.
Tổng thống Trump đương nhiên không muốn đảng Cộng hòa mất kiểm soát lưỡng viện vào tay Đảng dân chủ. Vì vậy, Hạ viện và Thượng viện chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc bầu cử này.
Sâu rộng hơn, mọi quyết định chính trị vào thời điểm nhạy cảm này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Mỹ, cũng như kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ dù đã giảm xuống 3,5% trong quý 3, so với mức 4,2% trong quý 2, nhưng vẫn ở mức cao; lạm phát được kiểm soát ở mức 2%, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, khoảng 3,7%. Thành quả này ông Trump thừa hưởng một phần lớn từ người tiền nhiệm Obama trong 10 năm cầm quyền.
Có thể bạn quan tâm
[eMagazine] Kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump
12:01, 21/09/2018
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ra sao?
11:20, 30/08/2018
Washington đang thổi bùng nền kinh tế Mỹ
12:19, 23/02/2018
Cẩn trọng với thâm hụt kép của kinh tế Mỹ
09:44, 15/02/2018
Nếu đảng Cộng hòa giữ được Hạ viện và Thượng viện, chính sách thuế hỗ trợ tăng trưởng và các cải cách về quản lý kinh tế được ban hành cho đến nay sẽ tiếp tục được duy trì và thậm chí có thể được mở rộng. Ngoài ra, các thẩm phán liên bang có xu hướng bảo thủ sẽ tiếp tục được bổ nhiệm.
“Thuế hỗ trợ tăng trưởng” là chính sách kinh tế nổi bật của Nhà trắng trong vòng 30 năm trở lại đây, ông Trump còn hân hoan tuyên bố “chúng ta đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” sau chiến thắng này.
Theo đó, thuế doanh nghiệp ở Mỹ giảm từ 35% xuống còn 21%. Từ điều chỉnh này, một loạt các quốc gia châu Á đã phải thay đổi theo để giữ chân các doanh nghiệp Mỹ không hồi hương vốn về nước.
Bắc Kinh không hài lòng với “trò chơi thuế” của Washington, vì các doanh nghiệp sẽ “xem xét lại” ưu đãi của nước này và có thể cân nhắc dời sang Mỹ. Chính sách tài khóa của Trump cũng đã tác động ngay tức thì đến chính sách thuế ở những nền kinh tế lớn, như Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức...
Khoảng 54% người dân Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển rất tốt hoặc tuyệt vời. Điều này cho thấy, người dân Mỹ lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Triển vọng tăng trưởng gia tăng ở Mỹ có thể cũng đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), gây sức ép lên chính sách tiền tệ quốc tế, tác động bất lợi lên thị trường chứng khoán.
Cuộc chiến cam go nhất của Nhà trắng vào lúc này là chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Để lấy phiếu trước cử tri ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump phải cho thấy lợi ích của nước Mỹ trong cuộc chiến này. Đó là lý do để Washington liên tiếp tấn công Bắc Kinh, thoạt đầu bằng công cụ thuế và hiện giờ là đòn cấm vận.
Thái độ “rắn mặt” của Tổng thống Mỹ trên nhiều diễn đàn quốc tế càng cho thấy Nhà trắng chưa bao giờ muốn hết ảnh hưởng sâu rộng lên phần còn lại của thế giới: Cỗ vũ thương mại song phương, tăng cường chỉ trích Châu âu, căng thẳng quan hệ với Nga…về sâu xa phần nào bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chính trị nội bộ.
Nếu đảng Cộng hòa của ông Trump mất kiểm soát lưỡng viện đồng nghĩa với nhiều chính sách của Nhà trắng có thể bị bác bỏ, tuy nhiên ảnh hưởng thế nào đến kinh tế vẫn là kết quả khó đoán định.
Điều này có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là sự đối lập chính sách giữa hai đảng, ông Trump từng rất khó khăn để thuyết phục Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế doanh nghiệp trước sự phản đối của đảng Dân chủ.
Hơn thế nữa, “bác bỏ” dường như là thứ “đặc sản” ở chính trị Mỹ, mà chính ông Trump là tác giả xuất sắc nhất. Bằng chứng là sau khi đắc cử hồi năm 2016 đến nay, ông Trump đã bác bỏ hàng loạt chính sách quan trọng của người tiền nhiệm, kể cả cam kết của Regan cách đây 30 năm vẫn bị đem ra xem xét lại.
Đảng Dân chủ cần thêm ít nhất 23 ghế để kiểm soát Hạ viện, 51/49 ghế để nắm giữ Thượng viện - những nơi có thể khởi phát tiến trình luận tội Tổng thống theo Tu chính án 25 trong Hiến pháp Mỹ.
Ra đời từ năm 1967, Tu chính án 25 mới áp dụng 2 lần dưới thời ông R. Regan và George W. Bush nhưng không phải vì lý do chính trị. Lịch sử phế quyền Tổng thống chưa có tiền lệ từ khi Hiến pháp Mỹ có quy định này. Lịch sử đang ủng hộ cá nhân ông Trump.
Quan trọng hơn, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, làn sóng chống nội các đương nhiệm không lan rộng trong xã hội. Mặc dù vậy, cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới sẽ có nhiều kịch tính và bất ngờ xảy ra.