Nguy cơ suy thoái kinh tế Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang khiến nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng hơn so với dự kiến trước đó.
Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới về vấn đề này.
TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng, mặc dù tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại chỉ diễn ra trong ngắn hạn nhưng đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, thậm chí tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới.
- Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc?
Sau 2 năm tăng trưởng nhanh, kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái. Vừa qua, GDP quý III/2018 của nước này được công bố chỉ đạt 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6,7% của quý II và cũng thấp hơn mức dự báo 6,6%. Đây cũng là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Trung Quốc suy giảm vì chiến tranh thương mại
07:27, 21/10/2018
Đất hiếm sẽ trở thành “vũ khí” mới trong chiến tranh thương mại?
06:00, 20/10/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bao giờ mới đến hồi kết?
04:27, 19/10/2018
Chiến tranh thương mại và cơ hội cho Việt Nam
06:30, 16/10/2018
Đầu tư cổ phiếu theo chiến tranh thương mại
11:01, 06/10/2018
Chiến tranh thương mại (Kỳ cuối): Tìm “bãi đáp” ở đâu?
04:37, 05/10/2018
Chiến tranh thương mại (Kỳ I): Cái sảy có nảy cái ung?
11:06, 04/10/2018
Sản xuất của Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến tranh thương mại
04:30, 01/10/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và cơ hội cho đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam
06:00, 28/09/2018
Đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu giảm mạnh. Với mức độ phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, kinh tế Trung Quốc đã và đang chịu tác động tiêu cực nhiều hơn so với Mỹ trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước. Việc chính quyền Trump áp thuế cao khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm trông thấy.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng triệt thoái khỏi Trung Quốc. Các Cty nước ngoài đã và đang xem xét việc di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để sản phẩm của họ tránh được mức thuế cao khi xuất sang Mỹ do có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.
Một điểm đáng chú ý là đồng nhân dân tệ (CNY) cũng liên tục giảm giá so với đồng USD và nhiều tín hiệu cho thấy CNY rất có thể rơi vào tình trạng mất giá mạnh hơn nữa. Như vậy, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã làm nền kinh tế Trung Quốc bị “tổn thương" nghiêm trọng.
- Nhiều chuyên gia dự báo, chiến tranh thương mại sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng nguy cơ khủng hoảng kinh tế đang diễn ra với kinh tế Trung Quốc. Với tình hình diễn biến còn phức tạp hơn nữa, kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn hơn nữa.
Hiện nay, kinh tế Trung Quốc dựa trên tín dụng, nợ nần và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong khi đó, công nghệ của Trung Quốc chưa phát triển mạnh. Do đó khi gặp cú sốc chiến tranh thương mại với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
Sau khi áp thuế 250 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tiếp tục áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, những biến động khó lường trên thị trường tài chính Trung Quốc sẽ gây ra tâm lý hoảng loạn cho các nhà đầu tư, dẫn đến việc rút vốn và tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.
- Nếu Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, sẽ tác động như thế nào đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng? Việt Nam cần làm gì để phòng ngừa tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này?
Những cú sốc kinh tế ở Trung Quốc do cuộc chiến thương mại gây ra sẽ kéo theo các thị trường mới nổi đi xuống vì các nước này đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Đây cũng là nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới và nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ khiến giá nguyên liệu và năng lượng giảm xuống.
Những nước láng giềng với các chuỗi cung ứng tích hợp như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa như Australia, Canada, Brazil, Indonesia... cũng đứng trước nguy cơ mất đi thị trường quan trọng.
Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc vẫn đang tăng, nhưng cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc sẽ làm giảm xuất khẩu của các nước phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu dầu mỏ, kim loại, vật liệu và máy công cụ của Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, do nền kinh tế của nước ta có sự gắn kết khá chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, nên khi nền kinh tế Trung Quốc bị suy giảm, Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Việc Trung Quốc phá giá CNY cũng đã có tác động đáng kể khi Việt Nam cũng phải chịu áp lực lớn dẫn đến việc phải phá giá VND để hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.
- Theo ông, trong thời gian trước mắt, Việt Nam cần có giải pháp gì để tránh tác động tiêu cực, cũng như tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?
Hện tại, Việt Nam đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi về tỷ giá, lãi suất… Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ còn diễn biến khó lường. Do đó, chúng ta vẫn cần tăng cường khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam.
Về thương mại, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời đẩy nhanh tiến trình ký kết các FTA với các quốc gia, khu vực quan trọng như EU, Nhật Bản... để đảm bảo tính ổn định của các thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Ngoài ra, mức độ quan trọng của CNY cũng cần được nâng lên trong những quyết định về tỷ giá để có những điều chỉnh hợp lý giữa CNY và VND. Đồng thời, các chính sách lãi suất cũng cần tập trung nhiều hơn vào sự ổn định vĩ mô, thay vì nhấn mạnh đến tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!