Kỳ vọng gì sau cuộc điện đàm Mỹ - Trung?
Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ- Trung đã bớt "nóng" sau cuộc điện đàm vừa qua giữa ông Trump và ông Tập, nhưng hai bên vẫn còn nhiều bất đồng cần giải quyết trước khi kết thúc chiến tranh thương mại.
Tín hiệu tích cực
Cuộc điện đàm vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cuộc thảo luận được công bố lần đầu tiên trong 6 tháng qua. Cả hai bên đều cho biết đây là cuộc thảo luận mang tính xây dựng, liên quan đến nhiều vấn đề như Triều Tiên, giải quyết bất đồng thương mại...
Tổng thống Trump đã ủng hộ xây dựng "liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình" cũng như những nỗ lực chung để chuẩn bị cho cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra từ 30/11 đến 1/12 tại Argentina.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Trung Quốc suy giảm vì chiến tranh thương mại
07:27, 21/10/2018
Đất hiếm sẽ trở thành “vũ khí” mới trong chiến tranh thương mại?
06:00, 20/10/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bao giờ mới đến hồi kết?
04:27, 19/10/2018
Chiến tranh thương mại và cơ hội cho Việt Nam
06:30, 16/10/2018
"Hiểm họa" đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ- Trung
04:20, 15/10/2018
Đầu tư cổ phiếu theo chiến tranh thương mại
11:01, 06/10/2018
Chiến tranh thương mại (Kỳ cuối): Tìm “bãi đáp” ở đâu?
04:37, 05/10/2018
Chiến tranh thương mại (Kỳ I): Cái sảy có nảy cái ung?
11:06, 04/10/2018
Sản xuất của Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến tranh thương mại
04:30, 01/10/2018
Ngoài ra, bài viết của ông Trump đăng trên Twitter vào ngày 1/11 vừa qua là bằng chứng về điều đó. Theo ông Lanhee Chen, chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Hoover nhận định, các tweet của Trump về cuộc hội thoại tích cực Chủ tịch Trung Quốc là một trong những tín hiệu cho thấy, Nhà Trắng thực sự mong muốn giải quyết tranh chấp đang diễn ra với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump thực sự muốn có được một thỏa thuận với Trung Quốc tại một số điểm," ông Chen cho biết.
Ngoài bài đăng trên Twitter, ông Chen đã chỉ ra rằng, Nhà Trắng đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp của Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới. Trên thực tế, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp Mỹ - Trung trong tweet gần đây của ông và nói rằng các cuộc thảo luận thương mại đang được sắp xếp theo đúng kế hoạch mà ông Trump mong muốn.
Dù đây là một tín hiệu mong manh, nhưng giới quan sát cho rằng thị trường có thể coi đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh cuộc chiến thương mại vẫn trong tình trạng "nóng". Tổng thống Trump đã yêu cầu các quan chức bắt đầu dự thảo các điều khoản trong một thỏa thuận thương mại đầy tiềm năng giữa hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có thể thúc đẩy một mối quan hệ ổn định và lành mạnh sau cuộc gặp sắp tới giữa 2 nhà lãnh đạo tại Argentina.
Trước những tín hiệu tích cực nói trên, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đã tăng điểm khá mạnh, trong đó Hang Seng Index đã tăng 4% trong phiên giao dịch ngày hôm nay, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, Shanghai Composite index cũng đã tăng hơn 2%. Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán của các quốc gia châu Á cũng tăng khá mạnh, như Nikkei tăng 2,6%; Kospi tăng 3,5%...
Bất đồng khó giải quyết
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận đầy đủ sẽ cần một chặng đường dài. Trên thực tế, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không nêu rõ bất kỳ chi tiết nào cho thấy họ đã thực sự đạt được tiến bộ trong cuộc điện đàm vừa qua.
Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không thể tiếp tục cho đến khi Bắc Kinh đưa ra những hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ về những thay đổi sâu rộng liên quan đến chính sách chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, tiếp cận thị trường... Đặc biệt, hiện không rõ liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng nới lỏng các quy định của Hoa Kỳ về việc chống đánh cắp tài sản trí tuệ đối với Trung Quốc hay không.
Nhóm chuyên gia của Eurasia Group cho rằng, hiện vẫn còn khá nhiều bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù những tín hiệu tích cực từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập vừa qua, cũng như những dòng tweet của Trump. Bên cạnh đó, nội bộ chính quyền Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng về việc giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc. Do đó, Tổng thống Mỹ có khá nhiều áp lực khi thỏa thuận với Bắc Kinh.
"Trong các cuộc đàm phán vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Trump hành xử khá thân tình với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng ngay sau đó ông đã nhanh chóng thay đổi suy nghĩ của mình khi các cố vấn thương mại thuyết phục rằng Hoa Kỳ có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn bằng cách tiếp tục gây áp lực. Bởi vậy, chưa có gì chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về bất đồng thương mại trong thời gian tới”, các nhà phân tích của Eurasia nhấn mạnh.
Một số ý kiến cho rằng, Trump đang nỗ lực vận động các cử tri bầu cho các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Do đó, việc Trump "hạ nhiệt" chiến tranh thương mại Mỹ- Trung được cho là nhằm giành thêm sự ủng hộ của các cử tri đang bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại.