Nhiều dư địa cho hợp tác Việt - Nga
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, 2 chuyến thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo Việt- Nga đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện của hai nước.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày đầu tuần này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định: "Các Cty dầu khí và năng lượng hai bên hợp tác rất thành công và mong muốn tiếp tục triển khai các dự án sắp tới với sự tham gia của các tập đoàn lớn hai nước”.
Đẩy mạnh hợp tác năng lượng
Cách đây 3 tháng khi thăm chính thức Liên bang Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, dư địa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng còn rất lớn. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng, năng lượng, điện là rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt - Nga hợp tác "sâu" trong lĩnh vực nông sản
07:54, 16/11/2018
Cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt - Nga
15:07, 19/09/2018
Việt - Nga thời hậu FTA
13:16, 19/05/2016
Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga
09:33, 17/05/2016
Còn nhiều khó khăn trong quan hệ thương mại Việt - Nga
20:12, 16/11/2015
Doanh nghiệp Việt - Nga: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao
16:01, 29/09/2015
Còn nhớ, trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2015, Thủ tướng D.Medvedev đã khẳng định, hai nước ngoài việc trao đổi thành phẩm và bán thành phẩm như dầu mỏ và khí đốt, cần mở rộng sang lĩnh vực chế biến nhiên liệu - năng lượng.
Và ở lần này, sự khẳng định của ông Medvedev đã thêm niềm tin để các doanh nghiệp năng lượng hai nước đẩy mạnh hợp tác: "Các Cty dầu khí và năng lượng của Nga và Việt Nam đang hợp tác thành công. Chúng tôi mong quan hệ đó tiếp tục được củng cố. Vì thế, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thành công các dự án chung tại Nga và Việt Nam, với sự tham gia của các tập đoàn như Gazprom, Rosneft, Zarubezneft và PetroVietnam", ông Medvedev nhấn mạnh.
Việc triển khai FTA giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam sẽ là cơ hội nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Việt Nam lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Cũng phải nhắc lại, trong quá khứ, năng lượng chính là lĩnh vực mà hai nước đã có nhiều sự hợp tác thành công. Chẳng hạn như: Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, và hàng loạt các liên doanh Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí như: Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom... Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, Cty dầu khí Nga cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam như: Zarubezhneft, Gazprom, Rosneft, Lukoil… Các Cty này đang phát triển và mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, tham gia các dự án đầu tư lọc hóa dầu tại Việt Nam và các dự án của PetroVietnam tại Liên bang Nga.
Đặc biệt, liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) có thể được xem là biểu tượng hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong khai thác dầu khí, nhưng năm 2018 liên doanh này vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất như khai thác dầu/ khí, cung cấp khí vào bờ, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị bên ngoài, đặc biệt là doanh thu bán dầu/khí-condensate và lợi nhuận hai phía do trung bình giá dầu xuất bán tăng cao.
Hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2020
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, hai bên thống nhất có biện pháp hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, giao thông, du lịch. Hai bên nhất trí tạo điều kiện cho việc tăng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản giữa hai nước.
Sau khi triển khai Hiệp định FTA giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và Việt Nam, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tăng gần 1/3 và xu thế này được duy trì từ đầu năm nay. Hai bên sẽ tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu thương mại song phương, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, tăng hợp tác trong ngành công nghiệp năng lượng, dầu khí, giao thông vận tải, mở rộng thanh toán bằng hai đồng nội tệ của hai nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nga Evgenia Aksenova, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục, đạt mức 5,2 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2018 đạt trên 3,45 tỷ USD, tăng đến 38%. Việt Nam nằm trong top 5 nước nhập khẩu than đá Nga lớn nhất thế giới. Khối lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm của Nga sang Việt Nam cũng tăng lên. Nhờ giảm thuế suất nhập khẩu về 0%, Nga đã tăng xuất khẩu sang Việt Nam lúa mì, các sản phẩm thịt, bánh kẹo, cũng như các sản phẩm dược phẩm và phân bón. Đến nay, dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% chiếm tỷ lệ 43% tổng biểu. Theo nhận định của các chuyên gia, việc triển khai Hiệp định này sẽ là cơ hội tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020.