Thỏa thuận Mỹ- Trung bên lề Hội nghị G20 và cơ hội chấm dứt chiến tranh thương mại
Việc lãnh đạo Mỹ và Trung đạt được thỏa thuận tạm ngừng áp thuế quan mới vào đầu năm tới là tín hiệu tích cực, có thể dẫn tới chấm dứt chiến tranh thương mại giữa 2 nước.
Như đoán định, ông Trump và ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ nhau trong một cuộc làm việc kéo dài 2h đồng hồ ở Buenos Aires. Đến giờ phút này, hai bên đã nói với nhau những gì vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Tổng thống Trump trở nên rất…ngoại giao trong cuộc gặp, ông ca ngợi mối quan hệ đặc biệt của mình và ông Tập và tin tưởng đây là lý do để hai bên kết thúc buổi làm việc bằng một kết quả tốt đẹp.
Nhưng, “chuyện tốt đẹp” như kỳ vọng dường như chưa được hai bên tiết lộ nhiều với truyền thông. Như thường lệ, phía Bắc Kinh thêm lần nữa khẳng định Trung Quốc và Mỹ là hai nước có ảnh hưởng lớn, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên toàn cầu.
Thêm một lần nữa, hai nội dung cốt cán trong chiến tranh thương mại là sở hữu trí tuệ và thương mại bất công bằng dường như chưa được đề cập một cách cụ thể. Và như vậy, gói thuế tiếp theo trị giá 267 tỷ USD còn bỏ ngỏ (!?).
Một điều tối quan trọng để hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung là buộc phải có bên nào đó chấp nhận nhượng bộ có điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc, một thỏa thuận nào đó luôn đi kèm với sự thua thiệt ban đầu.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị G20?
07:54, 02/12/2018
Donald Trump “cô đơn” tại G20?
17:00, 01/12/2018
Đàm phán Mỹ - Trung bên lề Hội nghị G20 có rơi vào bế tắc?
00:01, 02/12/2018
Bởi vậy liệu có thể hy vọng một thỏa thuận khung nào đó hoàn toàn được giữ bí mật? Rất có thể hai nhà lãnh đạo không muốn “mất mặt” trước thế giới nên nghi vấn có thỏa thuận khung chưa tiện công bố là hoàn toàn logic.
Nhìn rộng ra, chiến tranh thương mại là “trò chơi” vô cùng tốn kém. Vì vậy, sự mong ngóng của nhân loại là vô ích nếu hai bên vẫn chưa cảm thấy…đủ thiệt hại để dừng lại.
Chiến tranh thương mại chỉ là cao trào mẫu thuẫn có tính thời điểm, chỉ là biểu hiện - một trong những sắc thái đối lập giữa các nước lớn. Còn chiến lược bao trùm vẫn là cuộc cạnh tranh dài hơi.
Dường như truyền thông quốc tế luôn có có cái nhìn một chiều về chiến tranh thương mại và mong muốn kết thúc. Song bản thân chiến tranh thương mại cũng mang đến rất nhiều cơ hội cho “bên thứ ba”.
Một phạm vi lớn hơn - qua cuộc chiến này Bắc Kinh sẽ “biết mình biết người” hơn với chính sách bành trướng bằng kinh tế, quân sự, phần nào đó mang hậu họa đến những quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của sáng kiến "Vành đai và Con đường", “Một Trung Quốc”, “Made in China 2025”…
Và rằng, sự kiềm tỏa nhau trên thế giới giữa các siêu cường là điều cần thiết để tránh mất cân bằng sức mạnh. Tình hình sẽ phức tạp nếu như một thế lực nào đó hùng mạnh đến mức coi thường luật pháp quốc tế.
Các cuộc thế chiến cho thấy một khi quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một nhóm nước nào đó ắt xảy ra xung đột, không ngoài mục đích chia chác ảnh hưởng và thiết lập trật tự mới nhưng hậu quả vô cùng thảm khốc.
Nhiều nơi trên thế giới lên án mặt trái của Trung Quốc về thương mại, quân sự, nhưng đa phần đều bất lực. Vậy, chiến tranh thương mại phần nào cho thấy không một ai có thể toàn quyền phán xử trên địa cầu vốn là không gian tồn tại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mặc dù chưa đạt được những thỏa thuận lớn bên lề Hội nghị G20, nhưng bước đầu Mỹ và Trung đã đạt được thỏa thuận tạm thời Mỹ sẽ không tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/1/2019 như dự kiến. Trung Quốc cũng cam kết tăng cường mua nông sản và hàng hóa công nghiệp của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên sau 90 ngày kể từ ngày nói trên, hai bên không đạt được thỏa thuận tiếp theo, thì Mỹ sẽ tăng thuế suất lên 25% và không loại trừ gói thuế 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, đây được cho là tín hiệu tích cực có thể dẫn tới chấm dứt chiến tranh thương mại nếu 2 nước đạt được kết quả trong cuộc đàm phán tiếp theo.