Mỹ- Trung “đình chiến” và điều kiện hiểm hóc!
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã tạm dừng lại, nhưng với nhiều vấn đề nan giải, đây có thể là điểm dừng để bùng phát dữ dội hơn sau 90 ngày.
Như vậy, phải đến gần 1 ngày sau khi Hội nghị G20 kết thúc, thế giới mới biết ông Trump và ông Tập đã thỏa thuận với nhau những gì. Một kết quả được giới quan sát tình hình quốc tế đánh giá là khả quan.
Theo đó, Washington tiếp tục giữ mức 10% thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thay vì 25% như đã từng cảnh báo từ 1/1/2019. Chiến tranh thương mại cơ bản không leo thêm nấc thang nào mới. Nhưng, không phải không có điều kiện hóc búa.
Như đã từng được phân tích rất nhiều, yêu cầu của phía Mỹ là chấm dứt đánh cắp sở hữu trí tuệ, tấn công mạng, hàng rào phi thuế quan... - với tư cách là những nguyên nhân cốt lõi gây ra cuộc chiến vẫn phải được giải quyết triệt để.
Thời hạn mà Mỹ đưa ra là 90 ngày để Bắc Kinh hoàn thành yêu cầu trên, nếu không mức thuế 25% sẽ được kích hoạt. Vậy thỏa thuận này cho thấy điều gì?
Thứ nhất, điều kiện để một thỏa thuận quan trọng đã diễn ra như dự báo, đó là một trong hai bên chấp nhận “thiệt hại tạm thời”. Cụ thể ở đây là 15% thuế mà Washington trì hoãn - đó là số tiền không nhỏ!
Có thể bạn quan tâm
Thỏa thuận Mỹ- Trung bên lề Hội nghị G20 và cơ hội chấm dứt chiến tranh thương mại
11:57, 02/12/2018
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị G20?
07:54, 02/12/2018
Bất chấp nhiều bất đồng, Hội nghị G20 vẫn ra được Tuyên bố chung
07:30, 02/12/2018
Đàm phán Mỹ - Trung bên lề Hội nghị G20 có rơi vào bế tắc?
00:01, 02/12/2018
Thứ hai, 9 tháng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến truyền thông quốc tế tổn hao nhiều giấy mực, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất: “Ai là người cầm trịch cuộc chơi tốn kém này?”.
Cuộc gặp ở Buenos Aires đã cho thấy câu trả lời, chính người Mỹ là bên chủ động, lèo lái vấn đề theo ý muốn. Việc có tiếp tục đánh thuế hay không, nội dung cần giải quyết là gì, đến bao giờ…đều là yêu cầu từ Nhà trắng.
Xem ra, yêu cầu của Mỹ đều là vấn đề cam go với Bắc Kinh. Trong đó, đánh cắp công nghệ là vấn đề nhạy cảm và rất khó giải quyết trong thời gian ngắn. Trên thực tế, công nghệ Mỹ bị tuồn ra khỏi lãnh thổ không phải là điều gì đó mới mẻ.
Còn nhớ ngày 31/8 tại Tòa án liên bang Mỹ ở Philadelphia, một nhà khoa học Mỹ gốc Hoa thừa nhận đã lấy cắp các bí mật công nghệ sinh vật về bào chế dược phẩm, rồi chuyển về Trung Quốc.
Bằng nhiều cách khác nữa, chính sách công nghiệp của Trung Quốc và một số các hoạt động thương mại khác đã buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.
Trước kết quả của nhiều cuộc điều tra và tuyên bố của Tổng thống Trump, Bắc Kinh vẫn “tỉnh táo”, “trong quan hệ Mỹ- Trung lợi ích đan xen, hình thành cục diện trong anh có tôi, trong tôi có anh…”
Mặc dù là quốc gia có nhiều tham vọng, có thể làm ra bất cứ thứ gì mà thế giới văn minh đã làm, song bản chất công nghệ Trung Quốc vẫn là bí ẩn lớn đối với nhiều người, đặc biệt là sức sáng tạo đáng kinh ngạc hay là khả năng bắt chước siêu đẳng.
Không ít lần các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc dính líu đến các vụ kiện cáo liên quan đến mẫu mã, thiết kế, từ điện thoại, xe hơi đến vũ khí tối tân và hàng không vũ trụ. Nếu cáo buộc của Mỹ là chính xác thì đây thực sự là vấn đề nan giải.
Nếu từ bỏ sao chép, đánh cắp công nghệ, các công ty Trung Quốc coi như khởi nghiệp lại từ đầu, song chưa chắc đã thành công.
Mặc dù kêu gọi Mỹ tuân thủ các quy tắc thương mại của WTO, nhưng chính Trung Quốc là một trong những nền kinh tế bảo hộ cao nhất thế giới, tự do thương mại và phi thuế quan với hàng hóa nước ngoài rất khắt khe.
Sở hữu trí tuệ và tấn công mạng thường là cặp bài trùng, không ngạc nhiên khi mà phần lớn các cuộc tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc, tập trung vào các nhà thầu quốc phòng hoặc các công ty về công nghệ và truyền thông.
Hồi tháng 8 năm nay, Singapore bị mất cắp dữ liệu y tế của 1,5 triệu người, Thủ tướng Lý Hiển Long ám chỉ một chính phủ nước ngoài đứng sau vụ việc tệ hại này, nhưng giới chuyên gia khẳng định đó là Trung Quốc (!?).
Tấn công mạng và đánh cắp sở hữu trí tuệ là những mật vụ có tính chất hệ thống, rất khó từ bỏ nếu nó mang lại những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Liệu Trung Quốc có dám nhìn thẳng vào yêu cầu của Mỹ?
Đến nay, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã tạm dừng lại, nhưng nếu sau 90 ngày hai bên không giải quyết được những bất đồng nói trên, cuộc chiến này có thể sẽ còn dữ dội hơn nữa.