Tiếng Anh và mức độ thịnh vượng
Tiếng Anh có đầy đủ tính chất xã hội và đặc điểm về khoa học để trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Điều đó giải thích vì sao những quốc gia sử dụng tiếng Anh đều có mặt bằng thịnh vượng chung cao.
Tại Diễn đàn mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Vì sao Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu?
Để trả lời câu hỏi vì sao Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, có lẽ cần ngược dòng thời gian về lại giai đoạn cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, để nhớ lại sự phát triển của Đế quốc Anh.
Đế quốc Anh (British Empire) bao gồm các quốc gia tự trị, các vùng thuộc địa, các lãnh thổ bảo hộ, các lãnh thổ ủy thác và các lãnh thổ khác do Anh cai trị và quản lý. Đế quốc Anh khởi nguồn với các thuộc địa và trạm mậu dịch hải quan do Anh thiết lập từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII. Vào giai đoạn đỉnh cao của nó, đây là đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử và là thế lực đứng đầu toàn cầu trong hơn một thế kỷ.
Đến năm 1913, Đế quốc Anh cai trị khoảng 412,2 triệu người, chiếm 23% dân số thế giới lúc đó và bao phủ diện tích hơn 35.500.000 km², gần một phần tư tổng diện tích toàn cầu. Do vậy, những di sản về văn hóa, luật pháp và ngôn ngữ của Đế quốc Anh được truyền bá rộng rãi.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Khó khăn nhưng cần thiết phải làm!
05:35, 06/12/2018
Báo động kỹ năng tiếng Anh của nhân lực ngành Công nghệ thông tin
16:34, 14/11/2018
Khởi nghiệp thành công với ứng dụng phát âm tiếng Anh
17:02, 09/11/2018
Vào thời điểm nó đạt tới đỉnh cao của quyền lực, Đế quốc Anh thường được ví với câu nói “Đế quốc có mặt trời không bao giờ lặn" bởi vì sự mở rộng cương thổ ra toàn địa cầu đồng nghĩa với việc mặt trời luôn chiếu sáng trên ít nhất một trong những vùng lãnh thổ của nó.
Các phần lãnh thổ tiêu biểu của Anh, có thể kể đến như Hongkong, Ấn Độ, Ai Cập, Nam Phi. Nhiều thuộc địa như Canada, Úc và New Zealand được trao quyền tự trị, một vài trong số đó được tái phân loại là quốc gia tự trị
Sau độc lập, nhiều cựu thuộc địa của Anh gia nhập Khối thịnh vượng chung Anh - một hiệp hội tự do của các quốc gia độc lập. 16 quốc gia có chung một nguyên thủ, Nữ vương Elizabeth II, gọi chung là Vương quốc Khối thịnh vượng chung.
Nếu gộp lại, các vương quốc này có tổng diện tích là 18.8 triệu km² (7.3 triệu mi², không tính đến một phần của vùng đất Nam Cực thuộc quyền), và có dân số đến 137 triệu. Chỉ trừ có hai triệu người không sống trong 6 quốc gia đông dân nhất trong Vương quốc Khối thịnh vượng chung: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada, Australia, Papua New Guinea, New Zealand, và Jamaica.
Trong suốt hơn một thế kỷ qua, tiếng Anh được thịnh hành trong thương mại và thông tin liên lạc toàn cầu. Một báo cáo của đại học Harvard năm 2013 cho thấy các kỹ năng tiếng Anh và thu nhập cao song hành với nhau, và dẫn tới chất lượng cuộc sống tốt hơn. Người lớn và trẻ em trên toàn thế giới dành nhiều năm, và đầu tư rất nhiều tiền, trong việc học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
Hãy nhìn sang hàng xóm!
Nhiều nước châu Á đang dần trở thành những cường quốc kinh tế mới trên thế giới khi có trên 90% người dân với khả năng tiếng Anh thành thạo.
Đứng đầu khu vực ASEAN trong bảng xếp hạng EF – EPI (Chỉ số Thông thạo Anh ngữ EF(EF EPI) là bảng xếp hạngtoàn diện nhất thế giới về các kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành) trong nhiều năm liền là Singapore, Người Singapore đã “tắm” ngôn ngữ từ khi sinh ra, những đứa trẻ thường xuyên được nghe người xung quanh nói tiếng Anh.
Tiếng Anh còn là ngôn ngữ chính được dạy ở trường học. Học sinh học tất cả các môn bằng tiếng Anh và học tiếng mẹ đẻ để duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc. Hầu hết trẻ em tại Singapore đều lớn lên trong môi trường song ngữ từ nhỏ như thế.
Người Singapore nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, thậm chí là thứ tiếng Anh bồi có tên Singlish. Họ không bị giới hạn bởi tư tưởng khi giao tiếp luôn cần chuẩn, từ ngữ pháp đến ngữ âm. Người nước khác có thể thấy Singlish khó hiểu, tuy nhiên, người Singapore chưa bao giờ xấu hổ và mặc cảm vì nói tiếng Anh không chuẩn, không giống giọng Anh Mỹ. Họ vẫn mạnh dạn nói tiếng Anh và học hỏi để cải thiện dần. Vì thế, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á nói tiếng Anh tốt nhất.
Khi nói đến việc sử dụng tiếng Anh tại Nhật Bản, nhiều người tỏ ra khá e dè do người dân Nhật Bản nhìn chung có khả năng nói tiếng Anh rất hạn chế. “Cú hích” đầu tiến khiến người Nhật đổ xô đi học tiếng Anh là quyết định của hãng bán lẻ trực tuyến Rakuten. Hãng này đã quyết định lấy tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng chính thức của mình.
Những người Nhật không biết tiếng Anh cảm thấy sẽ khó đạt được thành công khi họ giao tiếp với thế giới bên ngoài, cả trong hoạt động kinh doanh lẫn khi đi du lịch. Kết quả là, thị trường đào tạo ngoại ngữ tại Nhật Bản phát triển rầm rộ, với những người học sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho các buổi học, đĩa DVD hay các khóa học tiếng Anh trực tuyến. Hiện tại, trình độ tiếng Anh của người Nhật đã được cải thiện rất nhiều.
Phổ cập tiếng Anh tại Việt Nam: Một nhiệm vụ cấp bách
Trong giai đoạn phát triển hội nhập, Việt Nam đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Để mở cánh cửa hội nhập, vươn ra toàn cầu, tiếng Anh đóng vai trò thiết yếu để người trẻ Việt Nam có thể làm chủ tương lai, xây dựng đất nước.
Ngày 30/10, tổ chức Education First (EF) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu (EPI).
Theo đó, với mức độ thông thạo trung bình, điểm số đạt 53,12, Việt Nam xếp thứ 41 trong tổng số 88 quốc gia, vùng lãnh thổ, giảm cả thứ hạng lẫn điểm đánh giá. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 34 trên tổng 80 nước, vùng lãnh thổ, với 53,43 điểm.
Tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông nhận định: “Việc coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sẽ tạo phương tiện để lớp trẻ tham gia công cuộc hội nhập sâu rộng với thế giới và phát triển bản thân. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm việc làm ở nước ngoài đối với lớp trẻ cũng ngày càng cao hơn, tất cả những điều đó sẽ tạo động lực cho người trẻ học tiếng Anh và có môi trường giao tiếp tiếng Anh tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, để công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì phải có luật về ngôn ngữ và chữ viết và được Quốc hội thông qua.
Trước đó, ngay từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam và coi đây là 1 nội dung đáng chú ý trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ năm học 2016-2017.