Để thực hiện đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, có lẽ khó có cách nào khác hơn là trước mắt hãy làm điểm tại những thành phố lớn để từ đó, làm “đầu tàu”, lan tỏa ra cả nước.
Cần suy nghĩ nghiêm túc về đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2
Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, rằng: “Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của đất nước Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm
16:34, 14/11/2018
17:02, 09/11/2018
05:07, 02/08/2018
17:08, 10/05/2018
09:53, 19/09/2016
10:12, 10/12/2015
00:00, 19/08/2014
Phải nói rằng, đề xuất này không mới vì trước đây nhiều nhà khoa học cũng như chuyên gia giáo dục đã từng đưa ra. Năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và coi đây là một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành từ năm học 2016-2017.
Có điều, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đáng để các nhà quản lý có trách nhiệm và người dân phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Đề xuất đó có được có lẽ là do ngài Bộ trưởng xuất thân từ môi trường kỹ thuật, lại nhiều năm nắm trọng trách ở một doanh nghiệp lớn, từng có thâm niên làm ăn với nhiều quốc gia nên ông càng thấu hiểu sự cần thiết của tiếng Anh trong sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như thương trường nên ông mới khẩn thiết “xin” Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của đất nước Việt Nam.
Hơn nữa, nhìn sang các nước láng giềng, nhiều quốc gia đã coi tiếng Anh còn là ngôn ngữ thứ hai, thậm chí là chính thức của một số quốc gia khác như Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Philippines. Gần đây nhất, năm học 2019 – 2020, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và học sinh sẽ học song ngữ chuyên sâu từ cấp tiểu học..v..v.
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Giáo dục Education First (EF), hiện nay, khoảng 400 triệu người bản ngữ và gần 1,5 tỷ người khác trên thế giới nói tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng trên 100 quốc gia và 75% các giao dịch quốc tế, các văn bản, tài liệu sử dụng ngôn ngữ này.
Tuy nhiên, cần thiết là thế, quan trọng là thế, nhưng để áp dụng đề xuất này trên toàn quốc ngay là không thể, bởi xung quanh nó còn nhiều điều phải giải quyết. Cụ thể:
Một là, chúng ta cần thống nhất về mặt chủ trương và chính sách công nhận tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Muốn vậy, cần có một nghiên cứu cụ thể để đánh giá tính khá thi của nó, tránh đi theo vết xe đổ của Đề án Ngoại ngữ 2020.
Trong khi bao năm nay ở các trường từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đã thấy dạy. Học ở trường chưa đủ, các cháu còn phải học thêm nữa mà chất lượng như thế nào mọi người đều rõ. Ngay đến tiếng Việt mấy chục năm cải cách mà lỗi nói ngọng, viết sai chính tả vẫn tồn tại khá phổ biến.
Hai là, đề xuất này cần một nguồn lực rất lớn, vì nó liên quan đến hàng triệu học sinh và kéo theo nó là hàng ngàn giáo viên cần có những bước đi cẩn trọng chứ không đơn giản chúng ta hô hào và hiện thực hoá chỉ bằng mệnh lệnh văn bản.
Ba là, phải thay đổi được tư duy của một bộ phận không nhỏ người dân về vai trò của tiếng Anh trong thời đại công nghiệp, công nghệ số.
Nói vậy, bởi thực tế đang có nhiều nhận định cho rằng: “Tiếng Anh đã là một thứ ngôn ngữ quốc tế thì cần gì phải luật hóa nó thành ngôn ngữ thứ hai. Mỗi công dân có lòng tự trọng thì dân tộc sẽ tự cường như các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta không nên là bản sao của ai cả!”.
Mặt khác, thực sự người dân nói chung, cán bộ nói riêng chưa thấy sự cần thiết, bức bách phải học ngoại ngữ. Ngay trong thực tế và trong suy nghĩ của nhiều người, tiếng Anh đang như là cái “mác” cho hầu hết các cán bộ dùng để “hợp thức hóa hồ sơ”. Còn sử dụng vì mục đích công việc thì chắc chắn với tỷ lệ vô cùng nhỏ.
Thế mới nói, Bộ trưởng Hùng đã có cách tiếp cận mới khi đưa ra đề xuất này. Và nếu được chấp thuận thì để hiện thực hóa càng không phải là vấn đề “một sớm một chiều”. Khó khăn là thế, nhưng “không đi chắc chắn sẽ không đến”. Vì vậy, có lẽ khó có cách nào khác hơn là trước mắt hãy làm điểm tại những thành phố lớn để từ đó, làm “đầu tàu”, lan tỏa ra cả nước.