"Ngòi nổ" mới trong xung đột Mỹ - Trung
Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định, công nghệ và các vấn đề an ninh mạng sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ- Trung trong những tháng đầu năm 2019.
Các nhà đầu tư đang lo ngại về nguy cơ Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tấn công an ninh mạng diện rộng sau khi nước này bị cáo buộc thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế bằng cách đánh cắp dữ liệu bí mật từ các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cũng như các tập đoàn toàn cầu khác bằng nhiều chiêu thức khác nhau.
Tuy nhiên, với việc hai đối tượng thuộc nhóm an ninh mạng có tên APT10 được cho là có liên quan tới cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc tấn công các công ty, tập đoàn lớn và viện nghiên cứu tại các nước lớn, thì sự lo ngại về việc tấn công an ninh mạng không còn là của riêng nước Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ Mỹ - Trung giữa căng thẳng Huawei: “Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”
05:30, 12/12/2018
Trung Quốc "nóng mặt" vì Mỹ xuống đòn với Huawei!
06:00, 08/12/2018
Mỹ kêu gọi đồng minh tẩy chay Huawei
07:40, 23/11/2018
Thêm một quốc gia quay lưng với Huawei và ZTE
06:41, 18/11/2018
Anh, Australia và New Zealand đều đã cùng Hoa Kỳ lên án Trung Quốc về chiến dịch đánh cắp tài sản trí tuệ toàn cầu qua mạng. Cơ quan an ninh Đức cũng đã từng cảnh báo khoảng 10.000 người Đức đã bị các gián điệp Trung Quốc giả mạo là các nhà tuyển dụng, cố vấn, chuyên gia hoặc học giả,.. tìm cách tiếp cận để khai thác các thông tin bảo mật.
Thông qua các nền tảng mạng xã hội như mạng xã hội việc làm Linkedin, các hackers được cho là đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin nhạy cảm từ các công ty thông qua việc tiếp cận chính các nhân viên của các công ty toàn cầu và mời họ tới Trung Quốc thuyết trình.
Mặt khác, Trung Quốc luôn có cách thức khác nhau để tiến hành các cuộc tấn công an ninh mạng diện rộng mà không cần có sự nhúng tay của các hacker. Đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng tình báo Trung Quốc bị cáo buộc đưa một vi mạch nhỏ vào trong quá trình sản xuất linh kiện của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Apple để thu thập thông tin tình báo về tài sản trí tuệ và bí mật thương mại từ các công ty Mỹ.
"Người Trung Quốc rất quan tâm đến những công ty sản xuất phần cứng và linh kiện, chứ không phải những công ty phát triển phần mềm hoặc ứng dụng của điện thoại di động", ông Alex Capri, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Singapore đánh giá và nhận định, khi đầu tư vào các công ty linh kiện, vô hình chung các nhà đầu tư Trung Quốc có quyền tiếp cận đến quá trình sản xuất".
Chuyên gia này cũng cảnh báo, với các chương trình máy tính hoặc ứng dụng phần mềm, thông qua M&A với các công ty nội địa của các nước, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dễ dàng nắm bắt công nghệ để từ đó khai thác điểm yếu và các lỗ hổng trong hệ thống, tạo điều kiện cho các hacker dễ dàng xâm nhập.
Để đối phó với các cường quốc, Trung Quốc thường tập trung vào các công nghệ tiên tiến có khả năng thay đổi trực tiếp đến cuộc sống của con người trong tương lai như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI)... để có thể giữ cân bằng khi đối đầu với các nước này.
Như thường lệ, chính quyền Trung Quốc luôn sẵn sàng phủ nhận mọi liên quan của họ trong các vụ tấn công cũng như trong các thương vụ M&A của các tập đoàn lớn của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, và cả nhiều quan chức Hoa Kỳ đã không còn xem trọng những lời tuyên bố của họ khi nhiều bằng chứng được công bố về một số cuộc tấn công an ninh mạng có bảo trợ của giới chức Trung Quốc.
Mỗi năm thiệt hại kinh tế Mỹ do những hành vi trộm cắp công nghệ gây ra ước tính khoảng 300 tỷ USD, trong đó phần thiệt hại của kinh tế Mỹ do Trung Quốc gây ra, được đánh giá là từ 150 tỷ USD đến 240 tỷ USD.
Giới chuyên gia nhận định, Hoa Kỳ và các đồng minh nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh hơn các cáo buộc an ninh mạng chống lại Trung Quốc và các quốc gia khác vào năm 2019.