Tương lai “rối như canh hẹ” trong Thông điệp Liên bang của ông Trump

Việt Nga 08/02/2019 07:30

Thông điệp Liên bang năm 2019 của Tổng thống Trump đã nhận được phản ứng đa chiều của các thành viên nội các. Và một tương lai chẳng mấy tươi sáng đã được phác họa qua bài phát biểu này

Không phải chỉ có Châu Á, mà phần nhiều thế giới đều đổ dồn chú ý đến bài phát biểu Liên bang lần thứ ba của Tổng thống Donald Trump, nhằm đoán già đoán non về các chính sách của Nhà Trắng trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống vốn gây nhiều tranh cãi của ông Trump.

Có hay không đích ngắm thuế quan mới trong Thông điệp Liên bang?

Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ giải quyết không chỉ vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước mà còn phải tạo ra sự thay đổi trong các chính sách của Trung Quốc. Việc này theo ông Trump là để bảo vệ công nhân và các doanh nghiệp Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Những tuyên bố đáng chú ý của ông Trump trong Thông điệp liên bang Mỹ 2019

    Những tuyên bố đáng chú ý của ông Trump trong Thông điệp liên bang Mỹ 2019

    16:08, 06/02/2019

  • Trump

    Trump "bỏ quên" châu Á trong Thông điệp Liên bang

    14:30, 01/02/2018

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh:“Tôi có sự tôn trọng lớn dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình và chúng tôi đang làm việc để đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải bao gồm sự thay đổi thực sự, mang tính cơ cấu để chấm dứt các hành vi thương mại thiếu công bằng, giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Trump đọc thông điệp liên bang 2019

Tổng thống Mỹ Trump đọc Thông điệp liên bang 2019

Theo ông chủ Nhà Trắng, nước Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm với Trung Quốc rằng sau nhiều năm Trung Quốc làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp Mỹ, hay việc vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Ông Trump khẳng định, việc Trung Quốc “trục lợi và làm giàu từ Mỹ buộc phải chấm dứt.”

Bên cạnh đó, ông Trump cũng khẳng định chiến lược đối phó mạnh tay với Trung Quốc của ông đã phát huy hiệu quả: "Washington áp thuế 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc và hiện giờ FED đang nhận về hàng tỷ USD mỗi tháng từ một quốc gia không bao giờ cho chúng ta một xu nào”.

Tổng thống Trump cũng đề nghị Quốc hội Mỹ thúc đẩy một Đạo luật thương mại, cho phép ông mở rộng quyền lực để có thể mạnh tay áp đặt các mức thuế quan,với đích ngắm mới là Nhật Bản hay EU. Hiện chưa rõ những đề nghị này của Tổng thống có được thông qua hay không, thế nhưng rõ ràng những yêu cầu này của Tổng thống là trái với quy định của WTO khi các nước tự động áp các mức thuế quá cao nhằm trả đũa nhau

Trong đề nghị của mình, Trump đã đề xuất mức áp thuế là 25% đối với hàng hóa có xuất xứ EU hay Nhật Bản. Điều này sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Và trong cả hai trường hợp với EU hay Nhật Bản, Mỹ đang đưa ra yêu cầu đối với các hiệp định thương mại mà cả Brussels và Tokyo đều phản đối.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội có thể thông qua USMCA nhằm khôi phục các công việc sản xuất, mở rộng nông nghiệp Mỹ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

USMCA sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ liên tiếp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tính khả thi của hiệp định, đặc biệt liên quan tới vấn đề bảo vệ lao động và môi trường.

Các nhà phân tích cho rằng, phe Dân chủ có lẽ sẽ không bác bỏ hoàn toàn USMCA, khi mà không có phương án thay thế. Tổng thống Trump đã đe dọa đơn phương rút khỏi NAFTA nếu hiệp định mới không được Quốc hội thông qua.

Khả năng một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Ông Trump có khả năng sử dụng bài phát biểu này để công bố cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Bất chấp sự phản đối của một số cố vấn, ông Trump đã tuyên bố vào tháng 12/2018 rằng ông sẽ rút lực lượng Mỹ ở Syria.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump nhấn mạnh mong muốn rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan và Syria để chấm dứt các cuộc chiến kéo dài. "Các quốc gia vĩ đại", Trump tuyên bố, "đừng chiến đấu với những cuộc chiến bất tận". Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng bảo vệ quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do vi phạm của Nga nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán "một thỏa thuận khác".

Bằng cách đó, ông Trump đã đa phương hóa INF, bằng cách khéo léo lôi kéo Trung Quốc vào cuộc. Nhưng Trung Quốc, vốn sở hữu hàng trăm tên lửa INF dường như không đồng ý với bất kỳ sự kiềm chế nào như vậy.

Các đồng minh của Mỹ ở Châu Á cũng như Châu Âu, lo ngại rằng sự sụp đổ của Hiệp ước INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hiệp định START 2, vốn giới hạn Mỹ và Nga tới 1500 đầu đạn có hiệu lực đến năm 2020. Thế nhưng khi Trump và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn có ác cảm với các giới hạn đối chủ quyền của Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại rằng Hiệp định này không được mở rộng, và điều đó sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tương lai mối quan hệ với Triều Tiên.

Một điểm nhấn khác trong bài phát biểu tại Đồi Capitol của Tổng thống Trump vừa qua là thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27 – 28/2 tới.

Tuy nhiên, giống như trong hầu hết các bài phát biểu của mình, Trump đưa ra một cái nhìn phóng đại về các vấn đề, sau đó đưa ra một cái nhìn phóng đại về thành công của Trump trong việc giải quyết chúng. "Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ” Trump tự tin tuyên bố "theo tôi, ngay bây giờ đang là một cuộc chiến lớn với Triều Tiên. "

Theo nhiều người, đây là một phát biểu “nực cười”. Trên thực tế, trong hai năm cầm quyền đầu nhiệm kỳ của mình, chính Trump, với các bài phát biểu mang đầy tính kích động của mình với đích ngắm là Triều Tiên, đã làm giới quan sát thế giới nhiều phen toát mồ hôi.

Trong thực tế, sự “cảnh cáo” của Mỹ đối với hoạt động hạt nhân của Triều Tiên đã ít nhiều phát huy tác dụng trong 70 năm qua. Hơn nữa, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore, Bình Nhưỡng đã có những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, mới đây Giám đốc tình báo Mỹ - ông Dan Coats đã nói với Quốc hội rằng có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang âm thầm tiếp tục công việc về các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Người đứng đầu ngành tình báo Mỹ đã nói thẳng rằng tình báo Mỹ có bằng chứng rõ ràng về việc Kim hoàn toàn không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy miêu tả của Trump về vấn đề Triều Tiên và khẳng định vai trò anh hùng của ông trong việc giải quyết vấn đề dường như là biểu tượng của việc ông đã sân khấu hóa nền chính trị Mỹ.

Và dù ông Trump có nói gì đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận được rằng ông đang phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có cuộc điều tra kéo dài của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ giữa nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông năm 2016 với Nga, các cuộc điều tra của phe Dân chủ ở Hạ viện cũng như cuộc đàm phán thương mại đầy khó khăn với Trung Quốc cùng nhiều vấn đề khác.

Điều này sẽ khiến Tổng thống Trump sẽ phải chịu sức ép rất lớn cũng như phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp sẽ diễn ra vào cuối năm 2020.

Việt Nga