Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Trung Đông
Thị trường Trung Đông và châu Phi vẫn được đánh giá giàu tiềm năng và khá phù hợp với hàng hoá của Việt Nam, song ẩn chứa khá nhiều rủi ro.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Phi đạt 6,6 tỷ USD. Trong khi kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Đông đạt khoảng gần 13tỷ USD.
Ma trận rủi ro
Trên thực tế, ngoài rủi ro thanh toán ở châu Phi và Trung Đông như nhiều đối tác trả chậm, không có khả năng thanh toán, rủi ro về tỉ giá..., các doanh nghiệp Việt còn gặp rủi ro trong tranh chấp hợp đồng mua bán như: khối lượng và trọng lượng hàng hoá, thời gian giao hàng, người ký hợp đồng không có năng lực chủ thể đầy đủ...
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Trung Đông và Châu Phi
08:00, 19/03/2019
Hấp lực từ thị trường Trung Đông và châu Phi
02:20, 01/12/2018
Dư địa từ thị trường Trung Đông
03:44, 20/10/2018
Thương hiệu Việt Nam King Coffee gia nhập thị trường Trung Đông
16:17, 17/12/2017
Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm các nước Senegal, Mali, Nigeria và Gambia cho biết, các doanh nghiệp châu Phi thường đề nghị trả chậm, ít khi sử dụng thư tín dụng (L/C). Điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt e ngại. “Trước khi giao dịch, doanh nghiệp cần liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại châu Phi hoặc Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi thuộc Bộ Công thương để được hỗ trợ thẩm tra đối tác”, ông Nhuận nhấn mạnh.
Ngoài ra, do địa lý xa xôi, nên hàng hoá Việt khó cạnh tranh, chưa kể các Thương vụ thỉnh thoảng vẫn có những cảnh báo về những hành vi lừa đảo khi kinh doanh tại châu Phi khiến các doanh nghiệp có tâm lý e ngại…
Tiềm năng lớn
Dù thế nào, Trung Đông và châu Phi vẫn là một thị trường rất tiềm năng và phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam. Nhu cầu mặt hàng nông sản ở khu vực này rất lớn, ước tính đạt 110 tỷ USD vào năm 2025 với yêu cầu chất lượng, mẫu mã không cao, phù hợp với các sản phẩm nông sản Việt như: gạo, cà phê, hạt tiêu... Trong khi ở Trung Đông, trung bình mỗi năm khu vực này nhập khẩu khoảng trên 40 tỷ USD, đến năm 2035 con số này sẽ là 70 tỷ USD.
Các quốc gia Trung Đông và châu Phi cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ một số tiêu chuẩn và quy định trong hợp tác thương mại, chẳng hạn như Chứng nhận hợp quy (CoC) đối với từng lô hàng nhập khẩu. Theo đó, tất cả những lô hàng phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận theo quy định và phải kiểm định trước khi nhập khẩu.
Ngoài ra, mỗi quốc gia ở khu vực này còn có những quy định riêng, như vào tháng 1/2019, Saudi Arabia đã triển khai SABER - hệ thống trực tuyến nhằm hỗ trợ chương trình an toàn sản phẩm của quốc gia này. Theo đó, các doanh nghiệp phải đăng ký sản phẩm của mình trên hệ thống SABER trước khi nhập khẩu vào thị trường này...
Để tiếp cận và mở rộng thị trường châu Phi- Trung Đông, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành; đồng thời sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn và tập quán tiêu dùng của các nước này.