Hấp lực từ thị trường Trung Đông và châu Phi

Trương Khắc Trà 01/12/2018 02:20

Hàng Việt, đặc biệt phân khúc nông sản như hạt tiêu, điều, cà phê, thủy sản... khá được ưa chuộng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và châu Phi.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào UAE năm 2017 đạt 5 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường các nước theo đạo Hồi có quy mô tới 3.000 tỷ USD/năm.

p/Thị trường các nước theo đạo Hồi có quy mô tới 3.000 tỷ USD/năm, đây là cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. (Gian hàng nông sản chế biến và các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai 2018 thu hút đông đảo khách thăm quan.)

Thị trường các nước theo đạo Hồi có quy mô tới 3.000 tỷ USD/năm, đây là cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. (Gian hàng nông sản chế biến và các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai 2018 thu hút đông đảo khách thăm quan.)

Sức hấp dẫn của UAE

UAE là nền kinh tế lớn thứ 2 ở Trung Đông, một trong 3 đầu mối trung chuyển, tái xuất khẩu hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới. Từ UAE có thể mở ra toàn khu vực Trung Đông, vào châu Phi.
Thị trường các nước Hồi giáo tuy có tiêu chuẩn hàng hóa riêng biệt, nhưng về cơ bản “dễ tính” hơn rất nhiều so với EU, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên khu vực này bị hạn chế khả năng sản xuất các mặt hàng nông sản.

Trong khi đó, các loại hàng hóa mà các quốc gia Đông Phi có nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng…, đây đều là những mặt hàng có thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

UAE, Trung Đông và châu Phi tuy là những thị trường tiềm năng nhưng Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ - hai đối thủ rất lớn. Hơn nữa, nhiều quốc gia châu Phi áp thuế nhập khẩu từ 30 đến 40%.

Khai phá thị trường

Ông Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports cho biết, năm 2017, có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai. Điều đó cho thấy UAE rất chuộng sản phẩm Việt Nam.

Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tính chủ động tiếp cận, khắc phục những khó khăn như khoảng cách địa lý hay khác biệt về văn hóa trong quá trình thâm nhập thị trường châu Phi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại thị trường này.

Ở cấp chiến lược, có thể tăng cường ngoại giao, trao đổi đoàn, chủ động tổ chức các hoạt động triển lãm, xúc tiến đầu tư, thương mại; đồng thời xúc tiến ký kết các FTAs với các quốc gia ở “lục địa đen” để tạo hành lang cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư từ châu Phi, bằng việc thường xuyên giao lưu văn hóa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hấp lực từ thị trường Trung Đông và châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO