BRI và “con ngựa thành Troy”

Trương Khắc Trà 31/03/2019 06:45

"Vành đai và Con đường" đã bén rể ở Italy, sự kiện này khiến người ta nhớ về truyền thuyết "con ngựa thành Troy" cách đây mấy ngàn năm.

Câu chuyện xảy ra cách đây 7.000 năm, được Homer mô tả trong hai thiên trường thi Iliat và Odyssey. Đó là cuộc chiến thành Troy.

Hạm đội Hy Lạp hùng mạnh nhất thời bấy giờ đem quân đánh thành Troy, mất 10 năm trời, thành Troy vẫn hiên ngang sừng sững cho dù quân gây hấn đã hao tổn không biết bao nhiêu sức lực.

Đánh không thắng, Hy Lạp tính chuyện rút quân, bỗng một vị tướng trẻ hiến kế nhưng các tướng còn lại phản đối vì không muốn dùng “khổ nhục kế” này để chiến thắng.

Tình thế nguy nan, quân thiếu lương hụt buộc vị tổng chỉ huy chấp thuận kế này, bèn lệnh cho quân lính phá thuyền lấy gỗ, đóng thành con ngựa lớn, binh sĩ chui vào, để trước cổng thành Troy rồi tất cả xuống thuyền vờ rút lui.

Sáng ra, quân Troy vui mừng vì tưởng kẻ địch thua trận đã tháo chạy, dân chúng tò mò kéo ngựa vào thành, mở tiệc linh đình mấy ngày liền. Thấy thời cơ đến, quân Hy Lạp chui ra từ ngựa phát hiệu lệnh, nội hợp ngoại ứng phá tan thành Troy.

Kể từ đó, truyền thuyết “con ngựa thành Troy” được nhắc đến mỗi khi muốn mô tả “địch trong lòng ta”, mấy ngàn năm nay, loài người đã ứng dụng vô số diệu kế trong ngoại giao, chiến tranh… mang âm hưởng giống “ngựa thành Troy”.

Trên thế giới, hiếm hoi nơi nào có bề dày lịch sử chiến tranh, xung đột như Trung Hoa, cũng khó tìm ra nơi nào còn lại kho tàng mưu chước phong phú và đa dạng được đúc kết thành sách như ở Trung Hoa (Binh Pháp Tôn Tử)…

Người Trung Quốc ngày nay đang vận dụng triệt để kho tàng lý luận do tiền nhân để lại, trong ngoại giao, kinh tế, chính trị…thành công thấy rất rõ.

Đất nước Italy xinh đẹp đang gặp khó khăn kinh tế

Đất nước Italy xinh đẹp đang gặp khó khăn kinh tế

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được khởi xướng từ năm 2013 bởi ông Tập Cận Bình, con đường (nghĩa đen) này nối Trung Quốc với châu Âu băng qua Tây Á và Nga, Bắc Kinh chi hàng trăm tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở 60 quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc

    Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc

    06:00, 30/03/2019

  • Italy sẽ rời Liên minh châu Âu?

    Italy sẽ rời Liên minh châu Âu?

    04:30, 25/11/2018

Lợi hay hại, còn tùy vào mỗi quốc gia đối ứng như thế nào với nguồn vốn Trung Quốc. Nhưng nhiều nước nhỏ ở châu Á bắt đầu nhận ra số nợ của mình ngày một lớn hơn, được nhắc nhiều nhất là Sri Lanka, Maldives, mới xuất hiện gần đây là Djibouti, Mongolia, Montenegro.

Rõ ràng, BRI đang gây lo lắng ở châu Á, nhất là khi nó dễ thực hiện hơn ở hầu hết những quốc gia khó khăn!?

Theo kế hoạch Bắc Kinh vạch ra, BRI không “nhảy cóc”, tức là tuần tự xuất phát từ phía Tây đi về châu Âu, hơn nữa đây là siêu dự án hạ tầng, có tính chất kết nối tạo thành trục giao thông liên hoàn.

Trong khi BRI đang nghẽn ở Tây Á thì một bất ngờ xảy ra, một quốc gia rất nổi tiếng là Italy đã ký ghi nhớ (MoU) tham gia BRI, ước tính giá trị khoản hợp tác này lên tới vài chục tỷ EUR.

Đương nhiên, Mỹ và nhiều cường quốc châu Âu có lý do để lo lắng “thị phần” ích lợi của họ bị nhỏ lại với sự xuất hiện của Trung Quốc, và mối lo không chỉ là kinh tế!

Tuy nhiên, việc Italy thiện cảm với BRI hoàn toàn có lý do, nó cho thấy nhiều điều mà bản thân châu Âu dường như không còn đủ sức mạnh để “bảo kê” các thành viên của mình.

Nhiều nguyên nhân, song quan trọng hơn hết là Rome đang khó khăn tài chính nghiêm trọng, kinh tế trì trệ, thất nghiệp gia tăng, già hóa dân số…nằm trong sự bao quát chung của nhận định châu Âu đang tới hạn.

Liên minh châu Âu (EU) đã rút ra bài học Hy Lạp và áp dụng nó bằng việc không đồng thuận với chỉ tiêu thâm hụt ngân sách 4,2% GDP của Italy trong năm 2019, dự báo con số này còn tăng trong những năm tiếp theo.

Tiến trình Brexit ở Anh không có đường ra, một phần vì nội bộ Anh lục đục, phần quan trọng hơn nằm ở Uỷ ban châu Âu (EC) - họ không muốn mất thành viên, không muốn tan rã vào lúc này!

Tựu trung lại, châu Âu bí bách trong việc giúp đỡ các thành viên đang có dấu hiệu khủng hoảng, nhưng vẫn không muốn mất sự ảnh hưởng. Đây là mâu thuẫn lớn nhất và cơ hội không thể tốt hơn để BRI có thể xâm nhập.

Sau nhiều năm, có thể rút ra đặc điểm lớn nhất của BRI là luôn “điểm huyệt” đúng lúc, đúng chổ - đó là một chiến lược không thể xem thường.

Cố nhiên, cách mà Italy đối ứng với BRI hoàn toàn khác với các nước nhỏ ở châu Á, nhưng cũng lưu ý rằng, dù bất cứ nơi đâu BRI cũng chỉ một mục đích duy nhất là tăng “sức mạnh mềm” của Bắc Kinh.

Cộng hưởng với khó khăn kinh tế trong nước, hợp tác với BRI luôn có hai kịch bản cho Italy và nhiều nước khác: Một là, thoát nghèo bền vững; Hai là, càng lún sâu trong nợ nần.

Cho dù kịch bản nào xảy ra, Trung Quốc đều đạt được mục đích của mình, giữa mắc nợ và hàm ơn đều có ý nghĩa như nhau!

Trương Khắc Trà