Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc

An Chi 30/03/2019 06:00

Việc thu hút được Italy tham gia BRI có thể coi là một thành công, mở cánh cửa để Trung Quốc tiến sâu vào châu Âu.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Italy kết thúc ngày 23/3 với việc hai nước ký tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ (MoU) về việc Italy tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho biết các thỏa thuận được ký có giá trị ban đầu là 2,5 tỷ euro và có thể sẽ tăng lên tới 20 tỷ euro sau đó.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này được đánh giá là càng thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là khi hai bên ký 10 thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như giao thông vận tải, năng lượng, thép, tài chính và đóng tàu.

Italy và Trung Quốc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2004. Kim ngạch thương mại song phương hai nước hiện đã vượt mức 50 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Tập thăm châu Âu và lối đi mới của BRI

    Ông Tập thăm châu Âu và lối đi mới của BRI

    11:30, 21/03/2019

  • Nam Á: Làn sóng quay lưng với BRI của Trung Quốc

    Nam Á: Làn sóng quay lưng với BRI của Trung Quốc

    11:21, 12/02/2019

Đặc biệt, việc Italy trở thành quốc gia đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tham gia vào BRI. Điều này được Tổng thống Italy Sergio Mattarella đánh giá sẽ tạo “điều kiện tuyệt vời” để mối quan hệ hai nước phát triển.

Đáng nói, Italy đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế khi đã rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật”, họ kỳ vọng sẽ có được những cơ hội đầu tư và thương mại to lớn từ dự án này.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Rome ngày 23/3/2019. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Rome ngày 23/3/2019. Ảnh: Reuters

BRI là một sáng kiến của Trung Quốc nhằm tạo ra một "Con đường Tơ lụa" hiện đại, mạng lưới các tuyến giao thương cổ xưa từng kết nối Đông và Tây. Hàng chục tỷ USD đã được đầu tư kể từ khi nó được khởi động năm 2013 tại hơn 60 quốc gia, với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác nhau bao gồm đường sắt, đường bộ và hải cảng. Một số ước tính về tổng số vốn đầu tư của BRI lên tới mức một nghìn tỉ USD hoặc thậm chí nhiều hơn.

Chính phủ Italy vào mùa hè năm ngoái đã ra mắt một “Lực lượng đặc nhiệm về Trung Quốc” nhằm phát triển một chiến lược quốc gia để củng cố mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Italy và Trung Quốc, đồng thời đảm bảo cho Italy “một vị trí lãnh đạo ở Châu Âu”. Giáo sư Stefano Manzocchi của Đại học LUISS tại Rome, nhận xét rằng Italy có “một lợi ích rõ ràng” khi tham gia BRI.

Là một trong những nhà xuất khẩu mặt hàng chế tạo lớn nhất Châu Âu, Italy trên lý thuyết sẽ được hưởng lợi từ gia tăng thương mại giữa Trung Quốc và Châu Âu, nhưng ông thừa nhận, “người Trung Quốc là những nhà đàm phán đáng kinh ngạc nên Italy sẽ phải cẩn thận”.

Một loạt các thành viên EU đã ký bản ghi nhớ với Trung Quốc về BRI. Nhưng Italy sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia vào BRI. Thỏa thuận không phải là một hợp đồng, nhưng bước khởi đầu này rất quan trọng.

Điều này diễn ra vào thời điểm mà BRI đang phải đối mặt với một phản ứng bất lợi, EU đang cố gắng tạo ra một cách tiếp cận mang tính phối hợp hơn để đối phó với Trung Quốc, và sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng.

Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng đã bác bỏ thỏa thuận này, với thông điệp rõ ràng rằng "BRImang lại tính hợp pháp cho phương pháp đầu tư mang tính trục lợi của Trung Quốc và sẽ không mang lại lợi ích gì cho người dân Italy”.

Bà Lucrezia Poggetti thuộc Viện Mercator - một viên nghiên cứu chính sách của Đức, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng, Italy đang phải chịu “một rủi ro chính trị lớn đối để đổi lại những lợi ích kinh tế nhỏ bé”.

Bản ghi nhớ không có khả năng đảm bảo giúp các công ty của Italy được tiếp cận với các khoản đầu tư hoặc dự án BRI cụ thể, và các nhà xuất khẩu lớn nhất của Châu Âu sang Trung Quốc - Đức và Pháp - đã không ký các hiệp định tương tự.

Thay vào đó, bà Poggetti cho rằng thỏa thuận này phục vụ các mục đích của ông Tập, tạo ra uy tín cho BRI tại thời điểm mà sáng kiến tiêu biểu này của ông đang đối mặt với sự chỉ trích vì tạo ra “bẫy nợ” ở một số quốc gia mà nước này đầu tư.

Vấn đề đã trở thành một điểm gây tranh cãi khác trong chính phủ liên minh của Italy. Phong trào Năm Sao (Five Star) rất muốn Italy tham gia BRI nhưng Liên đoàn phương Bắc theo hướng dân tộc chủ nghĩa lo ngại việc xích gần lại Trung Quốc sẽ khiến liên minh với Mỹ gặp nguy hiểm.

Khi ông Tập ký bản ghi nhớ, ông có thể thoáng thấy một sự chia rẽ khác, về một dự án cơ sở hạ tầng hiện có. Một cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong cùng ngày chống lại một tuyến đường sắt cao tốc mới hoàn thành một phần nối Torino ở miền bắc Italy và Lyon ở Pháp. Cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra trong chính phủ giữa liên minh, trong đó Liên đoàn Phương Bắc ủng hộ, còn Phong trào Năm sao lại không.

Theo chuyên gia Francesco Galietti - công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar, thì trong số tất cả những “quả bom nổ chậm” đe dọa làm sụp đổ chính phủ liên minh của Italy, rủi ro lớn nhất chính là việc hoạch định ngân sách năm sau diễn ra vào tháng 11 hàng năm. Cho tới nay cả hai bên đều sẽ cố gắng hạn chế mâu thuẫn, ít nhất là cho đến khi cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.

Italy không phải là đồng minh của Trung Quốc, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Rome có thể sẽ ít nhiều ngả theo hướng có lợi cho chương trình nghị sự chiến lược của Bắc Kinh. 

Italy sẽ có tiếng nói quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu của EU, vốn đòi hỏi phải có sự nhất trí của đa số hoặc nhất trí hoàn toàn. Nếu Italy tác động nhằm xóa bỏ những khía cạnh gây bất lợi cho Trung Quốc trong bất kỳ đề xuất chính sách mới nào của EU, việc này có thể được coi là “món quà” đối với Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO