Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh
Anh là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết.
Báo DĐDN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Anh Đào, Tổng thư ký Hội người Việt tại Anh về các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Bà Nguyễn Anh Đào cho biết, Anh luôn chào đón công dân từ các nước khác đến kinh doanh, nên việc thành lập doanh nghiệp tại Anh rất dễ dàng.
- Xin bà chia sẻ về cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Anh?
Do Brexit, hiện tại các ngân hàng tại Anh đang thắt chặt việc cho vay. Do đó, các doanh nghiệp Anh gặp khó khăn trong việc phát triển kinh doanh. Đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với doanh nghiệp Anh.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) Anh đang giảm giá do các nhà đầu tư, người dân Anh khó vay vốn ngân hàng để mua nhà. Đây sẽ là lợi thế cho các nhà đầu tư BĐS nước ngoài vì giá nhà giảm và đồng bảng Anh (GBP) giảm giá. Nếu nhà đầu tư mua rồi bán lại, sẽ không có lợi. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư mua nhà để cho thuê, sẽ có lợi, vì người Anh khó mua được nhà do khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Anh vẫn tăng trưởng cao hơn dự báo sau Brexit
08:09, 26/12/2016
IMF: Kinh tế Anh giảm 0,1% GDP năm 2018
10:10, 22/12/2017
EU tiếp tục gia hạn thời gian Brexit
07:10, 12/04/2019
Loạt "ông lớn" bất mãn vì Brexit
13:00, 08/04/2019
"Bóng ma" Brexit và tác động toàn cầu
11:00, 01/04/2019
Ngoài ra, do kinh tế khó khăn và ngân hàng siết chặt cho vay, nên người dân Anh sẽ tìm mua các sản phẩm có giá rẻ, trong đó có nông sản của Việt Nam.
Còn nhớ tháng 7/2018, chính phủ Anh đã tuyên bố 4 nơi trọng điểm cho Anh thỏa thuận ký FTA hậu Brexit, trong đó có khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đương nhiên bao gồm Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam thiết lập FTA với Anh để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Anh.
- Theo bà, sản phẩm nào của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở thị trường Anh?
Như tôi đã phân tích ở trên, các sản phẩm nông nghiệp, nhất là hải sản, có thể sẽ là lợi thế của Việt Nam ở thị trường Anh. Nếu hậu Brexit, Anh không ký được thoả thuận về thực phẩm với EU, thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mà Anh không sản xuất được, như gạo, cà phê, trà… sẽ là một thế mạnh. Tuy nhiên, sản phẩm Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Anh. Ngoài ra, công nghệ thông tin (IT) cũng là một lợi thế của Việt Nam. Tôi được biết một số doanh nghiệp Anh hiện đang thuê đội ngũ IT của Việt Nam để phát triển phần mềm và ứng dụng cho họ.
- Khi đầu tư, kinh doanh ở Anh, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý điều gì, thưa bà?
Thứ nhất, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của Anh. Thứ hai, các doanh nghiệp Anh không giao dịch bằng tiền mặt và luôn tuân thủ việc đóng thuế. Do đó, các báo cáo tài chính, báo cáo thuế của doanh nghiệp Anh luôn minh bạch. Bởi vậy, họ cũng sẽ yêu cầu đối tác của họ thực hiện như vậy. Thứ ba, đối với người Anh, chữ tín rất quan trọng, nên họ thường thẳng thắn trong công việc. Thứ tư, các doanh nghiệp Anh rất tôn trọng luật pháp, nên họ cũng yêu cầu các đối tác của họ hoạt động đúng pháp luật. Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo đúng thỏa thuận, ví dụ giao hàng phải đúng thời hạn, đúng quy cách và chất lượng sản phẩm...
- Xin cảm ơn bà!