[eMagazine] Đối đầu Mỹ- Trung: Thương mại, công nghệ và chiến lược
Ngày 22/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và đến nay cuộc chiến này ngày càng leo thang.
Ông Trump cũng coi kế hoạch công nghiệp kỹ thuật của “Made in China 2025” là mối đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, do đó đã kêu gọi Trung Quốc dừng toàn bộ kế hoạch, bao gồm các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và robot.
Sau đó, vào tháng 4/2018, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 6/7/2018, ông Trump tiếp tục áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc đáp lại với các mức thuế tương tự đối với các sản phẩm của Mỹ.
Chính quyền Trump lý luận, thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, và giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Chỉ chấm dứt khi Trung Quốc nhượng bộ
11:37, 24/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
07:30, 22/05/2019
Chiến tranh thương mại: Cơ hội bùng phát hàng giả!
11:00, 19/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: VND sẽ đi về đâu?
10:03, 17/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Biến căng thị trường LNG và đậu nành
06:00, 05/04/2019
Chiến tranh thương mại: Ba phần nổi bảy phần chìm
06:10, 13/03/2019
Ngày 2/8/2018, Mỹ cân nhắc áp thuế 25% thay vì mức 10% dự kiến lên 200 tỷ USD hàng từ Trung Quốc trong Danh sách 3. Ngay lập tức, Bộ Thương mại Mỹ cũng thêm 44 mặt hàng Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, coi chúng là "nguy cơ nghiêm trọng" đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Đáp trả lại Danh sách 3 của Mỹ, Trung Quốc cũng công bố Danh sách 3 của mình, dự kiến áp thuế bổ sung lên 5.207 mặt hàng từ Mỹ, trị giá 60 tỷ USD.
Vào ngày 7/8/2018, Mỹ công bố bản Danh sách 2 cuối cùng, áp thuế 25% (thay vì 10% như dự tính) lên 279 mặt hàng từ Trung Quốc, trị giá khoảng 16 tỷ USD (bỏ bớt 5 mặt hàng so với ban đầu).
Đáp lại, Trung Quốc cũng công bố Danh sách 2 áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng từ Mỹ, chính thức có hiệu lực vào 23/08/2018; đồng thời, đệ đơn kiện Mỹ lên WTO về việc Mỹ áp thuế lên pin mặt trời, làm ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của Trung Quốc.
Sau đó, đại diện phía Mỹ và Trung Quốc gặp gỡ và thảo luận lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, nhưng không có tiến triển gì đáng kể.
Vào tháng 9/2018, Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng từ Trung Quốc, đưa tổng trị giá hàng Trung Quốc bị áp thuế lên tới 250 tỷ USD. Mức thuế này dự kiến sẽ tăng lên 25% kể từ 1/1/2019.
Trung Quốc cũng chính thức áp thuế 5-10% lên 60 tỷ USD hàng từ Mỹ; phát hành "Sách Trắng", đề cập tới vị thế chính phủ trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Vào tháng 12/2018, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ đạt được "thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày" khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina.
Mỹ hoãn kế hoạch tăng thuế trong Danh sách 3 từ 10% lên 25% dự kiến áp dụng vào 1/1/2019, và không áp thuế mới lên 267 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.
Bên cạnh đó, hai bên bắt đầu cuộc hội đàm lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Cuộc thảo luận bao gồm: (i) vấn đề về thương mại như mất cân bằng thương mại trong những lĩnh vực nhất định; (ii) vấn đề về thể chế như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ và hàng rào phi thuế quan.
Các cuộc gặp được cho là đã đặt nền tảng hướng tới giải quyết vấn đề mà các bên quan tâm nhưng những vấn đề quan trọng vẫn còn.
Mặc dù vậy, qua nhiều vòng đàm phán, đầu tháng 5/2019, sau một thời gian hai bên "đình chiến", Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết.
Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Mức thuế bổ sung 10-25% lên hàng hóa từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019.
Hiện tại, hai bên đang bước vào cuộc chiến công nghệ khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, kéo theo loạt đối tác “ngưng chơi” đẩy Huawei vào sát chân tường.
Ông Zhang Yansheng - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho rằng, trong vài năm tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm nghiệm các dự định chiến lược của nhau và sẽ dễ có đánh giá sai lầm, khiến việc đàm phán khó khăn.
"Giai đoạn khó khăn nhất sẽ là 2021-2025, với nguy cơ xung đột trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và tài chính. Từ 2026 đến 2035, Trung Quốc và Mỹ có thể chuyển hướng từ "đối đầu vô lý" sang "chấp nhận hợp tác", ông Zhang Yansheng nhận định.
Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế theo các kế hoạch 5 năm, 2035 là mốc họ muốn gia nhập các nước sáng tạo nhất thế giới, theo kế hoạch đặt ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017.
Dù vậy, viễn cảnh nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ đã mờ dần khi đàm phán đầu tháng này chững lại và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hạn chế việc kinh doanh của các hãng công nghệ Trung Quốc.
Ông Zhang cũng đánh giá, cuộc đàm phán bế tắc vì Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi ngay lập tức về cán cân thương mại, cải tổ cấu trúc và sửa đổi pháp lý. "Không nội dung nào nêu trên có thể được thực hiện trong ngắn hạn. Hệ thống giám sát thực thi mà Mỹ yêu cầu nằm ngoài khả năng của Trung Quốc. Các đòi hỏi về thay đổi luật pháp là quá cao và Trung Quốc cần thời gian để nâng cao năng lực trên toàn quốc gia”, chuyên gia này cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm làm vũ khí để trả đũa Mỹ. Vừa qua, ông Tập Cận Bình đã thăm một công ty đất hiếm Trung Quốc. Theo ông Li Mingjiang, chuyên gia từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore nhận định: “Giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét khả năng sử dụng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm làm vũ khí chống lại Mỹ”.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới và 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ôtô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ ra lệnh cấm vận loại vật liệu này.
Mặc dù vậy, Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung thay thế. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng đất hiếm lớn. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có 120 triệu tấn đất hiếm toàn cầu, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.
Về cơ bản, xét theo góc độ kinh tế, không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Còn về địa chính trị, người ta chỉ quan tâm ai mất nhiều hơn. Mỹ đặt cược rằng Trung Quốc sẽ phải thua cuộc. Còn Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ chẳng đủ dũng cảm để chiến đấu!
Theo một số chuyên gia, về cán cân thương mại, Mỹ đang “thắng” Trung Quốc. Số liệu của Mỹ được công bố vừa qua cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thực tế đã giảm đi trong những tháng gần đây.
Trên thị trường chứng khoán, Mỹ cũng đang có ưu thế. Thị trường chứng khoán hai nước trong năm ngoái đều giảm sâu nhất trong 1 thập kỷ, thế nhưng thị trường Trung Quốc giảm điểm tồi tệ hơn khi mức giảm của thị trường Trung Quốc lên đến 25%, cao gấp 4 lần mức giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Còn tính từ đầu năm 2018 đến nay, chứng khoán Trung Quốc giảm 14% trong khi chứng khoán Mỹ tăng 6%.
Về tác động từ thuế nhập khẩu, Mỹ thua Trung Quốc. Nhiều chuyên gia chỉ trích rằng các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tiêu dùng mà người Mỹ chi tiêu tăng lên, thế nhưng cho đến nay điều đó chưa xảy ra.
Dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng giảm, khiến FED cũng phải lên tiếng lo ngại về điều này. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ lại hết sức khả quan, khi GDP quý 1 tăng trưởng tới 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Trung Quốc, thuế cao hơn với hàng nhập khẩu Mỹ không tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa tiêu dùng bởi nhiều trong số đó là sản phẩm đầu vào của của các ngành công nghiệp, chứ không phải hàng cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhóm 7 mặt hàng mà Trung Quốc đánh thuế cao với Mỹ đều là hàng tiêu dùng bao gồm đậu tương, vàng, đồng thải, giấy thải, khí đốt, khí hóa lỏng, bông và propan. Người Mỹ rõ ràng chịu nhiều tác động của thuế nhập khẩu mà Trung Quốc áp với hàng hóa của họ hơn.
Cùng với đó, trong lĩnh vực tiền tệ, Mỹ đang ngang bằng với Trung Quốc khi CNY đã suy yếu 7,5% so với đồng USD trong năm qua. Nhờ vậy các nhà xuất khẩu Trung Quốc có được một “tấm khiên” bảo vệ quan trọng trước các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump, có thể đồng nhân dân tệ còn suy yếu hơn nữa.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước các hành động của ông Trump. Trong một bài bình luận được công bố trên tài khoản WeChat của mình vào ngày 7/5, tờ Nhân dân nhật báo cảnh báo Mỹ không nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn bình luận cho hay: “Khi mọi thứ không thuận lợi với chúng tôi, bất kể bạn yêu cầu thế nào, chúng tôi sẽ không lùi bước. Thậm chí không nghĩ về nó”.
Người Trung Quốc tin rằng họ có ý chí và đủ sức mạnh để trụ vững trong mọi tình huống. Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của ông có lập trường rất vững chắc, chưa có dấu hiệu lùi bước trước những thách thức từ phía Mỹ.
Trong quan điểm của Bắc Kinh, rủi ro suy thoái do việc không đạt thỏa thuận và thuế quan cao hơn của Mỹ hiện đã giảm bớt khi kế hoạch kích thích kinh tế đang được tiến hành.
Ông Arthur Kroeber, người đứng đầu nghiên cứu của Gavekal Dragonomics, có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định: “Việc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi đã giúp các nhà đàm phán nước này có thêm cơ sở để từ chối yêu cầu của Mỹ, liên quan đến việc cắt giảm trợ cấp công nghiệp và buộc chuyển giao công nghệ”.
Mặt khác, trọng tâm của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan đầu não đưa ra quyết sách - đã thay đổi trong 2 tháng trở lại đây, với ít sự chú ý dành cho tình hình kinh tế hơn.
Cuộc họp mới nhất của Bộ Chính trị Trung Quốc không tập trung vào ổn định kinh tế như hồi tháng 2 nữa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy tác động của biện pháp thuế của Mỹ lên nền kinh tế Trung Quốc không nghiêm trọng như dự báo.
Theo ông Arthur Kroeber, nền kinh tế phục hồi khuyến khích cho các nhà đàm phán Trung Quốc cự tuyệt trước yêu cầu cắt trợ cấp công nghiệp và chính sách ép chuyển giao công nghệ của Mỹ. Nếu Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Washington..., đó sẽ là nỗi nhục khi chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong nước.
Nhưng dù bất kể lý do gì, người Trung Quốc vẫn phải giải bài toán Huawei, tìm đâu ra công nghệ thay thế? Quá nhiều thông điệp cứng rắn được Bắc Kinh phát đi, nhưng qua sự việc Huawei sẽ phơi bày tất cả trong nay mai.
Cuộc chiến tranh thương mại lần này chắc chắn sẽ gây tổn thương kinh tế toàn cầu, nhưng có dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu hay không thì còn phải chờ xem.
Các thị trường tài chính đang bị điêu đứng bởi những cuộc đàm phán thương mại bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc - hàng ngàn tỷ USD bị đe dọa. Cụ thể, chỉ cần một quan chức cấp cao của Mỹ hoặc Trung Quốc, hay Tổng thống Mỹ viết một dòng trên mạng xã hội Twitter cũng đủ “thổi bay” hàng tỷ USD trên sàn chứng khoán!
Cuộc so kè sức mạnh này chỉ mới bắt đầu và sẽ còn trải qua các cao trào “nguy hiểm” hơn trong những năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo thương chiến đang leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, xói mòn niềm tin và tăng giá cả tiêu dùng.
Những tổn thất về kinh tế thậm chí sẽ còn trở nên nặng nề hơn nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi điều này sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu bị suy giảm trong ngắn hạn.
Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chưa mạnh ở thời điểm hiện tại, song những căng thẳng mới phát sinh có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến tâm lý thị trường tài chính và kinh doanh, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự phục hồi dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019.
Việt Nam có thể phần nào hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung lần này, bởi một số nhà đầu tư sẽ chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi hàng rào thuế quan được đẩy lên mức độ mới, tất cả hàng hóa đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu đều sẽ bị tác động, và đó không chỉ là câu chuyện của riêng Mỹ hay Trung Quốc.
Mặt khác, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ mang lại một số cơ hội nhất định nào đó. Cụ thể, về dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là Mỹ, có thể nhận ra rằng sẽ có rủi ro nếu đặt hoạt động tại Trung Quốc, nên cần tìm kiếm sự thay thế trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Tất nhiên, để có thể tận dụng cơ hội lâu dài này, Mỹ cần phải nhận được sự cam kết luật chơi từ đối tác.