Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến giảm lượng vốn đầu tư trên toàn cầu, dẫn đến sụt giảm tăng trưởng, việc làm và chỉ chấm dứt khi phía Trung Quốc nhượng bộ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng toàn cầu năm 2019, làm xói mòn lòng tin và làm tăng giá hàng tiêu dùng.
Kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết, người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc là những người chịu thua thiệt từ cuộc chiến thương mại. Bà Gita Gopinath bác bỏ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, tiền thuế thu được là do Trung Quốc phải chi trả và số tiền đó sẽ vào kho bạc của Mỹ.
Bà khẳng định, tiền thuế đó thực chất là do các công ty nhập khẩu Mỹ phải chi trả. Thiệt hại kinh tế sẽ lớn hơn nếu Tổng thống Trump thực hiện đe dọa đánh thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Có cùng quan điểm, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới trao đổi với DĐDN cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng do những xáo trộn và bất ổn của dòng thương mại thế giới.
“Sự leo thang nguy hiểm trong xung đột lần này khiến lòng tin nhà đầu tư thêm bất an khi vẫn đang chịu đựng sự bất an từ tiến trình Brexit, bất ổn địa chính trị ở Trung Đông có dấu hiệu tăng lên, sẽ khiến giảm lượng vốn đầu tư trên toàn cầu, dẫn đến sụt giảm tăng trưởng và việc làm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ mức 3,5% xuống còn 3,3%. Trong đó, theo một tính toán của Oxford Economics thì việc Chính quyền Mỹ - Trung đánh thuế vào nhau như hiện nay sẽ khiến tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể mất 0,8% trong khi Mỹ mất 0,3%.
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định, những tác động tới kinh tế toàn cầu nằm ở sự xáo trộn và thay đổi dòng thương mại gây ra. Trong khi đó, triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tốt và vững chắc. Điều đáng lo ngại nhất là những diễn biến xấu ở Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
17:37, 22/05/2019
07:30, 22/05/2019
11:37, 21/05/2019
07:00, 21/05/2019
“Tuy nhiên trong ngắn hạn, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều đạn dược và dư địa để kiểm soát tình hình, chẳng hạn, dự trữ ngọa hối vấn lớn, nợ Chính phủ không cao có thể cho phép chi tiêu tài khóa tăng kích thích kinh tế, dự trữ bắt buộc cao có thể hạ để kích thích tín dụng. Nghĩa là trong ngắn hạn tác động tiêu cực lớn từ Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu là chưa lớn”, ông Sơn nhận định.
Mặc dù tác động gây khủng hoảng toàn cầu trong thời gian ngắn là chưa có, tuy nhiên nhiều chuyên gia lại nhận định cuộc chiến này sẽ còn kéo dài. Do đó, nguy cơ về khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau này là khó tránh. Zhang Yansheng, chuyên gia nghiên cứu trưởng tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (China Center for International Economic Exchanges), chiến tranh thương mại sẽ kéo dài tới năm 2035.
“Trong vài năm tới Mỹ và Trung Quốc sẽ thăm dò chiến lược của nhau và có thể xuất hiện những hiểu nhầm khiến đàm phán thương mại khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhất sẽ là từ năm 2021 đến 2025. Sẽ có những xung đột trên nhiều mặt, từ kinh tế, thương mại đến công nghệ và tài chính. Từ 2026 đến 2035 là giai đoạn hai nước hướng đến hợp tác thay vì "đối đầu một cách phi lý trí" như hiện nay”, ông Zhang Yansheng nói.
Cùng quan điểm, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc không phải chỉ là vì thương mại hay tiền bạc mà còn mang tính chất cuộc đấu địa chính trị nên sẽ còn phức tạp, kéo dài. “Cuộc chiến sẽ chỉ dừng lại khi Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ”, ông Sơn nhận định