Đâu là nước cờ hiểm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại?
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn đã chịu tác động của chiến tranh thương mại, thì trong lĩnh vực thực phẩm, Trung Quốc đang cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý.
Trong một khu chợ ẩm ướt tại quận Hồng Kiều của Thượng Hải vào một sáng thứ bảy gần đây, khu vực quầy bán thịt là khu nhộn nhịp nhất trong chợ. Gia cầm, thịt bò và thịt cừu đều có tại khu chợ này, nhưng thịt lợn là mặt hàng được ưa chuộng nhất. "Món thịt lợn là thứ bắt buộc trong bữa ăn của chúng tôi" – chị Cao, một người nội trợ, đang đi mua sắm thức ăn cho gia đình ba người cho biết.
Thịt lợn là một thành phần chính trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Đất nước này được xem là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Lượng thịt tiêu thụ bình quân đầu người đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, và đây được xem là một biểu tượng cho sự sung túc ngày càng tăng của đất nước. Thu nhập hộ gia đình tăng và một ngành công nghiệp nội địa ngày càng lớn và công nghiệp hóa đã đưa thịt đến bữa cơm của hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc. Và đa phần người dân Trung Quốc đã quen với thịt lợn luôn có sẵn với mức giá phải chăng.
Có thể bạn quan tâm
Dầu thô: Vũ khí mới của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại?
11:00, 10/08/2019
Kinh tế Việt Nam 1 năm sau ngày “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”
09:35, 06/08/2019
Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng 30% - đây được xem là hậu quả của sự bùng phát dữ dội của dịch lợn châu Phi - một loại virus rất dễ lây lan và gây chết người bắt đầu lây lan qua đàn gia súc Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Hàng triệu con lợn đã bị tiêu diệt; Chuyên gia hàng hóa nông nghiệp Rabobank dự báo đến cuối năm 2019, sản lượng thịt lợn của nước này có thể giảm một nửa. Mặt hàng thịt nhập khẩu, trước đây chiếm chưa đến 3% lượng tiêu thụ của Trung Quốc, giờ lại trở nên cần thiết để lấp đầy thâm hụt.
Tuy nhiên, đây lại là thời điểm bất lợi cho Trung Quốc khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới này bị đắm chìm trong cuộc chiến thương mại chưa biết bao giờ mới kết thúc. Thậm chí, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với một đợt thuế quan trừng phạt khác của Mỹ vào ngày 1 tháng 8. Bắc Kinh đã tuyên bố tạm dừng tất cả việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và tự tay cắt đứt với nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất của mình.
Theo giới quan sát đánh giá, đây là một động thái đầy nguy hiểm. Đảng Cộng sản Trung Quốc – vốn mong muốn phát đi thông điệp về sự thịnh vượng và ổn định lâu dài trước lễ kỷ niệm 70 năm của Cộng hòa Nhân dân vào tháng 10 này - đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông. Trong bối cảnh đó, giá thực phẩm leo thang, vốn được xem là tín hiệu của tình trạng bất ổn, có thể lại là một làn gió ngược chiều nguy hiểm khác.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn đã chịu tác động của chiến tranh thương mại, thì trong lĩnh vực thực phẩm, Trung Quốc đang cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý – kết quả của nỗ lực phối hợp trong vấn đề chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm nguồn thay thế, giúp người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu vượt qua ảnh hưởng của lạm phát.
Ngược lại, ngành nông nghiệp của Mỹ, đã bị vùi dập bởi thời tiết không thuận lợi cùng các vòng thuế quan, hiện đang phải đối mặt với một thách thức khác. Và thách thức này cũng chính là một trong những nguy cơ đang đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Các trang trại chăn nuôi lợn và các trang trại trồng đậu nành, vốn nằm tại trung tâm bầu cử của tổng thống phải đối mặt với một năm ảm đạm, mọi thứ khó khăn. Chính điều này đã làm lung lay khẳng định của ông Trump hồi đầu tháng 8 rằng "chiến tranh thương mại càng kéo dài, Trung Quốc càng yếu và chúng ta càng mạnh hơn."
"Phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc có dân số lớn và do đó nhu cầu thực phẩm rất lớn, và Washington tin rằng đây chính là điểm huyệt của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng thực tế thì lại đang chứng minh điều ngược lại", chuyên gia an ninh lương thực Jiayi Zhou tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm nhận định.
Quay trở lại câu chuyện tại chợ Hồng Kiều, chị Cao cho biết thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của gia đình chị. "Chúng tôi vẫn mua, bất chấp sự gia tăng," chị nói. Điều đáng chú ý, chị Cao không phải người Trung Quốc duy nhất có suy nghĩ này. Một người phụ nữ khác cho rằng việc thịt lợn tăng giá là "không có gì to tát".
Thậm chí, ngay cả khi thịt lợn lên giá quá cao, thì nền chăn nuôi của Trung Quốc vẫn có thể thích nghi được trong một khoảng thời gian ngắn. Trong trường hợp mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, thì người dân Trung Quốc vẫn có thể tìm nguồn thay thế từ các loại protein khác.
Peter Huang Ming-tuan, CEO của Sun Art Retail Group, chuỗi siêu thị lớn nhất của Trung Quốc và là nhà điều hành của các thương hiệu RT-Mart và Auchan, nói rằng mặc dù doanh thu của họ đã giảm 6% trong sáu tháng đầu năm, nhưng doanh số bán hải sản và Các loại thịt khác ngoài thịt lợn đã có sự tăng nhẹ, vì sự thay đổi chậm - nhưng lâu dài, trong chế độ ăn của người Trung Quốc.
"Thịt lợn đã trở nên có thể thay thế", anh Huang nói, "Ngày càng có người tiêu dùng Trung Quốc có thói quen sử dụng thịt bò trong bữa ăn hàng ngày"
Một trường hợp khác, ông Xiao Xingxing - giám đốc điều hành một chuỗi cửa hàng lẩu nổi tiếng Laowang tại Thượng Hải, cho biết công ty của ông chủ yếu sử dụng thịt lợn và nội tạng, tuy nhiên hiện nay công ty cũng cung cấp thịt bò và thịt cừu, giúp bình ổn giá. "Chúng tôi muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà không cần điều chỉnh giá", ông Xiao cho biết.
Tuy nhiên, một số công ty lại được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Shandong Delisi Food vốn là một công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, đã thông báo vào ngày 20 tháng 8 rằng lợi nhuận ròng từ tháng 1 đến tháng 6 của công ty tăng 57%, chủ yếu là do số lượng lợn đã chế biến và bán ra thị trường tăng . Một nhà chế biến khác là Huatong Meat Products, cho biết lợi nhuận ròng trong nửa năm của công ty đã tăng tới 10% vào năm ngoái.
Không cần chờ đến khi Tổng thống Trump thông báo áp vòng thuế mới vào đầu tháng 8, các nhà nhập khẩu thịt lợn Trung Quốc đã tìm kiếm các nguồn thay thế. Thuế suất áp dụng đối với thịt lợn Mỹ đã ở mức 62%, khiến mặt hàng này không bị cạnh tranh - mặc dù một số người mua sẵn sàng bỏ ra để đảm bảo nguồn cung cấp. Ngay cả trong tuần từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 8, sau khi đợt tăng thuế mới nhất được công bố, Trung Quốc đã mua hơn 10.000 tấn thịt lợn Mỹ.
Henan Shuanghui Investment & Development - một công ty con của Tập đoàn WH được niêm yết tại Hồng Kông, vốn được biết đến là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới - đã nhập khẩu hơn 100.000 tấn từ Mỹ chỉ trong nửa đầu năm nay. Con số đó, chiếm một nửa tổng nhập khẩu của công ty, không thay đổi so với con số của năm trước, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc. Chủ tịch của Henan Shuanghui cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 13 tháng 8 rằng các yếu tố chính trị đang hạn chế tiềm năng mở rộng thương mại đó, và công ty hiện đang tìm cách tăng nguồn cung từ châu Âu và Nam Mỹ.
Tại công ty Lihe Frozen có trụ sở tại Quảng Châu, lãnh đạo công ty này cho biết công ty đã ngừng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ Mỹ kể từ khi cơn sốt lợn bùng phát vào cuối năm ngoái. "Thịt lợn của Mỹ đã trở nên quá đắt. Chúng tôi không có lợi nhuận khi kinh doanh mặt hàng này". Thay vào đó, công ty đã tìm nguồn cung thịt lợn từ Brazil, cũng như tăng nhập khẩu thịt bò và thịt gia cầm trong bối cảnh người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn về sự an toàn của các sản phẩm thịt lợn do căn bệnh này.
Tình hình tương tự tại công ty Huicheng Frozen Food có trụ sở tại Thâm Quyến. Lý do công ty này đưa ra cho quyết định ngừng mua hàng của Mỹ là chính trị. "Chỉ cần nhìn vào cách người Mỹ bắt nạt đất nước chúng tôi. Bất kỳ người Trung Quốc nào cũng sẽ xem xét việc có nên mua thịt lợn Mỹ nữa hay không”, đại diện công ty cho biết, và nói thêm rằng công ty hiện đang nhập khẩu thêm thịt lợn từ Brazil và Nga .
Khả năng các nhà nhập khẩu Trung Quốc thay thế hàng hóa của Mỹ bằng hàng hóa của các nhà sản xuất khác cho thấy đó là một lợi thế trong cuộc chiến thương mại của Trung Quốc. Về lâu dài, điều này sẽ là làm suy yếu đi khẳng định của Tổng thống Trump rằng Mỹ đang “trên cơ” Trung Quốc trong cuộc chiến dai dẳng này. Dù muốn hay không thì việc này cũng sẽ gây bất lợi cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong cuộc đua vào chiếc ghế Nhà Trắng năm 2020.