Kinh tế Việt Nam 1 năm sau ngày “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”

Linh Nga 06/08/2019 09:35

Khác với giai đoạn 2015-2018, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tạm thời chuyển từ xuất khẩu sang đầu tư và tiêu dùng trong nước giai đoạn 2019-2020.

Vào ngày 06/07/2018, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ bắt đầu thu những đồng thuế bổ sung đầu tiên áp lên gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.

Đây là một trong những dấu mốc lịch sử đánh dấu sự tồn tại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các biện pháp trả đũa nhau liên tục. Đến nay danh sách các mặt hàng chịu thuế suất của Mỹ ngày càng dài và lên tới 550 tỷ USD, trong đó đợt đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa sẽ có hiệu lực từ 01/09/2019.

Là một nền kinh tế nhỏ với độ mở cao, nhóm phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, Việt Nam hiển nhiên chịu ảnh hưởng gián tiếp từ vòng xoáy thuế quan. Việt Nam vẫn đang là “ngôi sao sáng” trong khu vực khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định. Khác với giai đoạn 2015-2018, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tạm thời chuyển từ xuất khẩu sang đầu tư và tiêu dùng trong nước giai đoạn 2019-2020.

So với 12 tháng trước, tăng trưởng GDP theo quý có xu hướng ổn định quanh mức 6,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh hoạt động sản xuất-xuất khẩu hàng điện tử và dòng vốn FDI đăng ký mới có phần chững lại. Hoạt động sản xuất chế biến – chế tạo giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định quanh 9-10%. Riêng hoạt động sản xuất điện thoại, điện tử, tăng trưởng sản xuất vẫn khá chậm chạp và có thể thấp hơn kỳ vọng trong quý 3 dù là mùa sản xuất cao điểm. Do chi phí nhập khẩu điện thoại và linh phụ kiện trong tháng 7 chỉ đạt 0,9 tỷ USD, thấp hơn mức 1,4 tỷ USD cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, các dự án lọc dầu, thép, ô tô trong nước đang là động lực chính trong khi tốc độ tăng trưởng ngành khai thác than liên tục nới rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành điện. Chỉ số sản xuất PMI tiếp tục duy trì trên ngưỡng 50 cho thấy khu vực này liên tục mở rộng trong thời gian qua.

Tính đến hết tháng 7, chỉ số CPI chung chỉ tăng 2,6% YoY khi Chính phủ đẩy mạnh kiềm chế lạm phát. Rủi ro lạm phát trong nửa cuối năm đến từ các mặt hàng thiết yếu như giá thịt heo, giá xăng dầu và kể cả giá điện. Theo dự báo của VDSC, lạm phát chung trong năm 2019 ở mức 3,8%, thấp hơn ngưỡng 4% do Quốc Hội đề ra. So với 12 tháng trước đó, rủi ro lạm phát đang thấp hơn tương đối. Tuy nhiên, bài toán hiện nay gắn với việc kiểm soát lạm phát cơ bản khi liên tục tăng và đạt 2,0% YoY trong tháng 7 vừa qua. Tác động lan truyền từ việc tăng giá hàng hóa thiết yếu hay khả năng dư thừa tiền ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng là những yếu tố cần xem xét.

Về tỷ giá, USDVND đã giảm về ngưỡng đầu năm, tính đến cuối tháng 7, sau khi tăng đột biến vào trong quý 2. Rủi ro tỷ giá vẫn còn đó khi đồng Nhân dân tệ trong phiên giao dịch gần đây đã tăng đột ngột lên 7,0 NDT đổi 1 USD. Tuy nhiên, với triển vọng giải ngân FDI và FII khả quan, dự trữ ngoại hối gia tăng, đạt 68 tỷ USD, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước (SBV) vẫn có đủ không gian kiểm soát tỷ giá.

Khác với giai đoạn trước, vẫn còn đó những giới hạn và khó có thể kỳ vọng lãi suất huy động/cho vay trên thị trường 1. Lãi suất cho vay VND qua đêm đang giảm xuống dưới ngưỡng 3%/năm sau khi duy trì quanh mức 3,5%/năm trong suốt quý 2. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, duy trì khoảng chênh lệch giữa lãi suất cho vay VND và USD qua đêm là điều cần thiết. Lãi suất cho vay USD qua đêm đang ở mức 2,5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Việt Nam 1 năm sau ngày “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO