“Con đường tơ lụa” kỹ thuật số Kỳ I: Toan tính của Trung Quốc

Trương Khắc Trà 01/09/2019 11:00

Khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) chững lại, kế hoạch “Made in China 2025” gặp trục trặc, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy sáng kiến “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu triển khai thành công sáng kiến này, Trung Quốc sẽ nâng cao được năng lực của mình trong việc định hình trật tự quốc tế.

p/Trung Quốc tham vọng sẽ xây dựng đường cáp quang dọc các nước trên tuyến “Một vành đai – Một con đường” để trở thành con đường chính kết nối cấu trúc di động và thương mại điện tử giữa các quốc gia.

Trung Quốc tham vọng sẽ xây dựng đường cáp quang dọc các nước trên tuyến “Một vành đai – Một con đường” để trở thành con đường chính kết nối cấu trúc di động và thương mại điện tử giữa các quốc gia.

Chiến lược “hai trong một”

Mục đích của sáng kiến này là xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng Internet của Trung Quốc, tăng cường hợp tác trong không gian và phát triển các tiêu chuẩn công nghệ chung giữa các nước thành viên BRI.

Sở dĩ chúng ta ít biết về sáng kiến này là bởi không gian hoạt động của nó chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi - dựa trên các tập đoàn công nghệ khổng lồ ZTE, Great Wall và Huawei.

Mạng điện thoại di động do ZTE xây dựng ở Ethiopia nối liền Afganistan và một loạt quốc gia như Lào, Nigeria, Sri Lanka, Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Huawei hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Internet ở Cameroon, Kenya, Zimbabwer, Togo với 1 tỷ USD vốn đầu tư ban đầu.

Trong lĩnh vực không gian, Bắc Kinh đang “đỡ đầu” cho nhiều quốc gia nghèo phát triển hệ thống vệ tinh trên nền tảng công nghệ chuyển giao. Ngoài ra, Bắc Kinh còn là chủ đầu tư hàng loạt dự án camera giám sát người dân và bạo loạn chính trị trải dài từ Nam Á, Trung Đông đến tận châu Phi.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu mới về sáng kiến BRI

    Tín hiệu mới về sáng kiến BRI

    06:15, 26/04/2019

  • Xua tan nghi ngại về BRI

    Xua tan nghi ngại về BRI

    04:12, 26/04/2019

Đây là nỗ lực khuếch trương sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đến các quốc gia chậm phát triển, bất ổn chính trị, được lồng ghép vào BRI, nhằm tạo ra “chủ quyền Internet” để giám sát không phận của quốc gia.
Cùng với BRI hữu hình bằng các dự án hạ tầng giao thông, con đường tơ lụa kỹ thuật số tuy vô hình nhưng tạo ra xu hướng Internet mới, đó là kiểm duyệt chặt chẽ thông tin, khởi phát nhiều ngành kinh tế thứ cấp, len lỏi sâu hơn vào đời sống xã hội mỗi quốc gia mà chương trình này có mặt.

Phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc

Con đường tơ lụa kỹ thuật số là xuất khẩu công nghệ, song bản chất của nó còn giúp giải quyết tình trạng “bùng nổ” Internet ở Trung Quốc đại lục trong bối cảnh dư địa phát triển dần tới hạn.

Trung Quốc từ lâu nói không với dịch vụ Internet từ phương Tây. Vì vậy, con đường tơ lụa kỹ thuật số sẽ tạo ra cực thứ 2 cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, châu Âu.

Không phủ nhận công nghệ và vốn Trung Quốc góp phần thay đổi các quốc gia nghèo, giúp họ kết nối với thế giới. Tuy nhiên, toàn bộ sự kết nối đó lại nằm trong vòng kiểm soát của Bắc Kinh.

  Thông qua sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Trung Quốc đã và đang tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ chiến lược với Mỹ và đang xuất khẩu mô hình chính trị số của mình ra toàn thế giới.

Điều dễ thấy nhất trong sáng kiến này là các quốc gia có liên quan phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc. Bởi, hạ tầng công nghệ do Trung Quốc đầu tư xây dựng sẽ làm phát sinh một loạt các ngành thứ cấp, đó là thương mại điện tử, ngân hàng số, mạng xã hội, đô thị thông minh, chính phủ điện tử... Hiển nhiên, vai trò cung ứng công nghệ luôn nắm quyền sinh sát!

Không có gì đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nếu như dùng thiết bị ngoại nhập. Lo ngại này có cơ sở khi nhiều tập đoàn công nghệ từ Trung Quốc dính bê bối tại những nước có luật pháp, thể chế chặt chẽ.

Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã bộc lộ những điểm yếu chết người, đó là khả năng tự chủ và sáng tạo. Hay nói cách khác, công nghệ của Trung Quốc bị phụ thuộc vào Washington. Có nghĩa các quốc gia thành viên của BRI có thể trở thành “phòng thí nghiệm” công nghệ của Trung Quốc.

Các quốc gia dọc theo con đường tơ lụa kỹ thuật số sẽ khó có thể chống lại sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, nhưng cần đánh giá cẩn trọng nhu cầu trong nước, khả năng áp dụng công nghệ và tốc độ đổi mới nếu muốn đạt được lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Kỳ II: Việt Nam ứng phó thế nào?

Trương Khắc Trà